Nhiều diện tích chè bị cháy hạn
Leo qua mấy ngọn đồi giữa cái nắng nung người, chúng tôi đến đồi chè mới trồng của gia đình chị Vi Thị Lan (bản Lạp, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương). Những hàng chè trồng xen giữa sắn đã héo quắt. Chị Lan chán nản: “Nhà có 3 sào chè đã cho thu hoạch, hơn 10 ngày nay do nắng hạn lá đã chuyển màu vàng. Diện tích này thì cây to, rễ chắc rồi, nếu thời gian tới có mưa xuống vẫn có thể hồi phục được. Chỉ lo 6 sào chè mới trồng cuối năm ngoái coi như mất...”.
Xã Ngọc Lâm có 14 bản thì cả 14 bản đều trồng chè, và đây đang là cây trồng chủ lực. Từ nửa tháng nay, nhiều diện tích chè bắt đầu chuyển màu vàng khô và rụng lá. Ông Lô Văn Cả, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Trên diện tích 15 ha chè kinh doanh của xã đang bị khô xác. Riêng hơn 70 ha chè mới trồng năm ngoái, ở những vùng đất thấp, gần khe suối chè vẫn còn xanh, nhưng những diện tích nằm trên đồi cao bắt đầu cháy sém đỏ, nhiều diện tích coi như đã mất hẳn, không còn khả năng phục hồi.
Tại xã Thanh An (Thanh Chương), bà Trần Thị Kim Ngân - Trưởng ban Nông nghiệp xã, cho biết: “Chè đã bắt đầu héo từ 1 tuần nay, toàn xã đã có trên 200 ha/tổng số 450 ha chè dần chuyển lá vàng. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, khuyến cáo bà con nỗ lực thực hiện các biện pháp cứu chè, nhưng do chè hầu hết nằm trên đồi cao, nguồn nước khó khăn”.
Tháng 10/2013, gia đình ông Trần Đình Hồng (xóm 2, xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) trồng 1 ha chè. Đợt hạn năm 2014 đã làm toàn bộ diện tích chè trồng mới đó chết hẳn. Đến đợt nắng nóng này, lo ngại điều đó sẽ lặp lại nên từ nửa tháng nay, cứu chè được coi là “nhiệm vụ trọng tâm” ở gia đình ông. Hàng ngày, ông tận dụng mọi nguồn nước bơm vào thùng rồi chở bằng ô tô ra tưới cho chè, nhiều hôm đến tận 2 giờ sáng hôm sau bố con ông mới ra về. Nhờ đó, đến nay 1 ha chè của gia đình ông vẫn còn xanh tốt. Tuy nhiên, những diện tích được tưới như thế không nhiều do nguồn nước khó khăn, diện tích cần tưới rộng.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng ban Nông nghiệp xã Thanh Mỹ cho hay: “Toàn xã có hơn 40 ha chè công nghiệp và hơn 100 ha chè thương phẩm. Cao điểm chè héo bắt đầu từ 10 ngày nay. Ở những vườn chè nằm trên đồi cao hơn, màu vàng cháy sém đang ngày càng lan rộng. Đáng lo nhất là chè mới trồng năm ngoái, hiện khoảng 30% diện tích đã bị chết, số còn lại đang héo lá, xã vận động bà con tìm kiếm, tận dụng mọi nguồn nước tưới cho chè nhưng vẫn rất khó khăn”.
Thanh Chương hiện có 4.400 ha chè, phân bổ ở 14 xã, chủ yếu nằm ở vùng đồi núi, độ dốc cao và nhiều vùng xa khu dân cư, xa nguồn nước hồ đập, sông suối nên cây chè hầu như chỉ trông chờ vào nước trời. Mấy năm gần đây, hạn hán diễn biến ngày càng phức tạp và khốc liệt đã gây những thiệt hại không nhỏ cho toàn bộ diện tích chè của Thanh Chương.
Theo ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thì dự kiến 3.900 ha chè kinh doanh sẽ bị sụt giảm năng suất, riêng 500 ha trồng mới trong năm 2014 hiện đã có một số diện tích bị cháy hầu như không còn khả năng hồi phục. Điều đáng ngại nữa là diện tích chè trồng mới của Thanh Chương hầu hết tập trung ở các xã vùng tái định cư như Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Chè chết, không những làm người dân thiệt hại về công của đầu tư mà còn làm chậm mất một năm thu hoạch, tác động không nhỏ tới tâm lý bà con trong phát triển kinh tế vùng quê mới. Nên chăng, tỉnh cần xem xét để có hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Tại Anh Sơn, diện tích chè chết cháy đang ngày một lan rộng. Những đồi chè xanh tốt giờ đây đã chuyển sang màu vàng, diện tích thiệt hại ước chừng 2.000 ha. Giám đốc Xí nghiệp chè Hùng Sơn cho biết: Diện tích chè của xí nghiệp hiện có hơn 100 ha bị chết, mặc dù có một số hồ chứa nước nhưng hầu hết các diện tích chè đồi bị cháy. Diện tích chè bị chết hẳn gồm có: Phúc Sơn 40 ha, Long Sơn 15 ha, Hùng Sơn 35 ha, Cẩm Sơn 30 ha, Khai Sơn 30 ha, Hội Sơn 7 ha, Hoa Sơn 14 ha, Thành Sơn 55 ha... Lãnh đạo huyện Anh Sơn đã đi kiểm tra diện tích chè bị chết, động viên người trồng chè dùng mọi biện pháp tưới chè vào buổi sáng và buổi chiều muộn. Hướng dẫn bà con dùng bơm điện lấy nước từ giếng và ao, đầu tư hệ thống vòi dẫn dài để tưới cho chè. Nhiều hộ có chè mới trồng đang tập trung tưới cho chè bằng vòi nhựa nối dài.
Hiện tại, Anh Sơn và Thanh Chương đang tập trung chỉ đạo các xã vận động bà con không hái chè bằng máy để giảm thoát hơi nước. Tập trung vào 3 biện pháp chính là ở những diện tích có nguồn nước thuận lợi thì tận dụng máy bơm tưới hoặc gánh nước tưới cho chè, dùng cành cây cắm bên cạnh để che nắng cho chè trồng mới và phủ phân xanh, rơm rạ dưới gốc chè. Tuy nhiên, nếu khoảng 10 ngày tới vẫn không có mưa thì diện tích chè bị thiệt hại chắc còn tăng...
Theo số liệu của Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, đến ngày 3/6, diện tích chè của công ty đã bị chết 730 ha, trong đó Con Cuông 30 ha, Bãi Phủ 100 ha, Xí nghiệp chè Anh Sơn 50 ha, Xí nghiệp chè Hùng Sơn 100 ha, Xí nghiệp chè Hạnh Lâm 400 ha, Xí nghiệp chè Ngọc Lâm 50 ha. Tổng hợp của các huyện cho thấy diện tích chè đã bị cháy sém gần 2.000 ha, trong đó diện tích bị chết gần 1.000 ha...
Related news
Năm 2012, lần đầu tiên sản phẩm yến sào Hội An bị “đóng băng” khiến ngân sách địa phương bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngành chức năng TP.Hội An (Quảng Nam) đã và đang nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho loại đặc sản này.
Năm 2012, Trung tâm Giống thủy sản An Giang tổ chức được 108 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, cá lóc, ếch Thái Lan... cho 2.160 hộ nghèo và cận nghèo; thực hiện 60 mô hình (31 mô hình nuôi lươn, 16 mô hình nuôi ếch, 13 mô hình nuôi cá lóc) tại thị xã Tân Châu và các huyện: Tịnh Biên, Phú Tân, Châu Phú, Chợ Mới và An Phú... đạt kết quả tốt.
Trước thực trạng diễn ra của bệnh tôm, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm (viết tắt EMS hoặc AHPNS) chưa xác định tác nhân gây ra, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất người nuôi triển khai nuôi tôm theo mô hình mới. Gọi là mới vì mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác hẳn cách nuôi truyền thống và tuy chỉ là bước khởi động nhưng cho thấy dấu hiệu ban đầu đã kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế 100% hiện tượng tôm chết trong tháng đầu do hội chứng EMS.
Giá tôm trên thị trường hiện nay tại ở các tỉnh ĐBSCL đang ở mức khá cao. Tôm sú 30 con/kg, giá bán từ 190.000 – 195.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.
Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.