Hành Tím Tồn Kho, Nông Dân Gặp Khó
Bất chấp những khuyến cáo của doanh nghiệp và ngành chức năng, người trồng hành tím ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vẫn quyết định trữ hành để chờ giá. Hệ quả là 30.000 tấn hành tím thương phẩm đến nay vẫn chưa có nơi tiêu thụ, đang trong giai đoạn hư hỏng.
Trong vụ hành tím 2014, nông dân thị xã Vĩnh Châu xuống giống hơn 6.200 ha, tăng hơn 500 ha so cùng kỳ năm 2013. Tổng sản lượng hành thương phẩm cả vụ ước đạt hơn 110.000 tấn, cao hơn 2.000 tấn so cùng kỳ. Sản lượng trên tuy chưa phải là lớn, nhưng do thị trường tiêu thụ khó khăn, nên đến nay, dù mùa vụ kết thúc hơn 2 tháng, nhưng lượng hành tồn kho trong dân hơn 30.000 tấn.
Ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, chua xót: "Số hành tồn đang trong tình trạng hư hỏng dần. Nếu không được tiêu thụ kịp thời, nông dân xem như trắng tay".
Với diễn biến giá hành năm 2014, dễ thấy rằng khả năng nắm bắt thị trường của người trồng hành chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm. Giá hành tím đầu vụ ở mức 25.000 đồng/kg, nhưng đến cận và sau Tết bắt đầu giảm lại 5.000 - 8.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng), rồi lại tăng lên 10.000 đồng/kg vào đầu tháng 3.
Ngay sau khi giá hành tăng trở lại, ôngTrịnh Đức Vinh, Giám đốc DNTN Đức Vinh, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hành tím, đã có cảnh báo: "Đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu hành qua Indonesia đều được cấp quota nhập khẩu; trong đó DNTN Đức Vinh được cấp đến 4.000 tấn. Tuy nhiên, thời hạn của quota lại rất ngắn, chỉ trong khoảng từ tháng 1 đến 18-3, nên các doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh tiến độ thu mua để kịp thời gian giao hàng, làm cho giá hành tăng lên.
Vì vậy, việc giá hành tăng trở lại từ đầu tháng 3 chưa phải là tín hiệu tốt. Người trồng hành không nên trữ lại để chờ giá". Nếu người trồng hành lúc bấy giờ bán với giá 10.000 đồng/kg và chỉ cần đạt năng suất 2 tấn/công vẫn có thể đạt lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/công.
Tuy nhiên, bất chấp những khuyến cáo từ doanh nghiệp, ngành chức năng, người trồng hành vẫn đánh cược với rủi ro, khi quyết định không bán, mà giữ lại tiếp tục chờ giá lên thêm. Hệ quả của quyết định may rủi trên là hơn 30.000 tấn hành thương phẩm đến nay vẫn chưa có nơi để tiêu thụ và đang hư hỏng dần.
Năm nay, thị trường xuất khẩu hành tím chủ lực là Indonesia đã không còn buộc hành phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP như 2 năm trước, nhưng lại xuất hiện một rào cản khác: cảng nhập hàng.
Ông Trịnh Đức Vinh, Giám đốc DNTN Đức Vinh, cho biết: "Phía Indonesia đưa ra quy định, hành tím Việt Nam không được nhập khẩu qua cảng Jakarta, mà phải qua một cảng nhỏ khác, cách thủ đô nước này trên 100km, khiến chi phí vận chuyển tăng thêm. Chưa hết, do năng lực cảng nhỏ, nên công suất bốc dỡ hàng thấp, kéo dài thời gian lưu hàng dưới tàu.
Chỉ với 2 khó khăn này cũng làm cho doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn về chi phí và thời gian giao hàng". Mặt khác, một số nước trồng hành lớn như Thái Lan, Indonesia... cũng trúng mùa, tạo nên áp lực cạnh tranh gay gắt hơn về giá, khiến cho việc tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
Chuyện tồn kho hành tím với nguy cơ thiệt hại lớn cho nông dân là điều khó tránh khỏi. Điều đó chỉ ra, dù là loại cây trồng chủ lực, có tiếng tăm trên thị trường, nhưng cây hành tím vẫn chưa cho thấy có sự ổn định và bền vững. Vấn đề trước mắt hiện nay là tìm giải pháp để giúp người dân giải phóng bớt lượng hàng tồn kho, để giảm gánh nặng chi phí đầu tư trong suốt mùa vụ.
Về lâu dài, rất cần một chính sách mới cho cây hành tím như: quy hoạch lại diện tích trồng hành; triển khai các kỹ thuật trồng và bảo quản hành; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho cây hành; tổ chức lại sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ, nhằm tạo chuỗi giá trị hành tím ổn định, hiệu quả và bền vững.
Related news
Ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch - Quảng Bình) cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Bá (SN 1960) được mọi người nhắc đến như một tấm gương điển hình dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu trên vùng đất khó. Với mô hình lò ấp trứng gà, mỗi năm ông Bá thu về lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng...
Trước đây, những diện tích ruộng một vụ tại các bản của xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La) chủ yếu bỏ không hoặc làm bãi chăn thả gia súc sau khi thu hoạch vụ lúa mùa. Hai năm gần đây, người dân đã tận dụng diện tích đất này để trồng ngô vụ đông xuân làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa, tăng thu nhập cho gia đình.
Người dân ở tổ dân phố số 6, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng - Nam Định) ai ai cũng biết tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu của ông Hoàng Văn Minh. Từ hai bàn tay trắng ông đã xây dựng một trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích trên 3ha, trở thành đầu mối cung cấp con giống cho nông dân trong vùng và các địa phương.
Chiều ngày 4/7, đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, tại một số vùng nuôi ngao của người dân trên địa bàn đang xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt, nổi trắng trên bờ.
Ngày 3/7, tại UBND xã An Ninh Đông, Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh (Sở NN-PTNT) phối hợp với UBND xã An Ninh Đông (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tổ chức hội nghị thành lập Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Ninh Đông. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở NN-PTNT, UBND huyện Tuy An và gần 200 ngư dân tham gia tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ trên địa bàn xã.