Hiệu Quả Từ Dự Án Khai Thác Tài Nguyên Bền Vững Vùng Đất Đồi Dốc Ở Cẩm Thủy
Dự án khai thác tài nguyên bền vững vùng đồi dốc ở huyện Cẩm Thủy được Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa thực hiện tại xã Cẩm Tâm từ năm 2010. Theo đó, dự án xây dựng 2 mô hình để thực hiện hỗ trợ, gồm: mô hình thu trữ nước mó và mô hình hạn chế lũ quét, bảo vệ môi trường.
Chính quyền xã Cẩm Tâm cho biết, từ năm 2010 đến nay, đối với mô hình thu trữ nước mó, dự án đã thực hiện hỗ trợ cho xã 15 bể trữ nước, có sức chứa từ 12 đến 15 khối/bể, với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/bể; đồng thời hỗ trợ 15 bể chứa nước cho 15 hộ dân, mỗi bể có sức chứa 8 khối, với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/bể.
Đối với mô hình hạn chế lũ quét, bảo vệ môi trường, dự án đã hỗ trợ cho 10 hộ dân trồng được 8 ha keo lai. Đặc biệt, trên tất cả diện tích trồng rừng nằm trong diện hỗ trợ đều được xây dựng hệ thống mương đồng mức, giúp hạn chế dòng chảy, giảm thiểu thiệt hại khi có lũ quét xảy ra.
Gia đình anh Nguyễn Thế Vinh, thôn Dung là hộ được nhận hỗ trợ bể trữ nước mó cho biết: Trước đây, gia đình anh lấy nước sinh hoạt trực tiếp từ sông suối, do vậy không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt vào mùa khô, do không có nơi trữ nước, nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xảy ra. Năm 2010, được dự án hỗ trợ xây dựng bể chứa nước, nước sinh hoạt của gia đình đã được lắng lọc hợp vệ sinh, vào mùa khô không còn xảy ra tình trạng thiếu nước như những năm trước.
Đối với gia đình anh Trương Trường Giang, thôn Mới, hộ được hỗ trợ trồng rừng hạn chế lũ quét, dự án có ý nghĩa lớn, đã mở ra cho gia đình anh hướng phát triển kinh tế trên vùng đồi lâu nay bị bỏ trống. Anh chia sẻ, khi dự án chưa thực hiện, toàn bộ vùng đồi 3 ha của gia đình anh đều trong tình trạng bỏ không, bởi cứ trồng cây lên được vài tháng, gặp lũ là tất cả lại bị cuốn trôi.
Từ năm 2010, được dự án hỗ trợ tiền giống và kinh phí xây dựng hệ thống mương đồng mức nhằm hạn chế dòng chảy khi có lũ xảy ra, gia đình anh đã mạnh dạn trồng 3 ha keo lai, sau 1 năm trải qua thử thách với thiên nhiên, kết quả đem lại ngoài mong đợi của mọi người. Hiện tại, rừng keo của gia đình anh sắp đến thời kỳ cho thu hoạch, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ gia đình anh Trương Trường Giang mà toàn bộ vùng đồi tại khu đập Cọc, xã Cẩm Tâm đều giữ được từ khi thực hiện dự án. Trao đổi với đồng chí Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm về hiệu quả đem lại từ dự án, chúng tôi được biết: Từ khi dự án được thực hiện, mặc dù toàn xã mới được hỗ trợ xây dựng 30 bể chứa nước mó, nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện tình trạng thiếu nước về mùa khô, làm thay đổi nhận thức về việc dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với mô hình trồng rừng hạn chế lũ quét, bảo vệ môi trường không những góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ được rừng trồng mà còn giúp các hộ dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong trồng rừng, tạo dòng chảy, hạn chế sức tàn phá khi có lũ xảy ra.
Thực tế cho thấy, dự án khai thác tài nguyên bền vững vùng đất đồi dốc ở Cẩm Thủy đã và đang phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống của người dân, do vậy dự án đang tiếp tục mở rộng trên địa bàn xã Cẩm Tâm và lan tỏa ra một số xã lân cận.
Theo kế hoạch, để mở rộng quy mô dự án, Hội Khoa học Thủy lợi Thanh Hóa sẽ phát triển mô hình thu trữ nước mó bằng việc tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng 15 bể trung chuyển bằng gạch tại xã Cẩm Châu cho khoảng 50 hộ gia đình hưởng lợi; lắp đặt 15 bể inok trên nóc nhà vệ sinh cho 15 hộ dân tại xã Cẩm Châu; hỗ trợ toàn bộ kinh phí đường ống dẫn nước mó về 3 bể trung chuyển cho 16 hộ dân xã Cẩm Tâm.
Về mô hình trồng rừng hạn chế lũ quét, hội sẽ tiếp tục mở rộng mô hình xây dựng hệ thống mương đồng mức kết hợp trồng thêm 20 ha tại xã Cẩm Tâm và thực hiện trồng rừng keo lai kết hợp với trồng ngô trong 1,5 năm đầu trên diện tích 20 ha tại xã Cẩm Châu. Ngoài ra, thời gian tới, Hội còn thực hiện mô hình cải thiện sinh kế bằng chăn nuôi bò sinh sản tại xã Cẩm Châu và mô hình nuôi cá nước ngọt tại xã Cẩm Tâm.
Related news
Hôm 18/7, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế thuộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) lần đầu công bố qui định mức an toàn về lượng arsenic có trong gạo và được nhiều nước đồng tình.
Việc chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế trang trại đã đem lại hiệu quả cho các nông hộ trên địa bàn huyện Thăng Bình.
Từ cuối tháng 9/2013, Bộ NN-PTNT đã có cuộc họp bàn với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về công tác triển khai Festival Thủy sản Việt Nam 2014 được tổ chức tại tỉnh với chủ đề “Thủy sản Việt Nam - Hội nhập và phát triển”.
Với những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, ngành Thuỷ sản Quảng Ninh đã có những bước phát triển, đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo.
Sau khi có chủ trương mua gạo tạm trữ, giá gạo liên tục đi lên nhưng đến nay, giá lúa gạo tại ĐBSCL lại quay đầu giảm trở lại, giảm khoảng 100-200 đồng/kg so với mức giá ngày 22/3.