Hiệu Quả Mô Hình Tôm Lúa Ven Cửa Sông Tiền

Để phát huy tốt tiềm năng đất đai - lao động, Tiền Giang đã định hình được vùng sản xuất theo mô hình tôm + lúa trên đất nhiễm mặn Phú Tân (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) nằm ven cửa Tiểu của hệ sông Tiền, qui mô 560 ha. Đây là mô hình mới, phù hợp với đặc thù vùng đất thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn mỗi năm từ 6 tháng đến 8 tháng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, vùng đất này trước kia chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa địa phương, năng suất thấp, bấp bênh, thời gian còn lại trong năm không canh tác được do hạn hán và xâm nhập mặn.
Để khai thác tốt tiềm năng nơi đây, đồng thời tái cơ cấu sản xuất phù hợp đặc thù địa phương, huyện đã qui hoạch vùng sản xuất tôm + lúa, tổ chức tập huấn, chuyển giao qui trình sản xuất, nhân rộng những mô hình nông dân sản xuất hiệu quả để bà con cùng áp dụng thành công. Thực tế mô hình 1 vụ nuôi tôm quảng canh kết hợp sản xuất 1 vụ lúa đạt giá trị sản xuất gần 100 triệu đồng/ ha, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi 60 - 70 triệu đồng/ ha.
Ông Ngô Văn Nhàn, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi từ mô hình tôm + lúa ở Tân Phú Đông cho biết, gia đình ông canh tác 2 ha đất ruộng.
Trước đây, mỗi năm chỉ trồng 1 vụ lúa nên đời sống khó khăn, thu nhập thấp. Năm qua, được sự khuyến khích của Nhà nước, ông mạnh dạn đầu tư 10 triệu đồng cải tạo khu đất để phù hợp với sản xuất theo mô hình tôm + lúa. Cách làm như sau: Trước tiên, ông thuê cơ giới đào mương giữ nước xung quanh khu đất ruộng.
Đất lấy lên được dùng đắp bờ bao vững chắc, hoàn thiện hệ thống cống đập xổ xả nhằm lấy nước tưới tiêu cũng như thu hoạch tôm cá trong ruộng... Vào vụ tôm, ông thả 300.000 con tôm sú giống theo hình thức quảng canh, mật độ thả thưa, chỉ cho ăn dặm thêm thức ăn viên công nghiệp. Trong ao, ngoài tôm nuôi còn có thêm các loại thủy sản tự nhiên: cá, cua, tôm bạc... Sau vụ tôm, khoảng tháng 6 - tháng 7 dương lịch, ông lại tiếp tục làm đất, cày xới, gieo sạ vụ lúa thu đông...
Với năng suất bình quân 50 tạ/ ha, ông thu được sản lượng 100 tạ (10 tấn) lúa thương phẩm bán được 55 triệu đồng. Tính ra, sau một năm sản xuất theo mô hình tôm + lúa, ông Nhàn thu được trên 175 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 130 triệu đồng, gấp 3 lần trồng lúa 1 vụ trước đây.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết, để tổ chức sản xuất theo mô hình tôm + lúa đạt kết quả, địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng các bộ giống lúa phù hợp, có phẩm chất gạo tốt, được thị trường trong ngoài nước ưa chuộng như OM 4900, ST 20...
Đây cũng là bộ giống chủ lực, phù hợp với đặc thù vùng đất nhiễm mặn ven biển của huyện Tân Phú Đông. Thời gian qua, có lúc giá lúa ST 20 được nông dân Tân Phú Đông bán với giá 6.700 đ/kg, gần gấp đôi lúa thường nên bà con thu thêm được nguồn lợi nhuận khá.
Từ kết quả trên, cùng với qui hoạch vùng sản xuất tôm + lúa thích hợp, Tân Phú Đông kết hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang và các ngành hữu quan nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để thâm canh tôm, lúa thành công, đặc biệt tuyển chọn thêm những giống lúa đặc sản phù hợp để đưa vào sản xuất, tạo ra hiệu quả bền vững, căn cơ cho bà con.
Nguồn bài viết: http://tiengiang.gov.vn/vPortal/4/625/1257/71476/Nong-nghiep---Phat-trien-nong-thon/Hieu-qua-mo-hinh-tom---lua-ven-cua-song-Tien.aspx
Related news

Dự án Hỗ trợ các tổ chức nông hộ sản xuất lâm nghiệp miền Trung Việt Nam của tỉnh Quảng Ngãi do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Hà Lan đồng tài trợ vừa được triển khai thực hiện. Mục tiêu nhằm giúp nông hộ nhận thức về nghề trồng rừng và phát triển kinh tế rừng theo hướng hiệu quả nhất.

Về Tây Giang hôm nay, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân được tăng cường, việc làm và thu nhập của người dân được nâng lên. Từ một xã thuần nông nhiều khó khăn, đạt được kết quả như trên, ngoài sự quan tâm của trên, một trong những nguyên nhân cơ bản là do xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực trong xây dựng NTM.

Cụ thể: Dự án “Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực chuyển giới tính trong ao đất tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang” do Trung tâm Giống thủy sản An Giang chủ trì. Dự án đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích nuôi do giá trị sản phẩm cao hơn giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Với xu thế tiêu dùng sản phẩm thủy sản tăng cao, dự báo thị trường Canada ngày càng có nhu cầu cao về nhập khẩu các sản phẩm như cá tra, tôm. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội mở rộng thị phần cũng như tìm kiếm thêm thị trường, không quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ, EU hay Nhật Bản.

Arnault Chaperon với tư cách là người đứng đầu Liên đoàn các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản châu Âu - nhấn mạnh rằng mặc dù ngày nay không có trứng cá tự nhiên trên thị trường, nên mục tiêu của công ty là sản xuất sản phẩm nuôi chất lượng cao.