Hiệu Quả Từ Mô Hình Chuyển Đổi
Thời gian gần đây, người dân ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của nhiều hộ dân.
Ông Đoàn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác nên trong 2 năm trở lại đây, chính quyền xã đã vận động và tổ chức cho nhân dân cùng triển khai thực hiện.
Khi thực hiện, Đảng ủy, UBND xã đều tổ chức đối thoại với hộ dân để nghe ý kiến và nguyện vọng của họ. Lúc đầu còn gặp nhiều khó khăn về công tác vận động vì hầu hết người dân chưa định hướng được trồng cây gì cho phù hợp.
Dần về sau, xã đã chọn được nhiều loại cây trồng phù hợp và có hiệu quả kinh tế, chủ yếu là cây chanh không hạt, cam sành, mít Thái siêu sớm,… Theo đó, tùy từng điều kiện mà mỗi hộ dân sẽ lựa chọn cây trồng thích hợp.
Theo UBND xã Long Thạnh, toàn xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 2.310ha, trong đó vườn tạp chiếm khá lớn, hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, sau khi được vận động từ hàng trăm héc-ta ban đầu, đến nay diện tích vườn tạp chỉ còn khoảng 84ha.
Gắn bó với nghề nông từ lâu, nhưng ông Trần Ngọc Hải, ở ấp Trường Khánh 1 cũng như các hộ dân nơi đây luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất canh tác, bởi nếu chỉ có trồng lúa, mía thì hiệu quả kinh tế quá thấp. Ông Hải cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng nhiều loại cây đều cho lợi nhuận thấp, nhưng lại phân vân chưa biết chuyển đổi cây gì cho phù hợp.
Vì vậy, được sự quan tâm, động viên, hướng dẫn của lãnh đạo địa phương, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 5 công vườn tạp để trồng xen canh 100 gốc chanh không hạt, 430 gốc mít Thái siêu sớm và 120 gốc dừa xiêm lùn. Đến nay các cây trồng đang phát triển rất tốt”. Theo ông Hải, thay vì trồng chuyên canh một loại cây thì ông chọn trồng xen canh theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, bởi theo kinh nghiệm nếu cây này mất giá thì còn cây khác.
Còn ông Lưu Ngọc Tựu, ở ấp Trường Khánh 1 cũng nhận thấy vùng đất rất thích hợp với cây có múi, nên vài năm trở lại đây gia đình cũng đã mạnh dạn cải tạo lại vườn của gia đình trồng các loại cây cam sành, cam mật.
Chỉ sau vài năm trồng, vụ thu hoạch đầu tiên ông thu lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng. Hiện vụ thứ hai này đang bắt đầu cho trái, dự kiến sản lượng trái đạt gấp 3 lần so với vụ trước, lợi nhuận thu về có thể đạt khoảng 50 triệu đồng.
Ông Tựu chia sẻ: “Dù đầu ra còn chưa ổn định do tùy thuộc vào thị trường, nhưng tính ra giá trị vẫn cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa”. Theo ông Tựu, do phần lớn diện tích đang cải tạo, cho trái chiếng nên thu nhập chưa cao, nhưng chắc chắn trong một năm nữa thì vườn cây của ông sẽ cho thu nhập ổn định. Hiện, ông đã chuyển đổi thêm 7.500m2 đất ruộng lên vườn cây ăn trái.
Ông Đoàn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: Hiện tại, việc chuyển đổi từ trồng mía, lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái, nhất là cây có múi đã trở thành phong trào trên toàn xã.
Đến nay, đã có đến 213ha đất đăng ký chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, hoa màu. Mặc dù, đầu ra của các loại cây này chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa nhưng lợi thế của xã là nằm dọc tuyến Quốc lộ 1A lại có các điểm trung chuyển trái cây của người dân lên các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh nên đầu ra của các nông sản này cũng tạm ổn.
Hơn nữa, dù giá cả còn phụ thuộc vào thị trường, nhưng tính ra thu nhập vẫn cao hơn so với trồng lúa, mía, vườn tạp. Để hỗ trợ người dân trong sản xuất, cán bộ kỹ thuật xã sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con về kỹ thuật và quy trình canh tác.
Đồng thời, khuyến cáo người dân nên chọn những cây giống có địa chỉ cụ thể, có uy tín chất lượng nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, để tránh việc chuyển đổi tràn lan, định hướng của xã chỉ vận động người dân chọn giống cây trồng có giá trị kinh tế, năng suất cao cho những diện tích vườn tạp kém hiệu quả để phát triển một cách bền vững.
Với những hiệu quả mang lại bước đầu, có thể nói sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa cây trồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo ở địa phương.
Related news
Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse khẳng định Thái Lan năm nay có thể trở lại vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Vào thời điểm này, nông dân trồng điều ở các tỉnh phía Nam đang bắt đầu chăm sóc vườn điều để chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới đầu năm 2015.
Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức đào tạo cho 40 cán bộ và nông dân về nuôi trồng thủy sản theo quy phạm VietGAP.
Ngư dân Phú Yên có đội tàu hùng hậu với 585 chiếc chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Nghề đánh bắt cá ngoài khơi xa tạo mối liên kết, cứ 100 tàu cá là bạn hàng của một công ty, doanh nghiệp thu mua. Khi đội tàu đánh bắt về, các công ty “săn” cá ngừ đại dương chất lượng “hàng bay” để thu lợi, tuy nhiên mặt hàng này rất khan hiếm.
Cá đồng từ lâu được xem là đặc sản của đất rừng U Minh; tuy nhiên sản lượng cá đã giảm nhiều so với trước đây. Nguyên nhân là do công tác quản lý và bảo vệ chưa thật sự hiệu quả, tình trạng bắt bằng phương pháp “xiệt điện” cũng khiến một lượng lớn cá giống bị hủy diệt. Tình trạng bắt cá non trong mùa sinh sản cũng là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn lợi cá đồng của huyện U Minh.