Trầm trồ vườn rau sạch xanh mướt trên núi
Bởi lẽ, rau trồng trên đất núi, thời tiết khắc nghiệt mà sinh trưởng phát triển tốt. Điều đáng quý, vườn rau sạch của ông Thơ không chỉ cải thiện thu nhập, cung cấp rau xanh cho người dân trong vùng, mà còn góp phần thay đổi tập quán canh tác cho đồng bào vùng cao.
Gian nan trồng... rau
Phần lớn đồng bào vùng cao chỉ hái rau rừng hoặc mua rau do các thương lái từ dưới xuôi chở lên bán. Do thói quen canh tác, đồng thời vì đất núi bạc màu, khô cằn xen lẫn sỏi đá, nguồn nước tưới thiếu thốn... nên người dân ít trồng rau.
Sau nhiều năm làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, cách đây hai năm, vợ chồng ông Võ Hồng Thơ trở về xã Sơn Dung tìm cách làm ăn bằng các mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt. Nhận thấy các loại rau trồng trên vùng cao rất ít, trong khi nhu cầu sử dụng cao, ông Thơ bắt tay trồng rau.
Ban đầu, ông Thơ phải xuống huyện Sơn Hà mua hạt giống về trồng thử nghiệm trên mảnh đất nhỏ. Nhưng làm thế nào để hạt giống nảy mầm, phát triển trên vùng đất khó là bài toán khiến ông Thơ trăn trở. Đất khô cằn, tưới bao nhiêu nước cũng không xuể. Muốn mua phân bón cũng phải lặn lội đến trung tâm huyện Sơn Hà. “Muốn trồng rau thì việc đầu tiên là phải cải tạo đất”, ông Thơ nhớ lại những ngày đầu gian nan trồng rau.
Để tận dụng phân hữu cơ từ nuôi gia súc, gia cầm, ông Thơ dùng trấu, tro đổ vào chuồng. Sau mỗi lần vệ sinh chuồng trại, ông Thơ vận chuyển nguồn phân thu được, ủ thành đống. Đợi một tháng sau cho phân hoai mục, ông Thơ rải lên mặt đất đã nhặt hết sỏi đá để tạo độ tơi xốp cho đất. Để có nước tưới, ông Thơ dẫn ống từ suối về đến tận nhà.
Khi đám rau xanh đầu tiên thành hình, vợ chồng ông Thơ vui mừng với thành quả “khuất phục” đất sỏi đá của mình. Để rau phát triển, ông Thơ thu hoạch theo kiểu tỉa dần để tạo độ thoáng. Thu hoạch sử dụng không hết, vợ chồng ông Thơ mang rau ra chợ bán.
Một mô hình, nhiều hiệu quả
Sau thời gian trồng rau, ông Thơ đã tạo được một số hạt giống. Nhờ đó, rau trồng quen với đất nên sinh trưởng rất tốt. Từ mảnh đất nhỏ, ông Thơ mở rộng thêm vườn rau với các loại như cải ngọt, cải đắng, rau muống, cà, mồng tơi, bí đỏ, xà lách, rau thơm... Rau thu hoạch và bán quanh năm.
Chỉ sử dụng phân hữu cơ có sẵn, không phun các loại thuốc bảo vệ thực vật... nên nhiều người hay gọi các loại rau trồng trong vườn nhà ông Thơ là rau sạch, rau an toàn. Ông Thơ được xem là người đầu tiên thành công với vườn rau sạch ở Sơn Tây, góp phần giúp đồng bào vùng cao có nơi cung cấp rau sạch ngay tại địa phương.
Nhiều người đi ngang qua cung đường Đông Trường Sơn bắt gặp vườn rau xanh mướt hay ghé vào mua. Bà con đồng bào Ca Dong còn đến nhờ ông Thơ chia sẻ kỹ thuật trồng rau.“Nhiều người tò mò, bới dưới đất trồng xem thế nào mà rau lại phát triển tốt”, bà Lê Thị Ngọc, vợ ông Thơ chia sẻ.
Vừa qua, để tiết kiệm nước tưới vào mùa nắng và thời gian chăm sóc, ông Thơ đã đầu tư hệ thống tưới phun đảm bảo tưới đều cho rau. “Bên cạnh việc cải tạo đất để trồng rau, thì người trồng phải chịu khó chăm sóc. Đây là khâu quan trọng để cây trồng phát triển. Bởi trồng rau ở miền núi khó hơn nhiều so với đồng bằng”, ông Thơ cho hay.
Nhờ sự chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật của ông Thơ, nhiều người dân ở Sơn Tây đã học hỏi theo mô hình trồng rau sạch để cung ứng rau xanh trong bữa ăn của gia đình.
Related news
Là người tiên phong chăn nuôi giống gà Phùng tại địa phương, mỗi năm gia đình chị Phạm Thị Hoan, xóm Tân Đông, Đồng Văn, Tân Kỳ (Nghệ An) thu lãi hơn gần 500 triệu đồng.
Với thu nhập trên 400 triệu đồng lãi ròng mỗi năm, chị Nguyễn Thị Quỳnh ở bản Kẻ May, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trở thành triệu phú nhờ nuôi ếch, gà giống.
Vụ tôm nuôi (vụ 1/2016), do hạn, mặn nên tôm chết hàng loạt, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trước tình hình đó, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có chuyến khảo sát thực tế tại huyện Hồng Dân để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong sản xuất.