Hiệu Quả Kinh Tế Từ Khoai Tây Vụ Đông
Vài năm gần đây, cây khoai tây đã trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông, mang lại nguồn thu nhập cao nhất trong năm đối với nông dân xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ - Thái Bình). Những ngày cuối năm, thời tiết ấm dần lên, trên khắp các cánh đồng Phương Quả Ðông, Phương Quả Nam… bà con nông dân đang hối hả thu hoạch khoai tây.
Khoai tây là giống cây trồng thuộc nhóm ưa lạnh nên có nhiều lợi thế trong sản xuất vụ đông; với thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 90 ngày là có thể cho thu hoạch, lại dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất nên được nhiều nông dân Quỳnh Nguyên lựa chọn. Từ chỗ trồng vài héc ta đến nay, toàn xã đã trồng gần 80 ha trong tổng số trên 180 ha cây vụ đông và là địa phương có diện tích khoai tây lớn nhất huyện Quỳnh Phụ (chiếm gần 10% diện tích khoai tây của toàn huyện). Do ảnh hưởng của bão số 8 năm 2012 nên chất lượng khoai tây giống của bà con xã viên không bảo đảm, bị hư hỏng nhiều.
Vì vậy, để chủ động nguồn giống, ngay từ đầu vụ, HTX đã hợp đồng mua và cung ứng trên 9 tấn giống mới cho nông dân. Hơn nữa, nhằm hỗ trợ xã viên có điều kiện canh tác, mở rộng diện tích cây khoai tây, Ban chủ nhiệm HTX đã tiến hành cung cấp phân bón NPK trả chậm, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn tận tình cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây cũng như các loại cây vụ đông khác.
Mặc dù thời tiết năm nay không mấy thuận lợi, đầu vụ nắng ấm kéo dài, với nhiều đợt gió đông đúng vào thời gian ra hoa đậu củ, sương muối xuất hiện nhiều làm cây dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Nhưng do có kinh nghiệm trồng và chăm sóc từ nhiều năm nay nên năng suất khoai tây ở Quỳnh Nguyên vẫn đạt cao, từ 5 - 6 tạ/sào, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, tư thương xuống tận ruộng thu mua với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Vì vậy, năm nay nông dân sẽ có một cái Tết trọn vẹn, đầm ấm và phấn khởi, bởi khoai tây vừa được mùa, được giá - Ông Ðoàn Văn Huân, Chủ nhiệm HTX chia sẻ.
Trên cánh đồng Phương Quả Nam, chúng tôi gặp vợ chồng chị Ðào Thị Huệ đang thu hoạch khoai tây, chị cho biết: “Ðã nhiều năm nay, vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với 2 vụ lúa. Chúng tôi trồng hơn 5 sào vụ đông, trong đó 4 sào là khoai tây, còn hơn 1 sào trồng ớt. Giá ớt năm nay rất cao, lại được mùa nên gia đình tôi cũng có khoản thu nhập hơn 15 triệu đồng từ ớt.
Ðối với khoai tây, mặc dù giá trị kinh tế không cao bằng nhưng thời gian sinh trưởng ngắn, ít tốn công chăm sóc, sau khi trừ chi phí tiền giống, phân bón, thuốc sâu… cũng mang lại nguồn thu khoảng 15 triệu đồng cho gia đình. Với nguồn thu nhập này, không làm thì tiếc lắm. Ðấy là gia đình tôi bán tại ruộng, với giá đầu vụ 11.000 đồng/kg, hiện là 8.000 đồng/kg còn nhiều hộ có thời gian mang khoai tây lên Thành phố bán với giá cao hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg thì thu nhập còn cao hơn nhiều”. Còn đối với bà Trần Thị Hòa năm nay đã gần 60 tuổi thì nguồn thu nhập chính của 2 vợ chồng bà chính là vụ đông, với cây trồng chủ lực là khoai tây.
Không chỉ trồng 2 sào ruộng của gia đình, bà còn mượn hơn 3 sào ruộng của con gái để trồng khoai tây. Bởi, 2 vợ chồng con gái bà đi làm ở công ty chỉ tranh thủ cấy được 2 vụ lúa. Theo bà Hòa thì trồng khoai tây không vất vả lắm, thời gian ngắn, lại dễ tiêu thụ, phù hợp với đồng đất Quỳnh Nguyên. Sau khi trừ chi phí, hơn 5 sào khoai tây, với năng suất trung bình khoảng 5 tạ/sào cũng mang lại nguồn thu hơn 15 triệu đồng cho gia đình.
Ðến thời điểm này, cơ bản diện tích cây vụ đông đã được bà con nông dân xã Quỳnh Nguyên thu hoạch xong, nhiều khoảng ruộng trống đã được cày lật, phơi đất. Ai cũng bận mải, nhanh tay thu hoạch những diện tích vụ đông còn lại để kịp làm đất gieo cấy vụ lúa xuân. Với niềm vui được mùa, được giá, những người nông dân quanh năm gắn với đồng ruộng đã ấm lòng hơn khi Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đang cận kề.
Related news
Ngoài cây cao su, những năm gần đây huyện Sông Hinh (Phú Yên) chú trọng mở rộng diện tích trồng cây ca cao, trong đó có mô hình trồng ca cao dưới tán rừng, mở đầu cho một dự án quy mô lớn, có diện tích hàng trăm hecta, nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng hưởng lợi và tích cực bảo vệ rừng.
Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông dân: Vào thời điểm này nên tạm dừng việc thả tôm nuôi, nhằm tránh những rủi ro. Đây là vụ thả nuôi trái vụ, mặt khác do thời tiết khô hạn gay gắt nên nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu thả tôm nuôi vào thời điểm này sẽ không hiệu quả, thậm chí sẽ bị lỗ do chi phí đầu tư cao.
Tính đến thời điểm này, bà con nông dân huyện Cái Nước (Cà Mau) thả nuôi được khoảng 500ha tôm nuôi công nghiệp, trong đó có gần 300ha tôm thẻ chân trắng, tăng gấp 1,5 lần so với diện tích tôm sú.
Anh Mai Công Quốc ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, đã trải nghiệm vụ mùa 2012 gần 50 loại giống lúa chịu mặn trên đất nuôi tôm với năng suất cao. Anh góp phần rất lớn cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, Viện lúa đbscl chọn ra giống lúa chịu mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương.
Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp hỗ trợ 1.300 hom giống thanh long ruột đỏ cho 4 hộ dân tại xã Trà Phú (Trà Bồng). Được biết, cách đây 3 năm, cây thanh long ruột đỏ được đưa vào trồng thử nghiệm ở hai xã Trà Phú và Trà Bình đã phát huy hiệu quả.