Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hai Đòn Bẩy Trí Tuệ Đổi Mới Nông Nghiệp

Hai Đòn Bẩy Trí Tuệ Đổi Mới Nông Nghiệp
Publish date: Wednesday. January 21st, 2015

Hai điểm tựa quan trọng nhất của hệ thống sản xuất nông nghiệp là chính sách kinh tế nông nghiệp đối nội và chính sách kinh tế nông nghiệp đối ngoại. Thiếu lực gồng của 2 điểm tựa chính trị này, sức mạnh của các đòn bẩy sẽ bị giảm sút, thậm chí sẽ bị triệt tiêu.

Vai trò của khoa học gia trong các mô hình sản xuất ở nước ta cho đến nay còn bị đánh giá chưa đúng tầm. Nếu chúng ta không khắc phục nhanh hạn chế này thì nền nông nghiệp sẽ khó bứt phá.
Bởi vì chúng ta đã và đang thiếu hụt cả “trí tuệ gia kinh tế thị trường” và “trí tuệ gia KH-CN”. Ở đây, tôi tạm chia các khoa học gia làm 2 nhóm chủ yếu: Nhóm khoa học gia kinh tế và Nhóm khoa học gia kỹ thuật.
Nhóm khoa học gia kinh tế
Quá trình SX nông nghiệp bao gồm 5 khâu cơ bản dưới đây:
1. Thị trường
2. Giống
3. Công nghệ canh tác
4. Công nghệ sau thu hoạch
5. Bán hàng
Trí tuệ kinh tế sẽ quy định: SX cái gì? Quy mô SX và khối lượng sản phẩm là bao nhiêu? Thị trường tiêu thụ ở đâu? (bao gồm bán cho ai, khối lượng bao nhiêu, chất lượng thế nào? bán vào thời điểm nào sẽ đạt hiệu quả cao nhất?).
Trí tuệ kinh tế cần rất nhiều toán học, tin học và sự chính xác. Nông nghiệp cần nhiều toán học hơn nữa. Khi thuyết phục DN và nông dân triển khai một dự án, các khoa học gia kinh tế phải tính toán rất chi tiết và cụ thể cho họ. Ví dụ, với mảnh đất 1.000 m2 ở ĐBSH, nhà nông sẽ phải SX mặt hàng gì? Chi phí các loại đầu vào của quá trình SX là bao nhiêu? Bán hàng cho ai, ở đâu, vào thời điểm nào để có giá cao nhất?
Dự kiến sẽ thu được bao nhiêu tiền? Số tiền đó sẽ bảo đảm đến mức nào các chi phí vật chất và sự tiến bộ tinh thần của gia đình (ăn, ở, mặc, đi lại, học hành). Mức thu đó bền vững đến mức nào đối với sự sinh tồn yên ấm và phát triển của một hộ nông dân, tác động của nó đối với sự phồn vinh và tiến bộ của làng xã.
Thực tế cho thấy, nền SX nhỏ, thiếu liên kết sẽ thiếu sức sống trong nền kinh tế toàn cầu. Vậy, nếu liên kết nhiều nông hộ thành các tổ hợp SX, các HTX, các DN thì sao? Nếu liên kết 1.000 hộ với nhau, ta sẽ có cánh đồng 100 ha thì sao? Nếu 1 vạn hộ liên kết lại, ta sẽ có 1.000 ha thì sao?
Nếu ta SX các sản phẩm nông nghiệp tinh hoa, nếu cơ giới hóa, nếu đổi mới công nghệ để giảm các chi phí đầu vào thì sao? Nếu bán hàng cho thế giới thượng lưu hay các tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy mạnh mẽ trong nền kinh tế châu Á, bao gồm các nước Bắc Á và ASEAN thì sao?
Nông dân không thể giải bài toán đó? Bài toán đó phải được giải thông qua các viện kinh tế với khả năng khai thác tối ưu sức mạnh của hệ thống kinh tế đối ngoại Nhà nước.
Đổi mới nông nghiệp trước hết phải xác lập vai trò chủ đạo, lãnh đạo của trí tuệ kinh tế và vai trò của kinh tế đối ngoại.
Các viện kinh tế có phát huy được tác dụng hay không phụ thuộc rất nhiều vào đổi mới hệ thống nghiên cứu kinh tế thị trường.
Đổi mới nông nghiệp, trước hết phải là đổi mới tư duy kinh tế của hệ thống.
Tư duy kinh tế nếu thiếu hụt các tính toán căn cơ sẽ không thể đáp ứng xu thế phát triển của một nền nông nghiệp toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ trên thế giới.
Tính toán sai cho kinh tế một hộ sẽ gây thiệt hại nhỏ. Tính toán sai cho 1 vạn hộ sẽ là một thảm họa. Nông nghiệp cần nhiều nhân tài tư duy kinh tế và toán học hơn.
Hệ thống khuyến nông do vậy cần phải đổi mới sâu sắc và triệt để trước trào lưu chuyển đổi nền kinh tế SX nhỏ sang kinh tế nông nghiệp công nghiệp hóa. Khuyến nông cho DN, cho vùng SX đòi hỏi đổi mới các phương thức hoạt động. Năm khâu của quá trình SX nông nghiệp đòi hỏi 5 chuyên gia hàng đầu làm việc trong cùng một đội.
Nhóm khoa học gia kỹ thuật
Nhóm khoa học gia kỹ thuật sẽ quy định SX như thế nào. Trí tuệ kỹ thuật sẽ quy định SX như thế nào đối với từng loại sản phẩm? Làm thế nào để SX được sản phẩm với chất lượng và giá cạnh tranh, với khối lượng và thời gian cung ứng sản phẩm kịp thời cho thị trường.
Trí tuệ kỹ thuật giải quyết vấn đề mà chuyên gia kinh tế đặt ra là làm thế nào để cung ứng cho thị trường đủ số lượng và chất lượng, vào đúng thời điểm thị trường có nhu cầu cao hoặc giá thành cao nhất. Trí tuệ kỹ thuật còn có thể đưa ra những sản phẩm mới chưa từng có, nhưng dù sao, vẫn phải xuất phát từ phân tích các nhu cầu của xã hội và con người.
Trí tuệ kinh tế và trí tuệ kỹ thuật phải đóng vài trò đòn bẩy của hệ thống SX. Hai đòn bẩy đó càng mạnh bao nhiêu thì hệ thống sẽ được nâng cao bấy nhiêu. Năng suất và hiệu quả lao động của hàng vạn, hàng triệu nhân công phụ thuộc vào 2 đòn bẩy này.
Hai điểm tựa quan trọng nhất của hệ thống SX nông nghiệp là chính sách kinh tế nông nghiệp đối nội và chính sách kinh tế nông nghiệp đối ngoại. Thiếu lực gồng của 2 điểm tựa chính trị này, sức mạnh của các đòn bẩy sẽ bị giảm sút, thậm chí sẽ bị triệt tiêu.
Chúng tôi đã có dịp nghiên cứu một số ví dụ điển hình về SX nông nghiệp thông minh ở Israel, Hà Lan, Đài Loan; những nơi nông nghiệp không có những nền tảng thiên nhiên thuận lợi. Ở đây, các tổ chức hoặc các DN SX nông nghiệp luôn được 2 nhóm chuyên gia chăm sóc chu đáo.
Nhóm chuyên gia kinh tế nghiên cứu và tư vấn cho nông dân SX mặt hàng nào? Sản lượng bao nhiêu? Bán cho thị trường nào và bán vào lúc nào, thậm chí chính xác ngày bán hàng trong năm? Về không gian xác định rõ nơi “thiếu hụt”, “khan hiếm”.
Thời gian, chính xác phải nói là đến tận ngày, tìm nơi thiếu hụt, khan hiếm hoặc có nhu cầu lớn để bán được lượng lớn với giá cao nhất. Họ tư duy kinh tế cho hàng vạn hộ nông dân, cho hàng trăm, hàng nghìn DN.
Các viện nghiên cứu chuyên ngành và đại diện cho các viện là nhóm các chuyên gia kỹ thuật làm việc theo nhóm gồm các chuyên gia về giống, canh tác, đất, nước, phân, BVTV, thu hoạch, chế biến, bảo quản. Họ đi sát và chỉ đạo hàng nghìn, vạn hộ nông dân SX theo quy trình kỹ thuật tối ưu nhất, mặc dù, trình độ và tư duy kỹ thuật của nông dân rất không đồng đều, không hẳn đã cao và thậm chí còn rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội ở ngay các nước phát triển nhất.
Chúng ta đều biết Israel, Hà Lan là những vùng rất khó khăn cho phát triển nông nghiệp, đầu tư SX rất cao, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế của hệ thống nông nghiệp vẫn lớn là nhờ vào 2 nhóm nhỏ dân số, đại diện cho trí tuệ kinh tế và trí tuệ kỹ thuật của quốc gia.
Ở nước ta có hàng triệu nông hộ (khoảng 14-15 triệu hộ), trình độ và nhận thức nói chung còn thấp, nếu trình độ trí tuệ khoa học cũng thấp, cả nền SX sẽ thấp theo.
Khi trình độ trí tuệ thị trường và trí tuệ kỹ thuật cao, cả nền SX nông nghiệp sẽ được nâng cao. Hiệu quả SX của hàng chục triệu nông dân và cả nền SX nông nghiệp sẽ được tăng trưởng nhanh chóng.
Giống mới và công nghệ mới muốn ra đời phải có thời gian đầu tư dài mới đáp ứng được nhu cầu thị trường. Phải có thời gian chuẩn bị nghiên cứu theo dự báo kinh tế chiến lược.
Nếu chậm trễ trong sách lược và chiến lược kinh tế thị trường, thì KH-CN và cả hệ thống SX sẽ bị chậm; lạc hậu sẽ lâu dài. Nhưng ở nước ta, chúng tôi chưa thấy có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia với nhau hoặc giữa 2 nhóm chuyên gia kinh tế và KH-CN. Vậy ai sẽ là người tổ chức họ lại?
Về mặt quản lý, chúng tôi thấy các chính trị gia, các nhà quản lý trong thời gian tới cần đặc biệt để tâm săn lùng, tổ chức, khai thác và sử dụng 2 đòn bẩy trí tuệ này.
Theo chúng tôi, không chỉ Nhà nước, mỗi tỉnh, mỗi vùng kinh tế, mỗi DN nên có cơ chế chính sách đối với các đại biểu trí tuệ xuất sắc của khoa học nước nhà để có giải pháp phát triển. Mỗi tỉnh và vùng kinh tế cần phải có các chuyên gia tư vấn sắc sảo và chuyên nghiệp về thị trường cũng như KH-CN.
Đổi mới tư duy kinh tế và tư duy kỹ thuật là việc phải làm trước tiên để đổi mới nông nghiệp.
Khả năng đổi mới nông nghiệp và nội lực quốc gia thực chất đang ở trong tay chúng ta.


Related news

Thức ăn chăn nuôi không bị nhiễm chất cấm Thức ăn chăn nuôi không bị nhiễm chất cấm

Do tình trạng một số hộ chăn nuôi heo ở khu vực miền Đông Nam bộ, đặc biệt là Đồng Nai, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã làm rộ lên tin đồn trong một số thức ăn chăn nuôi bị nhiễm chất cấm (beta-agonist). Phóng viên Báo Công Thương đã tìm hiểu vấn đề này và ghi nhận: Chỉ có những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tự bỏ chất cấm vào cám để trục lợi vừa bị các cơ quan chức năng phanh phui, không có chuyện cám bị nhiễm chất cấm.

Thursday. August 20th, 2015
Khá lên nhờ nuôi dê Boer Khá lên nhờ nuôi dê Boer

Sau thời gian tìm hiểu, đầu năm 2013, ông Nguyễn Văn Nam ngụ ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư nuôi 25 con dê giống Boer (Hà Lan). Đến nay, mô hình này đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Nam trở thành người thành công đầu tiên khi nuôi giống dê này ở địa phương.

Thursday. August 20th, 2015
Việt Nam là thị trường xuất khẩu gia súc lớn thứ 2 của Australia Việt Nam là thị trường xuất khẩu gia súc lớn thứ 2 của Australia

Việt Nam là thị trường xuất khẩu gia súc lớn thứ hai của Australia với 309.505 con, tăng 136%. Trong khi đó, các thị trường khác đều giảm.

Thursday. August 20th, 2015
Cần hạn chế nhập khẩu thịt gà Cần hạn chế nhập khẩu thịt gà

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, song song với việc triển khai vụ kiện bán phá giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ, việc cấp bách cần làm ngay là hiệp hội sẽ gửi đơn kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tạm ngưng hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm từ gia cầm của Mỹ chứ không chỉ một số bang như hiện nay, do từ cuối năm 2014 đến nay, nước này xảy ra dịch cúm gia cầm.

Thursday. August 20th, 2015
Rau an toàn chưa có chỗ đứng Rau an toàn chưa có chỗ đứng

Dù sản phẩm đã được công nhận VietGAP nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự yên tâm. Lý do là sự sạch - bẩn của rau chủ yếu phụ thuộc vào lương tâm của người sản xuất và bán hàng, chứ chưa được các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát…

Thursday. August 20th, 2015