Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trồng Măng Tây Xanh

Nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, đạt hiệu quả cao, sau một thời gian tìm hiểu về kỹ thuật trồng măng tây xanh ở một số địa phương và nhận thấy điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, tháng 8-2012, 10 hộ dân ở thôn Tri Thủy 1 đã chuyển đổi 2 ha đất trồng hoa màu cho năng suất thấp sang trồng măng tây xanh.
Để cây trồng đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân xã Tri Hải đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã hỗ trợ cho các hộ thực hiện mô hình được vay 10 triệu đồng từ ngồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới để đầu tư vào sản xuất.
Mặc dù vừa trải qua đợt nắng nóng kéo dài, song toàn bộ diện tích măng tây xanh vẫn phát triển xanh tốt và cho thu hoạch mỗi ngày. Anh Lâm Hồng Chiến, người tham gia mô hình ở thôn Tri Thủy 1 phấn khởi cho biết, từ những kiến thức học được, anh đầu tư 2 sào đất trồng măng tây xanh, sau thời gian chăm sóc, măng đã cho thu hoạch. Hiện nay, với giá bán măng từ 25.000 đồng đến 60.000 đồng/kg (tùy loại) gia đình thu được khoảng 300.000 đồng/ngày.
Cùng chung niềm vui, anh Nguyễn Văn Sanh thổ lộ: Đây là cây trồng cho thu nhập tương đối cao, đầu ra cho sản phẩm không phải lo. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm măng của gia đình và các hộ dân được HTX Sản xuất rau an toàn Văn Hải (ở phường Văn Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) thu mua.
Với 2 sào đất trồng măng, trung bình mỗi ngày gia đình cắt bán được 250.000 – 300.000 đồng, trừ chi phí mỗi tháng thu lãi từ 7 đến 8 triệu đồng.
Theo anh Sanh, măng tây xanh là một loại rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, nhưng thân mềm, thích hợp với độ ẩm cao nên đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc.
Để cây không bị ngã đổ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển cũng như năng suất, ngay khi trồng phải làm giàn cho măng. Bởi măng là loại cây trồng cho thu hoạch quanh năm, năng suất tăng dần theo thời gian khai thác kéo dài được từ 5 đến 7 năm, vì vậy nếu chăm sóc tốt cây măng mang lại kinh tế cao hơn nhiều các cây trồng khác.
Ông Trần Đình Phẩm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Hải phấn khởi: Với hiệu quả của mô hình trồng măng tây xanh ở thôn Tri Thủy 1, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình trồng măng tây xanh, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Related news

Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.

Nơi khô hạn, nắng nóng, nơi lại mưa rầm kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2014. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hậu quả khôn lường đang diễn ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh ta. Nguy cơ mất mùa, thiếu đói lương thực đang hiện hữu trong các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh là điều có thực...

Khoảng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giá bán các loại trái cây chủ lực tại vườn đồng loạt giảm, bình quân giảm từ 2.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, tùy theo từng loại trái. Nguyên nhân chính là do cung vượt cầu, đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn.

Trong những năm qua, việc áp dụng các giống mới vào sản xuất đã giúp cho năng suất lúa của nông dân không ngừng tăng cao. Nhưng hiện nay, ở một xã trên địa bàn, không ít hộ vẫn sử dụng lúa thương phẩm để làm giống. Cách làm này không chỉ khiến cho năng suất lúa thấp mà cây lúa dễ bị nhiễm bệnh, chi phí đầu tư cao...

Trong những năm qua, đời sống của người dân ở thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) không ngừng cải thiện, nâng cao. Đến nay, mức thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,2% trên tổng số 1.021 hộ dân. Có được kết quả đó là do thị trấn đã thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao, điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn.