Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ứng Dụng Quy Trình Sản Xuất Xoài Cát Hòa Lộc Rải Vụ

Ứng Dụng Quy Trình Sản Xuất Xoài Cát Hòa Lộc Rải Vụ
Publish date: Tuesday. November 26th, 2013

Với chất lượng ngon, ngọt nên xoài cát Hòa Lộc là một trong những loại trái cây được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, “điệp khúc trúng mùa, rớt giá” vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, một số nhà vườn ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xử lý xoài ra hoa rải vụ nhằm bán được giá cao.

Mỗi khi vào mùa thu hoạch rộ, trái cây thường bị rớt giá, trong đó có xoài cát Hòa Lộc, gây ảnh hưởng đến thu nhập của nhà vườn. Mặt khác, chất lượng sản phẩm cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá bán của loại trái cây này. Cho nên, đề tài “Ứng dụng quy trình kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và rải vụ xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang” do PGS.TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm được triển khai sẽ giúp người dân làm quen với phương thức sản xuất mới, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Là một trong những nhà vườn gắn bó nhiều năm với xoài cát Hòa Lộc, ông Đinh Văn Lập, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Mùa thuận của xoài thường vào tháng 3, tháng 4 âm lịch, nhưng do nhiều nhà vườn cùng thu hoạch vào một thời điểm, nên giá xoài giảm mạnh.

Trong khi các dịp lễ, tết, thị trường có nhu cầu, giá cao thì nhà vườn chúng tôi lại không đủ sản phẩm để cung cấp. Chính vì vậy, khi đề tài được thực hiện, tôi đã mạnh dạn tham gia nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình”. Hiện nay, 7 công xoài cát Hòa Lộc được xử lý ra hoa rải vụ của gia đình ông Lập chỉ còn khoảng 10 ngày sẽ cho thu hoạch.

Được biết, do thời điểm gia đình xử lý ra hoa rải vụ gặp trời mưa liên tục, thời tiết bất lợi nên ước năng suất đạt thấp, chỉ khoảng 1 tấn. Nhưng với giá bán hiện tại 35.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, ước lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng, theo ông Lập, một vụ nghịch bằng 2 vụ thuận. Với hiệu quả kinh tế mang lại, ông Lập quyết định những năm sau sẽ tiếp tục gắn bó với cách làm này nhằm thu được hiệu quả cao, đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Không chỉ hướng dẫn người dân ứng dụng quy trình sản xuất xoài cát Hòa Lộc rải vụ, chủ nhiệm đề tài còn hỗ trợ kỹ thuật để nhà vườn tiếp cận với phương thức canh tác mới - sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây chính là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của sản phẩm. Khi trái cây đạt tiêu chuẩn này sẽ tránh được tình trạng thương lái ép giá và đủ sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài khu vực.

Từ đó, góp phần phát triển loại trái cây được cho là đặc sản ở địa phương. Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi người nhà vườn phải tuân theo quy trình, kỹ thuật nghiêm ngặt. Chẳng hạn, người dân phải xây dựng hố xí tự hoại, phải thay đổi thói quen chăn thả vật nuôi trong khu vực sản xuất, phải xây dựng kho chứa các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón…

Biết rằng, sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng được sự vận động của chính quyền địa phương và chủ nhiệm đề tài, mọi người đã ý thức được ý nghĩa quan trọng của sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên tích cực hưởng ứng. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi nhiều quy trình, kỹ thuật.

Đây thật sự là thách thức không nhỏ đối với nhà vườn chúng tôi. Nhưng với hiệu quả kinh tế mang lại, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm sạch, không những góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm”.

Trong quá trình thực hiện, chủ nhiệm đề tài còn hướng dẫn người dân cách tỉa cành tạo tán, quản lý sâu bệnh trên xoài. Đặc biệt, áp dụng biện pháp bao trái nhằm nâng cao năng suất và chất lượng xoài cát Hòa Lộc. Bởi vì, khi xoài được bao trái vỏ sẽ sáng đẹp, bóng láng, không xuất hiện vết bám bẩn do rầy và rệp gây ra. Bên cạnh đó, xoài được bao trái còn giảm được tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, nhất là do ruồi đục trái gây ra.

Ông Nguyễn Thanh Phong, cán bộ nông nghiệp thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: “Xử lý ra hoa để thu hoạch xoài rải vụ đang được nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn áp dụng, bởi hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại. Vì vậy, sau khi đề tài kết thúc, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng xoài trên cùng diện tích canh tác. Đồng thời, tiếp tục trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị và góp phần đưa sản phẩm xoài cát Hòa Lộc vươn xa ra tầm khu vực”.


Related news

Trồng Đậu Phụng Méo Mặt Trồng Đậu Phụng Méo Mặt

Nhìn mấy người buôn khiêng những bao đậu phụng (lạc) khô chất lên xe chở đi, bà Ngô Thị Thu Thủy ở thôn Mông Nghệ Bắc (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) lắc đầu: “Gần 4 tháng ròng cần mẫn chăm sóc, kết quả thu về là âm cả vốn, hỏi sao mà không nản lòng”.

Tuesday. May 13th, 2014
Xuất Khẩu Gạo Bị Thái Giành Giật Thị Trường Xuất Khẩu Gạo Bị Thái Giành Giật Thị Trường

Đó là thông tin tại buổi họp sơ kết xuất khẩu gạo tháng 4 và kế hoạch xuất khẩu gạo tháng 5, do Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa tổ chức tại TP HCM.

Tuesday. May 13th, 2014
Cá Ngựa Tiếp Tục Được Nghiên Cứu Để Cho Ra Dòng Cá F2 Cá Ngựa Tiếp Tục Được Nghiên Cứu Để Cho Ra Dòng Cá F2

Thông tin mới trong quá trình nghiên cứu cá ngựa của nhóm các nhà khoa học phòng Công nghệ nuôi trồng - Viện Hải dương học tại Nha Trang. Cá ngựa đang được tiếp tục nghiên cứu thay đổi màu sắc và lấy thế hệ cá F1 cho ra dòng cá F2. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc khai thác cá ngoài tự nhiên.

Monday. June 2nd, 2014
Huyện Cái Nước Có Hơn 850 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại Huyện Cái Nước Có Hơn 850 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Cái Nước có hơn 850 ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó tôm nuôi quảng canh truyền thống 420 ha, quảng canh cải tiến 335 ha và tôm công nghiệp trên 120 ha.

Tuesday. May 13th, 2014
Đồng Tháp Hội Thảo Mô Hình Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học Đồng Tháp Hội Thảo Mô Hình Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đồng Tháp thực hiện mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ. Mô hình nuôi 14.000 con vịt thịt với tổng kinh phí thực hiện trên 385 triệu đồng tại các huyện Cao Lãnh, Tam Nông và Tháp Mười do 19 hộ dân thực hiện.

Monday. June 2nd, 2014