Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hàu Chết, Dân Mất Tiền Tỷ

Hàu Chết, Dân Mất Tiền Tỷ
Publish date: Thursday. December 4th, 2014

Từ tháng 3 đến nay, hàu nuôi tại Long Sơn xảy ra hiện tượng chết kéo dài và hàng loạt nhưng chưa rõ nguyên nhân. Có người mất trắng cả tỷ đồng, có người còn chút vốn liếng muốn gầy lại đợt hàu sau nhưng không dám vì sợ rủi ro.

Buồn hiu hắt

Mọi năm, có mặt tại xã đảo Long Sơn vào thời điểm này sẽ chứng kiến cảnh hoạt động vui nhộn của các hộ nuôi hàu. Xe cộ chạy tấp nập chở các tấm tôn phibrô ximăng đã cưa cùng cây gỗ, trụ ximăng cho chủ nuôi hàu mang xuống bè, giàn, bãi hàu để “xuống giống” cho đợt hàu mới. Nay không khí hoàn toàn trái ngược. Một khung cảnh buồn bã bao trùm cả xã đảo.

Chạy xe từ ngã ba Nhà Lớn về thôn Bến Điệp chỉ thấy những chồng tôn phibrô xi măng cột dây sẵn vẫn nằm bất động hai bên đường. Bên cạnh là tôn cũ lôi từ dưới bè lên nằm chất đống. Ghé nhà ông Nguyễn Thành Tài, trưởng thôn Bến Điệp, câu đầu tiên ông Tài nói: “Hàu chết kiểu này bà con sạt nghiệp hết!”

Thôn Bến Điệp sống chủ yếu vào nghề nuôi hàu, thôn có 300 hộ thì 280 hộ nuôi hàu, cuộc sống của người dân cả thôn chủ yếu phụ thuộc vào con hàu, nay hàu chết hết không biết lấy gì mà sống. “Tính sơ sơ số hàu thiệt hại của thôn Bến Điệp cũng gần 3.000 tấn, có người thiệt hại cả tỷ đồng” - ông Nguyễn Thành Tài cho biết.

Là một trong những người bị thiệt hại lớn do hàu chết tại thôn Bến Điệp, ông Nguyễn Văn Ý kể giọng buồn hiu: “Nuôi hàu giàu cũng nhanh và sập cũng chóng nếu chẳng may. Năm ngoái, tui đầu tư 4.000 tấm tôn để xuống giống, hàu bám và lớn dần thì mình cũng vui trong bụng, thầm nghĩ năm nay ăn Tết vui rồi. Nhưng, hồi tháng 3, hàu đã chết rải rác, lúc đầu thì vài con trên một tấm tôn (20cm x 60cm), nhưng trong gần 2 tháng nay thì hàu chết hàng loạt, số lượng lại nhiều hơn mà toàn những con hàu lớn đến ngày thu hoạch. Khoảng 80% số hàu chuẩn bị thu hoạch của gia đình tui vỡ bụng chết sạch”.

Ông Nguyễn Văn Ý, 64 tuổi (bìa phải), người bị thiệt hại nặng nhất ở thôn Bến Điệp do hàu chết hàng loạt, số tiền thiệt hại gần cả tỷ đồng, trình bày về quá trình hàu chết hàng loạt.

Cùng là hộ bị thiệt hại nặng do hàu chết, ông Kiều Văn Biểu cho biết, phần lớn người dân nuôi hàu đều vay vốn ngân hàng để đầu tư, mùa thu hoạch cuối năm có tiền để trả lãi và vốn vay ngân hàng, còn chút đỉnh thì lo cho cái Tết. Hàu chết sạch kiểu này người dân lo lắm, người còn chút đỉnh vốn liếng thì cũng không dám xuống giống để chuẩn bị cho năm sau vì chưa biết có rủi ro gì nữa không. “Mong các cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân hàu chết, bên cạnh đó còn có chính sách hỗ trợ để bà con tái tạo sản xuất chứ dân Bến Điệp chỉ biết nuôi hàu chứ biết làm gì đây!” - ông Kiều Văn Biểu mong muốn.

Giống hàu cửa sông (hàu lớn) bị chết nhiều nhất

Ông Nguyễn Hữu Thi, trưởng Phòng nuôi trồng và quản lý thủy sản thuộc Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho hay, Chi cục đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh khảo sát nắm tình hình vào ngày 19-11. Theo ghi nhận thực tế, hầu hết các cơ sở nuôi hàu đều thiệt hại do hàu chết đồng loạt, tỷ lệ từ 80 đến 90%. Hàu chết chủ yếu là giống hàu cửa sông (hàu lớn), riêng hàu sò (hàu nhỏ) lại chết không đáng kể.

Đối với giống hàu Thái Bình Dương (một loại hàu mới nuôi trên sông Chà Và) cũng xảy ra hiện tượng chết, tỷ lệ khoảng 30 đến 40%. Nhận định ban đầu nguyên nhân hàu chết có thể do thời tiết giao mùa, hàu chưa thích ứng; khi hàu chết làm ô nhiễm môi trường và lây sang các con khỏe mạnh.

Thêm vào đó, do hiện tượng hàu chết thì dễ dẫn tới hiện tượng hàu ốp nên thương lái không thu mua, người dân không bán được nên càng để nuôi hiện tượng chết hàng loạt càng tiếp tục lan rộng. “Để xác định chính xác nguyên nhân và hướng dẫn người dân khắc phục, Chi cục Thú y đã phối hợp với cơ quan Thú y Vùng 6 lấy mẫu nước, mẫu hàu chết xét nghiệm. Đến nay, vẫn chưa có kết quả” - ông Nguyễn Hữu Thi cho biết.

Trong khi đó, theo ông Dương Văn Phần, trưởng thôn 7, xã Long Sơn cho biết, diễn biến của đợt hàu chết hàng loạt lần này được người nuôi đánh giá tương đối giống với hiện tượng hàu chết vào năm 2008, nhưng mức độ nặng hơn. Tuy nhiên, vị trí hàu chết có khác. Trước kia hàu chết từ trong ra ngoài cửa sông, năm nay hàu lại chết từ ngoài cửa sông vào. Căn cứ vào nhận xét đó, ông Nguyễn Hữu Thi cho biết, phỏng đoán ban đầu của ngành chức năng có thể do nguồn nước ô nhiễm, hoặc do một loại tảo độc gây nên.

Ông Bùi Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn kiến nghị, các cơ quan chức năng chuyên ngành cần sớm công bố kết luận về nguyên nhân hàu chết để bà con biết. Khi tìm ra nguyên nhân thì Chi cục Nuôi truồng thủy sản cần tổ chức các lớp tập huấn cho bà con phòng, tránh thiệt hại về sau.

Theo báo cáo mới nhất (số 253/UBND ngày 19-11-2014) của UBND xã Long Sơn, địa phương này qua khảo sát đã xác nhận, từ đầu năm đến nay, xã có 829 hộ có hàu nuôi bị chết khoảng 6.000 tấn, chủ yếu là hàu lớn gần đến mùa thu hoạch. Ước tổng thiệt hại tạm tính khoảng hơn 120 tỷ đồng.

“Mong các cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân, có chính sách hỗ trợ bà con tái tạo sản xuất. Dân Bến Điệp chỉ biết nuôi hàu chứ biết làm gì đây?” (Ông Kiều Văn Biểu, thôn Bến Điệp, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu)

Về các vụ “tai biến” của hải sản nuôi trồng tại Long Sơn gần đây

*Trong 5 năm trở lại đây, đây là đợt thứ 2 hàu chết hàng loạt tại xông Rạch Ván và sông Chà Và - xã Long Sơn. Đợt hàu chết hàng loạt gần đây nhất diễn ra vào cuối tháng 8-2009. Thời điểm đó, nhiều hộ nuôi cá, hàu điêu đứng, có hộ nuôi bị chết đến 90%.

Tại thời điểm đó, theo kết quả đánh giá chất lượng nước sông Rạch Ván của Sở TN&MT thì nước sông bị ô nhiễm do tiếp nhận nguồn nước xả của các doanh nghiệp chế biến hải sản có hàm lượng hữu cơ cao, làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước.

Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của Viện MT&TN, hiện tượng hải sản nuôi bị chết rải rác và đồng loạt trên lưu vực sông Chà Và còn có nguyên nhân ở hoạt động khai thác cát và do tác động qua lại giữa các lồng bè với nhau (mật độ nuôi dày, cự ly ngắn, vệ sinh lồng bè, nguồn thức ăn không bảo đảm); thời tiết thay đổi đột ngột.

*Ngày 9-9-2012, cơ quan chức năng một lần nữa xét nghiệm mẫu nước để tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng cá và hàu nuôi ở Long Sơn chết hàng loạt. Kết quả, hàm lượng sắt (Fe) và đồng (Cu) trong nước cao gấp 5,3 lần giới hạn cho phép; còn hàm lượng ôxy thì thấp do nước bị ô nhiễm bởi hợp chất hữu cơ.

Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đã có đề án xử lý nguồn nước thải ô nhiễm (tại cống số 6, Khu chế biến hải sản Tân Hải) bằng biện pháp sinh học, nhưng đến nay vẫn còn triển khai các thủ tục.

Theo quy hoạch chi tiết 1/2000 khu nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn) được UBND tỉnh phê duyệt ngày 27-2-2007, khu vực nuôi cá lồng bè được chia thành 7 vùng, tổng diện tích 64,8ha; khu vực nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ gồm 9 vùng bãi triều, tổng diện tích 72,4ha.

Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng bè phát triển rất nhanh và đã phá vỡ quy hoạch năm 2007. Đến năm 2010 đã có 163 hộ, DN nuôi trồng thủy sản trên sông, với tổng diện tích 129,5ha. Sở NN-PTNT đã điều chỉnh lại quy hoạch 2007 cho phù hợp và đến nay, quy hoạch mới 1/2000 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Nguồn bài viết: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201412/xa-long-son-tp-vung-tau-hau-chet-dan-mat-tien-ty-564654/


Related news

Vịt Super Heavy Cho Lãi Cao Ở Nam Sách (Hải Dương) Vịt Super Heavy Cho Lãi Cao Ở Nam Sách (Hải Dương)

Vịt Super Heavy có ngoại hình đẹp, chân vàng, lông trắng, tỷ lệ nạc khá cao, trọng lượng đạt từ 3,3 - 3,68 kg/con sau 1,5 tháng nuôi, cho lãi từ 750 - 850 nghìn đồng/100 con.

Wednesday. April 17th, 2013
Thu Nhập Cao Từ Nuôi Gà Tre Thu Nhập Cao Từ Nuôi Gà Tre

Thay vì nuôi những giống gà lai, gà công nghiệp, mấy năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Thân, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) đã đầu tư chăn nuôi gà tre, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sunday. September 9th, 2012
Chuẩn Bị Đưa Hệ Thống Xử Lý Quả Thanh Long Bằng Hơi Nước Nóng Vào Hoạt Động Ở Bình Thuận Chuẩn Bị Đưa Hệ Thống Xử Lý Quả Thanh Long Bằng Hơi Nước Nóng Vào Hoạt Động Ở Bình Thuận

Đến thời điểm này, Công ty TNHH XNK Nông sản Hồng Ân (xã Hải Ninh, Bắc Bình - Bình Thuận) đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý thanh long bằng hệ thống xử lý hơi nước nóng, công suất 4.200 tấn/năm. Theo đó, công ty đã có văn bản trình Cục Bảo vệ thực vật xem xét, kiểm tra để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và bảo đảm tính pháp lý cho việc vận hành nhà máy.

Wednesday. April 17th, 2013
Học Kinh Nghiệm Nuôi Và Xuất Khẩu Thủy Sản Học Kinh Nghiệm Nuôi Và Xuất Khẩu Thủy Sản

Chiều 14-4, ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiệp hội đang cùng các nhà chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT sang Na Uy để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về mô hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá hồi. Na Uy là đất nước nổi tiếng về nghề nuôi và xuất khẩu cá hồi, xuất khẩu cá hồi đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD/năm.

Thursday. April 18th, 2013
Không Phát Hiện Chất Cấm Trong Thủy Sản Nuôi Không Phát Hiện Chất Cấm Trong Thủy Sản Nuôi

Theo Cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam bộ, hiện các thủy sản chủ lực đang được nuôi ở các tỉnh phía Nam là cá tra, tôm... hầu như không bị phát hiện kháng sinh cấm.

Saturday. August 3rd, 2013