Hiệu quả mô hình ủ chua thức ăn trong chăn nuôi bò
Tham gia mô hình “Ủ chua thức ăn” có 8 hộ dân ở thị trấn Tân Sơn và xã Hòa Sơn, với số lượng 23 con bò. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ một máy băm cỏ trị giá 6,8 triệu đồng (huyện hỗ trợ 70%, các hộ đối ứng 30%) và hỗ trợ 50% thức ăn ban đầu.
Ông Phạm Văn Hùng ở thôn Tân Bình, xã Hòa Sơn, hộ được chọn làm mô hình cho biết: Các phần phụ phẩm dư thừa như rơm, thân cây bắp, cây mì… được gia đình cho vào máy băm nhỏ khoảng 5 - 7cm và phơi khoảng 1 ngày mới ủ chua. Với 100kg cỏ hoặc thân cây bắp, cây mỳ… trộn với 5kg cám gạo, 0,5kg muối hạt, 1kg đường mật, sau đó trộn đều muối và cám.
Khi cho cỏ, phụ phẩm nông nghiệp vào bao nilon khoảng 20 phân thì rải đều cám, muối, đến lớp trên cùng hòa lượng mật đường tưới đều, sau đó ém hơi, buộc kín để tránh không khí vào làm hỏng. Khoảng hơn 1 tuần là bò ăn được và có thể để được trong vòng 6 tháng. Mỗi ngày, một con bò trưởng thành có thể sử dụng từ 10 - 15kg thức ăn ủ, kết hợp với cho ăn cỏ.
Trường hợp nuôi nhốt hoàn toàn, có thể cho ăn từ 15 - 20kg/ngày. Ông Hùng chia sẻ: Gia đình có 4 con bò nuôi vỗ béo theo hình thức bán công nghiệp, trước đây khi chưa tham gia mô hình, đàn bò tăng trưởng rất chậm. Từ khi áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn, tạo được nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, bò rất thích ăn và tăng trọng nhanh hơn so với ngoài mô hình khoảng 30%. Tính ra chi phí cho một lần ủ chua chỉ mất từ 80 - 100 ngàn đồng.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ninh Sơn cho biết: Mô hình “Ủ chua thức ăn” trong chăn nuôi bò được đánh giá là hiệu quả nhất, hiện nay, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt là áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào chăn nuôi, giảm công lao động, chi phí. Hiện nay, có 4 xã đã đăng ký tham gia mô hình “Ủ chua thức ăn” trong chăn nuôi bò.
Related news
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân xã Cát Hiệp triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm qua. Phong trào đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong hội viên, nông dân (HVND) trên địa bàn xã.
Thời gian gần đây, cảng cá Quy Nhơn luôn ở trong tình trạng quá tải, khiến cho tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng cá gặp rất nhiều khó khăn; việc neo đậu tàu thuyền để bán sản phẩm và lấy tổn để mở chuyến biển mới cũng không phải là chuyện dễ…
Trong 3 năm thực hiện mô hình, dự án, hoạt động dạy nghề, hỗ trợ việc làm giai đoạn 2011-2013, 7 xã ngoại thành của TP Cà Mau có nhiều nông dân được đầu tư các dự án trồng hoa màu, rau an toàn, ruộng lúa bờ hoa, lúa trên đất nuôi tôm, nuôi cá chình, bống tượng,… Có hơn 600 hộ vươn lên khá giàu, hơn 300 hộ thoát nghèo.
Từ Lâm Đồng đến Cà Mau lập nghiệp, với đôi bàn tay trắng, hiện nay ông Phan Trung Tâm, cư ngụ tại ấp 3, thị trấn Trần Văn Thời sở hữu hơn 5 ha đất chuyên trồng hoa màu cho năng suất cao.
Trong những ngày này, bà con nông dân TP Cà Mau tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương cải tạo ao đầm để bước vào mùa nuôi tôm chính vụ.