Hàng Chục Hộ Dân Nuôi Ếch Cầu Cứu

Hơn 1 tháng nay, hàng chục hộ dân ở xã Mỹ An, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), sau khi cho ếch ăn bằng thức ăn công nghiệp làm ếch nhảy rộ đàn và chết hàng loạt. Đến nay, Công ty thức ăn vẫn chưa có động thái gì đối với các hộ dân trong việc hỗ trợ thiệt hại, khiến nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh khó khăn.
Là một trong những hộ nuôi ếch bị thiệt hại nhiều nhất của xã, ông Lê Văn Kinh (SN 1965, ngụ ấp Mỹ Thạnh B, xã Mỹ An) cho biết: “Tôi nuôi 30.000 con ếch giống được khoảng 45 ngày, chuẩn bị bán cho thương lái. Tuy nhiên, ngày 15/6/2013 khi cho ếch ăn thì ếch nhảy rộ đàn, số lượng chết khoảng 30%, ước tính thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Tôi nuôi ếch được 7 năm đều mua thức ăn của Công ty Lái Thiêu, không ngờ lần này ếch chết như vậy. Tôi chỉ mong phía Công ty thức ăn hỗ trợ tiền thất thoát để tái lại đàn ếch mới”.
Ông Kinh kể lại, ông cho đàn ếch ăn lô hàng mã CV05, ghi ngày sản xuất ngày 14/6/2013, tại Công ty TNHH TĂGS Lái Thiêu. Địa chỉ số 48B, Quốc lộ 13, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, sau đó ếch nhảy rộ đàn, khoảng 3 ngày sau thì chết hàng loạt. Một số hộ dân trong xóm cho ếch ăn cũng bị chết.
Anh Nguyễn Thái Phương (SN 1975, ngụ ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An) bức xúc nói: “Tôi nuôi 30.000 con, thiệt hại khoảng 30%, tranh thủ bán tháo, nên bị thương lái ép giá lỗ khoảng 20 triệu đồng. Tôi chỉ mong Công ty thức ăn sớm hỗ trợ phần thiệt hại để chuẩn bị nuôi vụ mới”.
Khi xảy ra vụ ếch chết, nhiều hộ dân khác cũng tranh thủ bán số ếch còn sống, vì sợ ếch sẽ chết hoàn toàn, dẫn đến lỗ đến hàng chục triệu đồng.
Ngày 10/7/2013, Chi Cục thủy sản tỉnh thông báo kết quả phân tích một số chỉ tiêu thức ăn thủy sản. Sau đó, UBND xã Mỹ An họp dân báo cáo kết quả nhưng nhiều hộ dân khi nghe thông báo trong thức ăn không có chứa chất ảnh hưởng liên quan đến vụ ếch chết thì ngỡ ngàng, các hộ dân không đồng tình với kết quả thử nghiệm và yêu cầu các ngành chức năng tỉnh, huyện và Công ty thức ăn trực tiếp gặp các hộ dân để giải trình rõ hơn về kết quả thử nghiệm.
Nhiều hộ dân cho biết, lúc xảy ra ếch chết hàng loạt, phía Công ty thức ăn có hứa hỗ trợ phần thiệt hại nhưng đến nay “bặt vô âm tín”. Nhiều hộ dân kiến nghị, ngành chức năng, chính quyền các cấp sớm có biện pháp hỗ trợ để có kinh phí tái đàn ếch mới, vì nhiều hộ dân chỉ sống dựa vào nghề nuôi ếch.
Related news

Cần quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống là vấn đề đặt ra khi trải qua nhiều biến cố của vụ mùa năm 2012: dịch bệnh hoành hành, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, biến đổi khí hậu,… gây thất thu cho người nuôi tôm. Nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng tôm giống không bảo đảm.

Hiện nay, giá gà tam hoàng các trang trại ở Đồng Nai bán ra chỉ còn 37 - 38 ngàn đồng/kg, giảm 7-8 ngàn đồng/kg so với đầu tháng 3-2013. Như vậy, chỉ trong khoảng 20 ngày, giá gà tam hoàng trên địa bàn tỉnh đã giảm 13 - 14 ngàn đồng/kg.

Vài năm gần đây, để tạo nguồn thu nhập trong những mùa biển vụ bấc, bà con ngư dân Phan Thiết đã đưa nghề bẫy bắt tôm hùm con vào hoạt động. Từ đây, nhiều tuyến biển gần bờ phục vụ giao thông, du lịch bị phủ đầy phao nổi của lưới bẫy bắt tôm hùm. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển và tạo không gian thông thoáng cho các môn thể thao dưới nước, vừa qua, TP. Phan Thiết đã ra quân kiểm tra, xử lý khu vực “nóng” thường xuyên xảy ra tình trạng đặt bẫy tôm hùm con trái phép.

TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến “Tiếp sức cho nông dân” do Báo điện tử Dân Việt - Báo NTNN tổ chức cuối tuần qua. Rất nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi đề cập đến Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Huyện Châu Thành từ lâu được biết đến là vùng chuyên canh bưởi Năm Roi đặc sản của Hậu Giang. Nhờ cây bưởi mà nhiều hộ nông dân thoát nghèo làm giàu. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá bưởi bấp bênh, sâu bệnh hoành hành chưa có thuốc đặc trị, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và thu nhập của bà con nông dân