Hậu Giang Đột Phá Từ Đề Án 1.000

Đề án 1.000 sẽ tập trung chuyển đổi theo 4 đối tượng là lúa, mía, vườn tạp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ tiêu phấn đấu cho các đối tượng sau khi được chuyển đổi sẽ tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 – 2 lần trên cùng diện tích canh tác so với năm 2013.
Năm 2014, với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang triển khai Đề án 1.000 nhằm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Chuyển đổi 4 đối tượng
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Đề án 1.000 sẽ tập trung chuyển đổi theo 4 đối tượng là lúa, mía, vườn tạp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ tiêu phấn đấu cho các đối tượng sau khi được chuyển đổi sẽ tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 – 2 lần trên cùng diện tích canh tác so với năm 2013, đồng thời gắn kết được với các chương trình, đề án, dự án khác theo cơ chế lồng ghép với xây dựng nông thôn mới.
Theo đề án, bước đầu, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ xây dựng mô hình làm tiền đề thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua thực hiện chuyển đổi 4 loại hình: Lúa 3 vụ; mía kém hiệu quả; cải tạo vườn tạp; phát triển chăn nuôi an toàn sinh học.
Đề án có 4 hợp phần, trong đó giai đoạn 2014 – 2016 sẽ thực hiện chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 sang 2 lúa - 1 màu và 2 lúa - 1 thủy sản; chuyển đổi 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế kết hợp trồng màu - thủy sản - chăn nuôi… nhằm tăng thu nhập; chuyển đổi 1.000ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế, có thế mạnh của tỉnh và 1.000 hộ chăn nuôi trên đệm lót sinh học kết hợp gà thả vườn, chuồng trại khép kín an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường, tận thu khí sinh học…
Ông Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm: Trong năm 2014, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành tuyển chọn và chuyển đổi bình quân khoảng 15% trong tổng số nhu cầu chuyển đổi của đề án đã giao cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Nhu cầu còn lại của đề án sẽ tiếp tục chuyển đổi trong năm 2015-2016.
Làm giàu cho nông dân
Ông Nguyễn Văn Đồng thông tin thêm: Đề án sẽ được ưu tiên thực hiện theo mô hình khép kín từ sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm.
Vì thế, ngoài giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín hoàn chỉnh thì ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh giải pháp xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Kể cả xây dựng cổng điện tử nông sản Hậu Giang nhằm trực tiếp giới thiệu sản phẩm và giao dịch mua bán với đối tác. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất và có chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để tạo điều kiện cho người dân tham gia chuyển đổi.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tổng vốn đầu tư cho đề án giai đoạn 2014 - 2016 là hơn 334 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ chuyển đổi diện tích đất lúa vụ 3 sang mô hình 2 lúa - 1 thủy sản 2.679ha; chuyển đổi 4.000ha đất mía kém hiệu quả; 7.884ha vườn tạp được cải tạo...
Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 2 năm lãi suất phần vốn vay 70% của dân theo từng hợp phần của đề án. Riêng hợp phần IV, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% chi phí đệm lót sinh học/hầm ủ khí sinh học cho hộ chăn nuôi và hỗ trợ xây dựng các mô hình để nhân rộng.
Về mặt hiệu quả kinh tế, đề án sẽ góp phần hình thành những vùng chuyên canh, tập trung sản xuất hàng hóa lớn có năng suất cao, chất lượng tốt, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trong từng hợp phần của đề án.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh yêu cầu, ngành nông nghiệp tỉnh cần phối hợp với các địa phương xác định cụ thể quy mô, diện tích cần chuyển đổi trong từng hợp phần cho phù hợp với mỗi địa phương.
Đồng thời quan tâm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đề án như nghiên cứu vấn đề đất đai, giống cây trồng, vật nuôi, các giải pháp về môi trường… Nhất là trong quá trình thực hiện, cần ưu tiên hợp phần cải tạo vườn tạp để tránh lãng phí tài nguyên đất và đảm bảo hiệu quả bền vững. Mỗi hợp phần phải xây dựng mô hình hoàn chỉnh trước khi nhân rộng.
Related news

2 tuần qua, ngư dân huyện Châu Thành, Chợ Mới (An Giang) đánh lưới bắt được nhiều cá bông lau to từ 5 - 7kg/con trên sông Hậu, đoạn từ đuôi cồn Bà Hòa đến vàm Chắc Cà Đao. Tiểu thương chợ An Châu (Châu Thành) mua của ngư dân giá 180.000 đồng/kg, sau đó đưa về chợ cắt khúc bán từ 200.000 - 280.000 đồng/kg.

Những năm qua, tình hình dịch bệnh trên diện rộng đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, khiến tỷ lệ hộ nuôi tôm thành công ít dần. Trước thực trạng đó, những mô hình nuôi tôm thành công theo hướng an toàn sinh học rất đáng được quan tâm, đúc kết, để tìm ra quy trình nuôi mang lại hiệu quả bền vững.

Đặc biệt, sau khi hình thành lòng hồ thủy điện Sơn La, nuôi cá lồng bè được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo để khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước của lòng hồ thủy điện. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi cá tầm trên khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La và thu được kết quả tốt, tạo sản phẩm đa và nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong nước và xuất khẩu.

Thời gian qua, mô hình nuôi ghép hay nuôi kết hợp cá rô phi với tôm đang trở nên phổ biến vì những hiệu quả thiết thực mà loài cá này mang lại cho tôm nuôi. Theo các nhà khoa học, cá rô phi có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn.

Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào kết quả XK của mặt hàng tôm, với giá trị XK cao nhất từ trước tới nay, đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2013. Trong đó, phần lớn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến XK chủ yếu được nuôi tại các tỉnh ven biển ĐBSCL.