Hiệu quả chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu ở Cầu Ngang (Trà Vinh)
Xã Long Sơn, Nhị Trường, Thạnh Hòa Sơn, Mỹ Long Bắc… là vùng đất giồng cát gò cao so với nhiều địa phương khác trong huyện Cầu Ngang, do đó sản xuất lúa, hoa màu luôn thiếu nước tưới nhất là vụ hè thu. Những năm gần đây được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, hàng năm diện tích trồng màu ở huyện Cầu Ngang phát triển hơn 10.000 ha. Riêng 7 tháng đầu năm 2015, toàn huyện trồng được 10.500 ha màu các loại, tăng 2.000 ha so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, các cây trồng mới kinh tế cao như: cây bắp giống, đậu bắp giống được Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đầu tư và bao tiêu sản phẩm nên nông dân an tâm mở rộng diện tích canh tác. Lợi nhuận những cây trồng mới chịu hạn thích ứng với vùng đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả cao gấp 1,5 đến 2 lần so với cây lúa. Điển hình mô hình trồng cây bắp giống do Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam liên kết với nông dân xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, vụ đông xuân 2014 - 2015 năng suất trung bình đạt 8 đến 10 tấn/ha/vụ, trừ chi phí nông dân lợi nhuận cao gấp 3 đến 5 lần trồng lúa.
Nông dân Thạch Thi, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang cho biết: “Trồng lúa thiếu nước, năm 2014 - 2015, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ nông dân trồng bắp, bao tiêu giá đầu ra. Trồng bắp giống mỗi công cho năng suất 800 đến 1.000kg, trừ chi phí lãi 3 đến 5 triệu đồng/công, gấp 3 đến 4 lần trồng lúa. Nông dân ở đây giờ chuyển sang trồng 1 vụ lúa 1 vụ bắp nhiều rồi. Trồng bắp không lo đầu ra, trong khi giá lúa thì lên xuống thất thường”.
Theo Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, trong những năm qua huyện đã chuyển đổi hàng ngàn ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Tại xã Long Sơn, sau hiệu quả cây bắp giống, trong 3 mùa vụ gần đây bà con nông dân được Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đầu tư hỗ trợ hạt giống để trồng đậu bắp giống. Vụ màu 2015, nhiều hộ nông dân trong xã tham gia trồng giống đậu VN-1. Giống đậu này có thời gian sinh trưởng từ khi xuống giống đến lúc khô trái cho thu hoạch là 100 ngày.
Đây là loại đậu do Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam thu mua để nhân giống, chính vì vậy sau khi nông dân thu họach công ty sẽ thu hồi số lượng giống đầu tư, sản phẩm còn lại được công ty bao tiêu toàn bộ. Nông dân Nguyễn Minh Sang, ấp Bào Mốt, xã Long Sơn trồng 4 công đậu bắp giống, hiện đậu đang phát triển tốt, ước lợi nhuận hơn 20 triệu đồng. Nông dân Nguyễn Minh Sang phấn khởi nói: “Vụ đậu bắp 2015 này là năm thứ 3 nông dân ở đây trồng thử nghiệm. So 2 vụ trước vụ này năng suất khá hơn nhờ bà con rút ra được kinh nghiệm canh tác. Năng suất đậu bắp giống của bà con đạt từ 1.000 - 1.400kg đậu khô/ha và với giá công ty bao tiêu 55 ngàn đồng/kg, trừ các chi phí khoảng 20 triệu/ha nông dân cũng có lãi từ 45 - 50 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa trước đây”.
Đánh giá hiệu quả kinh tế cây đậu bắp giống so với cây trồng khác tại địa phương, theo bà Quách Thị Thủy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang: “Trong khi nhiều mặt hàng nông sản do nông dân sản xuất giá cả bấp bênh thì ở Long Sơn cây bắp giống và cây đậu bắp giống, nhờ liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam, đã đem lại cho nông dân nguồn lãi khá. Có thể khẳng định cây bắp giống và đậu bắp giống đang góp phần xóa đói giảm nghèo có hiệu quả trên vùng đất gò cao sản xuất lúa kém hiệu quả trước tác động bất lợi của thời tiết, của biến đổi khí hậu.
Với những thành công nói trên, có thể khẳng định việc chuyển đổi cây trồng mới, đặc biệt là bắp giống, đậu bắp giống trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả ở các xã Long Sơn, Nhị Trường, Thạnh Hòa Sơn… của huyện Cầu Ngang đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, được lòng dân. Do đó, ngành nông nghiệp huyện Cầu Ngang khuyến khích nông dân phát triển cây trồng mới này trong năm 2016, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân.
Related news
Gia đình anh Trần Đình Vân ở thôn 2, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Dak Lak) hiện có 3 ha cà phê kinh doanh. Mỗi đợt tưới, với 2 máy bơm tiêu hao khoảng 160 lít dầu, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Anh Vân cho biết, thời điểm năm ngoái, gia đình anh phải tốn khoảng 5 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm/đợt tưới. Nhưng đến nay, giá dầu giảm sâu, giúp người dân tiết kiệm khá nhiều.
Những ngày cuối năm âm lịch này, nông dân trồng khoai mỡ ở Phú Mỹ rất phấn khởi, vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, một trong những hộ trồng khoai mỡ lâu năm trong ấp, phấn khởi cho biết, anh có 8 công trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch vừa qua được trên 17 tấn khoai mỡ lớn nhỏ.
Trong khi nhiều nông dân ở các địa phương khác phải đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch xong lúa để chuẩn bị dọn đồng, làm đất xuống giống cho vụ mùa tới thì tại các xã Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ (Trà Ôn - Vĩnh Long), nhiều nông dân phấn khởi vì rơm rạ ngoài đồng được thương lái đến thu mua với giá khá cao, từ 1 triệu đồng/ha trở lên.
Những ngày qua, sau khi có thông tin về Công ty TNHH Sản xuất Chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ (gọi tắt là Công ty Ba Chữ), xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội lấy rau không rõ nguồn gốc bán cho các siêu thị, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ sự việc.
Ông Phạm Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lưu (Trảng Bàng - Tây Ninh) đưa chúng tôi đến ấp Phước Giang thăm gia đình ông Nguyễn Huỳnh Hắng (sinh năm 1963), một nông dân đã sáng chế và đang vận hành thử nghiệm máy xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên ruộng lúa.