Hiệu quả từ mô hình nuôi gà, nuôi cá
Nuôi gà ATSH tại hộ anh Đinh Văn Thảo.
Mới đây, Trạm Khuyến nông (KN) huyện An Lão đã tổ chức hội thảo tổng kết các mô hình (MH) KN được triển khai thực hiện từ tháng 6.2015 (do Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ 250 triệu đồng tổ chức xây dựng 5 MH KN tại các xã An Hòa, An Quang, An Trung, An Hưng và thị trấn An Lão, gồm 1 MH nuôi cá nước ngọt tại xã An Hòa, các xã còn lại thực hiện mô hình nuôi gà an toàn sinh học - ATSH).
Có 13 hộ tham gia MH.
Bà con được đầu tư kinh phí mua cá giống và gà giống cùng 100% kinh phí mua thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi.
Kết quả sau gần 4 tháng nuôi theo quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, MH nuôi cá đạt trọng lượng bình quân 0,4kg/con; mô hình nuôi gà ATSH đạt bình quân 1,7kg/con; sau khi trừ các khoản chi phí người chăn nuôi còn lãi khá cao.
Gia đình anh Đinh Văn Thảo (dân tộc Hre) ở thôn 2, xã An Hưng, tham gia MH nuôi gà ATSH, nuôi 200 con gà ta thả vườn.
Qua 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng từ 1,8 - 2kg/con.
Anh Thảo cho biết: “Được cán bộ KN hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà ATSH, dễ làm, hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ đàn gà nuôi khỏi dịch bệnh; tỉ lệ gà nuôi sống đạt 98%.
Gia đình còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như lúa, bắp và rau xanh bổ sung thêm thức ăn nên gà chóng lớn, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 5 triệu đồng.
Kết thúc MH này, mình tiếp tục nuôi gà và giúp bà con trong làng biết cách chăn nuôi như gia đình mình”.
Ông Trương Văn Hiền, ở thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa, nuôi thâm canh 6.000 con cá nước ngọt (chủ yếu là cá rô phi đơn tính) chia sẻ kinh nghiệm: “Lợi thế của chăn nuôi thâm canh là lượng cá giống thất thoát rất ít; nhờ đầu tư thức ăn, phòng trừ dịch bệnh tốt nên cá lớn rất nhanh, một năm có thể chăn nuôi 2 vụ cá/năm, hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần so với nuôi cá nước ngọt thông thường.
Trong thời gian tới tôi vẫn áp dụng chăn nuôi cá thâm canh”.
Theo nhận định chung, cái được lớn nhất của các MH là chuyển giao được tiến bộ KHKT mới cho người chăn nuôi, giúp bà con nông dân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia MH đều nắm chắc được yêu cầu kỹ thuật trong quá trình xây dựng chuồng trại.
Cải tạo mặt nước ao, hồ, khai thác nguồn lực sẵn có tại địa phương để mở rộng chăn nuôi, đưa con cá, con gà miền núi trở thành nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho hộ gia đình.
Ông Phạm Minh Tâm - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT, Trưởng Trạm KN huyện An Lão - cho biết: Trạm sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền, các hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các MH đạt hiệu quả kinh tế cao trên phạm vi toàn huyện, nhất là nhân rộng mô hình nuôi gà ATSH, nuôi cá thâm canh tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Và để làm được việc này, trước hết phải tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở “cầm tay chỉ việc” để giúp người dân làm quen với cách chăn nuôi mới.
Related news
Những người nuôi chim cút liên kết với doanh nghiệp tạo ra chuỗi sản phẩm sạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con
Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín từ chuồng trại, giống, thức ăn, hệ thống xử lý chất thải... để sản phẩm chăn nuôi đảm bảo chất lượng
Bà Nhuẫn cho biết mình đã trồng loại rau này được 3 năm nay. Bà cũng không ngờ, rau nhút lại cho bà lợi nhuận cao như vậy. Trồng rau nhút lãi 300 triệu đồng/năm
Từ khi ông tự làm được meo giống nấm và sáng chế ra thiết bị bảo đảm tối đa nhiệt khử trùng phôi nấm khiến tỷ lệ bịch phôi đạt thành phẩm tăng đến gần 100%