Hà Nội Đưa Vụ Đông Trở Thành Vụ Sản Xuất Chính

Trong vài năm gần đây, diện tích trồng cây vụ Đông trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm dần do nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy, với mục tiêu đưa vụ Đông trở thành vụ chính nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, năm nay, UBND TP đã chỉ đạo các huyện, thị xã tích cực vào cuộc mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông.
Giá trị lớn
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích có khả năng gieo trồng cây vụ Đông toàn TP khoảng 100.000 ha. Trong những năm qua, diện tích trồng cây vụ Đông có xu hướng giảm dần do điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, giá vật tư phục vụ sản xuất ngày một tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra thấp.
Nếu vụ Đông năm 2009 - 2010, toàn TP gieo trồng 64.000 ha thì đến vụ Đông 2010 - 2011 diện tích cây trồng vụ Đông giảm chỉ còn khoảng 60.000 ha.
Năm 2013 - 2014, toàn TP gieo trồng 45.222 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức và Ba Vì... Cây trồng chủ yếu là đậu tương, ngô, khoai lang, lạc, rau đậu các loại. Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để chủ động nguồn giống cho vụ Đông, UBND TP đã ban hành chính sách hỗ trợ 50% chi phí sản xuất đậu tương vụ Hè Thu.
Bên cạnh đó, các huyện cũng có chính sách hỗ trợ sản xuất một số cây trồng vụ Đông. Tiêu biểu như huyện Thạch Thất hỗ trợ 100% kinh phí đối với một số cây trồng mới như bí ngô, bí đao, rau các loại và hỗ trợ 70% kinh phí mua giống ngô nếp, ngô lai, khoai lang, lạc. Hay huyện Sóc Sơn hỗ trợ 100% giống ngô nếp HN88, giống đậu tương DT84, rau vụ Đông với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng...
Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Phát triển cây trồng triển khai mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như trồng khoai tây làm đất tối thiểu, trồng bí xanh, bí đỏ, ngô nếp lai bằng giống mới...
Nhờ những chính sách này, giá trị thu nhập vụ Đông 2013 - 2014 toàn TP ước đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó giá trị cây đậu tương đạt 22 triệu đồng/ha, ngô: 20 triệu đồng/ha, rau: 70 triệu đồng/ha và hoa, cây cảnh lên tới 250 triệu đồng/ha. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá, giá trị từ vụ Đông còn góp phần quan trọng đảm bảo mức tăng trưởng cho ngành nông nghiệp trong năm 2014.
Tiếp tục chính sách hỗ trợ, khuyến khích
Năm nay, nhiều địa phương tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất vụ Đông. Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, vụ Đông 2014, huyện đặt mục tiêu gieo trồng 4.000 ha, trong đó, đậu tương khoảng 2.000 ha.
Để chủ động nguồn giống đậu tương cho vụ Đông, trong vụ Hè Thu vừa qua, huyện có chính sách hỗ trợ 100% giống và 30% phân bón trồng đậu tương. Song song với đó, huyện thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất vụ Đông và rà soát kế hoạch sản xuất chi tiết của từng xã, thực hiện phương châm "sáng lúa, chiều cây vụ Đông".
Vụ Đông năm 2014, Hà Nội đặt mục tiêu gieo trồng trên 50.000 ha, giá trị sản xuất đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, cơ cấu giống cây trồng chủ yếu là cây ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt và đảm bảo thời vụ gieo trồng.
Đặc biệt, thanh tra ngành NN&PTNT sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra việc thực hiện những quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, hiện nay, thu nhập khu vực nông thôn đạt khoảng 23,7 triệu đồng/người/năm, mới chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân toàn TP. Chính vì vậy, gieo trồng vụ Đông là biện pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho người nông dân, tăng giá trị sản lượng của ngành nông nghiệp và cung cấp nguồn rau quả thực phẩm dồi dào cho TP trong dịp Tết Nguyên đán. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm xây dựng để trình TP ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất vụ Đông.
Đồng thời, yêu cầu các huyện, thị xã cùng các đơn vị thủy lợi tiếp tục rà soát kế hoạch trồng cây vụ Đông để chủ động chống hạn, úng. Đặc biệt, giao cho các đoàn thể đứng ra nhận diện tích gieo trồng và vận động hội viên tham gia đẩy mạnh sản xuất vụ Đông.
Related news

Với kỹ thuật nuôi đơn giản, cho hiệu quả kinh tế cao, một số nông dân ở Cà Mau đang tìm tòi và nhân rộng mô hình nuôi lươn trong bể bê tông.

Ngày 7-5, tin từ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào - Anh Đào Co.op, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, vừa ký hợp đồng xuất khẩu rau sạch Đà Lạt với Tập đoàn đa lĩnh vực CJ Group của Hàn Quốc.

Mô hình với vốn đầu tư ít, nhẹ công chăm sóc, thị trường tiêu thụ ổn định, còn tận dụng được khoảng trống xung quanh nhà làm bồn nuôi… Đó là những lợi thế làm nên hiệu quả của mô hình nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp trong bể ny-lon của bà con phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên - An Giang).

Tính đến quý I/2014, Hà Nội đã tiếp tục rà soát, định vị được thêm 500 ha rau an toàn (RAT) để tập trung quản lý, chỉ đạo, nâng tổng diện tích RAT năm 2014 lên 5.000 ha.

Theo các hộ trồng điều ở huyện Châu Đức, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), giá hạt điều ở thời điểm này (cuối vụ) đã giảm mạnh, hiện còn 15.000 đồng/kg, so với đầu vụ giảm 6.000 đồng/kg. Tình trạng mất mùa do diễn biến bất thường của thời tiết và rớt giá khiến người trồng điều đang lỗ nặng nên nhiều hộ đã chặt bỏ để canh tác cây trồng khác.