Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Dê Đực Vỗ Béo
Nuôi dê đực vỗ béo là mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn. Nhiều nông hộ thoát nghèo bền vững vươn lên khá giả nhờ nguồn lợi của nghề nuôi dê đực. Từ nguồn lá nho cắt cành xả giàn sử dụng làm thức ăn nuôi dê đã cho ra “vàng ròng” nâng cao đời sống hàng trăm nông hộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho tỉnh ta tiểu vùng khí hậu thích hợp cho cây nho “bén rễ” đơm bông kết trái ngọt ngào. Toàn tỉnh hiện có trên 1.200 ha nho tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Mỗi hecta nho đem lại thu nhập cho các chủ vườn 400- 500 triệu đồng/năm.
Sau vụ thu hoạch, trái nho đưa ra thị trường đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mang thương hiệu nho Ninh Thuận. Chủ vườn tiếp tục đầu tư phân bón, cải tạo đất, cắt cành chuẩn bị cho mùa nho mới. Lá nho già là nguồn thức ăn hợp khẩu của dê cừu được các nông hộ tận dụng chăn nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi có dịp gặp nhóm người nhộn nhịp cắt cành nho tại gia đình anh Dương Ngọc Thái ở khu phố 6, phường Văn Hải. Anh Thái canh tác 1 sào nho tơ vừa thu 2 tấn trái bán được 30 triệu đồng.
Anh Thái “alô” cho Lê Đức Hùng 43 tuổi, “ông bầu” cắt cành nho ở thôn Phước Khánh thuộc xã Phước Thuận (Ninh Phước). Anh Hùng huy động nhóm liên kết gồm 10 “tay kéo” có kinh nghiệm trong nghề cắt cành nho và 5 phụ nữ lặt lá nho. Trong vòng một buổi, giàn nho được cắt cành, lặt lá thu dọn sạch sẽ.
Anh Thái cho biết 1 sào nho phải mướn 5 lao động cắt cành một ngày chi phí trên 700 ngàn đồng. Nhóm “liên kiết” cắt cành miễn phí cho chủ vườn, bà con thu gom lá nho làm thức ăn chăn nuôi dê. Anh em cắt cành bảo đảm kỹ thuật gắn bó trách nhiệm với chủ vườn. Cách thức làm ăn này được thực hiện hơn mười năm qua, đôi bên cùng có lợi.
“Ông bầu” cắt cành Lê Đức Hùng chia sẻ: ”Nhóm liên kết của tui có 10 gia đình là anh em, xóm làng. Khi nhận được điện thoại của các chủ vườn nho, tui xếp lịch hẹn ngày rồi thông tin cho các thành viên trong nhóm cắt cành đúng hẹn. Bà con lấy công làm lời từ nguồn lá nho chăn nuôi mỗi lứa 15- 20 con dê đực đem lại thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống no ấm, nuôi con ăn học chu đáo”.
Theo chân nhóm cắt cành nho, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Mót 61 tuổi ở thôn Phước Khánh. Ông Mót là một trong những nông dân đầu tiên thực hiện mô hình nuôi dê đực vỗ béo ở xã Phước Thuận.
Khởi nghiệp nuôi 10 con dê từ giữa năm 2003, buổi đầu thiếu vốn mua giống, ông nhận nuôi dê ăn chia lợi nhuận với thương lái. Ông Mót lặn lội khắp thôn xóm xin cắt cành “miễn phí” cho các chủ vườn nho.
Một sào nho 4-5 năm tuổi cắt cành được 800- 1.000 kg lá, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn dê 100 con/ngày. Nhiều hôm lá cắt dư dã được ông phơi khô làm nguồn thức ăn dự trữ cho mùa khan hiếm. Làm ăn ần hồi tích lũy vốn liếng, ông Mót nuôi mỗi lứa 15 con dê đực 9- 10 kg/con, mua giống với giá 140 ngàn đồng/kg.
Sau 4-5 tháng cho ăn lá nho kết hợp tiêm phòng dịch bệnh, chăm sóc chu đáo, dê đực đạt trọng lượng trung bình 35 kg/con. Ông Mót xuất chuồng bán cho thương lái với giá 113 ngàn đồng/kg. Tính riêng trong năm 2013 vừa qua, ông nuôi 3 lứa dê đực xuất bán 45 con, lãi ròng trên 75 triệu đồng.
“Hơn mười năm chịu khó cắt lá nho nuôi dê đực vỗ béo kết hợp canh tác 3,5 sào ruộng lúa, vợ chồng tui dư ăn dư để. Ngoài mua sắm phương tiện sinh hoạt, lo việc ơn nghĩa, giúp đỡ con cháu, tui dành dụm mỗi năm vài chỉ để dưỡng già.
Tui truyền kinh nghiệm cho con rễ là Lê Đức Hùng điều hành nhóm liên kết cắt cành nho và chia sẻ kỹ thuật nuôi dê giúp bà con vươn lên làm giàu chính đáng. Lá nho già cắt bỏ đi nhưng biết tận dụng nuôi dê sẽ cho ra vàng ròng”, ngừng tay đổ lá nho cho đàn dê, ông Trần Văn Mót cười hào sảng bộc bạch niềm vui.
Related news
Vụ Đông Xuân năm nay, nông dân các huyện Vân Canh, Tây Sơn, Phù Mỹ… của tỉnh Bình Định đã chuyển đổi trên 500 ha đất chân cao sản xuất lúa và hoa màu hiệu quả thấp sang trồng dưa hấu. Nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân đầu tư chăm sóc đúng mức nên dưa hấu phát triển tốt cho năng suất cao.
Xóm Hữu Nghị, xã Hợp Tiến được biết đến là một trong những địa phương trồng vải nhiều, có chất lượng cao của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Hàng chục năm nay, 48 hộ dân trong xóm vẫn cần mẫn chăm sóc đồi vải của mình để đem đến cho người tiêu dùng những chùm quả chín ngọt.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người nông dân nuôi tằm tại Trung Quốc đã dần thay đổi và cải tiến phương thức nuôi tằm.
Thử nghiệm nuôi cá bóp lồng bè (còn gọi là cá bớp, bốp) ở Cà Mau bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trên đảo Hòn Chuối.
Từ thôn thuần nông nghèo nhất xã Hoàng Đông (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), đến nay, Bạch Xá đã trở thành địa chỉ hàng đầu nuôi và cung cấp "đặc sản" rắn hổ mang, rắn hổ trâu ở tỉnh này, mang lại tiền tỷ cho không ít hộ gia đình.