Được Mùa Lúa Đông Xuân
Những ngày này, thời tiết đang ở đỉnh điểm của nắng nóng, trên cánh đồng Mường Thanh, bà con nông dân cũng vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013 - 2014. Trên khắp nẻo đường các xã của vùng lòng chảo huyện Điện Biên rộn rã tiếng người, tiếng máy.
Khuôn mặt đẫm mồ hôi, chị Đỗ Thị Mai, đội 8, xã Thanh Xương cho biết: Vụ đông xuân năm ngoái, thóc lép nhiều do đạo ôn, rầy nâu; chúng tôi đã nỗ lực cố gắng cứu lúa nhưng không hiệu quả. Năm nay năng suất cao hơn do gia đình gieo đúng khung thời vụ và khi lúa đang chuẩn bị làm đòng gặp mưa nên phát triển tốt; lúa gia đình tôi ước đạt khoảng 63 tạ/ha.
Đang vận chuyển lúa lên chiếc xe tải nhỏ, anh Vì Văn Hải, đội 3, xã Thanh Xương cho biết: Vụ mùa này, gia đình gieo cấy 2.000m2 giống lúa bao thai, tuy giá trị kinh tế không cao như bắc thơm số 7, nhưng giống này đỡ sâu bệnh hơn. Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, nên ít sâu bệnh; bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo nhân dân tuân thủ lịch gieo cấy, chuyển đổi giống, thăm đồng thường xuyên, không lạm dụng phân bón hóa học... Có thể nói, vụ này nông dân được mùa lúa.
Là một trong những xã trọng điểm sản xuất lúa vùng lòng chảo Mường Thanh, vụ đông xuân 2013 - 2014, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) gieo cấy gần 270ha với cơ cấu giống: bắc thơm số 7, lúa thuần, nếp, IR64, bao thai.
Ông Trần Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Vụ đông xuân 2012 - 2013, lúa toàn xã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sâu bệnh do không tuân thủ lịch thời vụ, một số loại giống cũ... Từ thực tế đó, vụ chiêm xuân 2013 - 2014, chính quyền xã kiên quyết chỉ đạo các đội, bản gieo đúng khung thời vụ; gieo cấy một số giống lúa mới thay vì chuyên canh giống bắc thơm số 7 như trước đây.
Cùng với đó, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước cho một số chân ruộng trên cao, UBND xã chỉ đạo củng cố, nạo vét hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 đồng thời cử cán bộ khuyến nông, cán bộ thủy lợi phối hợp với Hợp tác xã Thanh Chăn điều tiết nước tưới. Với sự chuẩn bị khá chu đáo, vụ đông xuân năm nay, năng suất lúa của Thanh Chăn ước đạt 63 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với vụ đông xuân trước.
Ông Phạm Văn Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Vụ đông xuân năm 2013 - 2014, toàn huyện gieo cấy 4.652ha, đạt 100% kế hoạch.
Vụ lúa này, nông dân vùng lòng chảo đã đưa một số giống mới vào trồng thử nghiệm, như: TB28, DT39, PC15 là những giống có ưu điểm năng suất cao, dễ thâm canh; khả năng chống đổ, kháng bệnh bạc lá, đạo ôn tốt. Huyện chỉ đạo các xã thực hiện đúng khung thời vụ để đảm bảo năng suất; tổ chức tập huấn cho trên 4.000 lượt nông dân về quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa mới... Qua kết quả thăm đồng của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho thấy.
Vụ đông xuân 2013 - 2014 tình hình sâu bệnh giảm nhiều bởi các yếu tố: Mật độ gieo cấy đã đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế lượng phân bón hóa học, nhất là phân đạm. Bên cạnh đó, nông dân các xã thăm đồng thường xuyên kiểm tra sát sao tình hình sâu bệnh. Nên tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích nhiễm sâu bệnh là 870ha. Có thể nói, vụ đông xuân năm nay năng suất lúa vùng lòng chảo khá cao, trung bình ước đạt 65 tạ/ha.
Vụ đông xuân 2013 - 2014, nông dân huyện Điện Biên được mùa lúa không chỉ bởi yếu tố “mưa thuận gió hòa” mà họ đã áp dụng hiệu quả KHKT, từ chuyển đổi cơ cấu giống, sát sao với đồng ruộng và từng bước "nói không" với lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học. Được mùa lúa, là động lực thúc đẩy nông dân bám đồng, bám đất để thêm nhiều mùa vàng bội thu.
Related news
Việc người dân ồ ạt phá rừng phòng hộ ven biển để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường bị phá hủy. Người dân đầu tư quá lớn, nếu thương lái giở trò thì trắng tay…
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Văn Phong, phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành công văn số 803/UBND-NN ngày 18 tháng 3 năm 2014 về việc chấp thuận chủ trương phân bổ hơn 01 tỷ đồng để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua dự phòng 30 tấn chlorine để phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản.
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), 6 tháng qua, kiểm tra lấy mẫu 832 mẫu thủy sản nuôi, chỉ phát hiện 4 mẫu thủy sản có dư lượng hóa chất vượt giới hạn tối đa cho phép tại khu vực Nam bộ, giảm so với năm 2013.
Trước đây cả gia đình anh Trần Văn Thắng ở khu trang trại Đầm Cói, phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, thời tiết thuận lợi được mùa thì cũng chỉ đủ ăn. Nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì quanh năm chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời không biết đến khi nào mới thoát nghèo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2015, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chuyển đổi 112.000 ha trồng lúa sang các loại cây trồng khác và đến năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác là 204.000 ha.