Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gỡ Khó Cho Ngư Dân

Gỡ Khó Cho Ngư Dân
Publish date: Monday. June 30th, 2014

Hàng ngàn ngư dân có khát khao vươn ra biển lớn bằng con tàu vỏ thép đang chờ quyết định của Chính phủ và sự vào cuộc của các ngành liên quan xung quanh gói 16 ngàn tỷ đồng mà Quốc hội vừa thông qua... nhưng thực tế không dễ!

Tại Hải Phòng từng có chính sách hỗ trợ 100% lãi suất cho ngư dân vay tiền đóng mới và cải hoán tàu cá. Sau 4 năm triển khai chính sách này dư nợ chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng! Lý do nào Hải Phòng không giải ngân được và làm thế nào để tới đây ngư dân tiếp cận được vốn vay trong gói 16 ngàn tỷ đồng nói trên sử dụng hiệu quả là nội dung loạt bài viết này đề cập đến.

Thủ tục nhiêu khê

Hải Phòng hiện có 3.380 chiếc tàu đánh bắt cá trên biển, trong đó có 2.050 tàu đánh bắt gần bờ. Số tàu có công suất 400CV chỉ 21 chiếc. Điều này cho thấy ngư dân Hải Phòng rất khó đủ tự tin khi vào vùng đánh bắt chung tại biển Đông. Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Xuân – Chi cục phó Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng.

Khát khao vươn ra biển

Ông Xuân cho rằng, một thực tế không nói ra thì ai cũng biết đó là muốn vươn ra biển lớn, muốn bám được biển dài ngày phải có tàu to, ngư lưới cụ hiện đại. “Ngư dân có đủ kinh nghiệm để đánh bắt xa, có khát khao vươn ra biển làm ăn lớn nhưng họ lại thiếu đủ thứ. Mà cái thiếu lớn nhất chính là tiền đóng tàu” – ông Xuân chia sẻ.

Hải Phòng là thành phố công nghiệp, giàu có, tôi e rằng, lý do ông đưa ra chưa thỏa đáng cho lắm? – PV nêu câu hỏi. Ông Xuân cười xòa và bảo, trước năm 1975 ở Hải Phòng đã có tàu vỏ thép. Khi chưa địa phương nào có tàu vỏ thép thì ở đây đã có hàng trăm tàu với công suất 400CV.

Rồi đến khi triển khai quyết định 393 của Chính phủ năm 1998, Hải Phòng cũng là địa phương tiên phong trong chiến lược đánh bắt xa bờ. Vậy mà mới đó thôi mọi thứ đã nhanh chóng chìm trong dĩ vãng, để lại nhiều nỗi ngậm ngùi…

Cũng theo ông Xuân, chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn, chính sách ưu việt nhưng không hiểu sao ngư dân vẫn không được hưởng những quyền lợi xác đáng đó. Chẳng hạn, năm 2010, HĐND TP Hải Phòng có Nghị quyết 14 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản trong đó khẳng định: Hỗ trợ 100% lãi suất cho ngư dân vay 400 triệu đồng đóng tàu mới và 250 triệu đồng cải hoán tàu trong thời hạn 36 tháng.

Ngay sau đó, UBND TP có Quyết định thực thi NQ của HĐND và liên ngành NN-PTNT, Tài chính, KH-ĐT có hướng dẫn với quyết tâm tạo mọi điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất cho ngư dân tiếp cận vốn vay gói ưu đãi này.

“Tôi khẳng định, nếu thực hiện được chính sách trên thì đến nay có hàng trăm con tàu được đóng mới và cải hoán với tổng dư nợ sẽ là hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng cho đến thời điểm này, số tàu đóng mới không quá 5 chiếc và dư nợ chỉ dừng lại chưa đầy 2 tỷ đồng” – ông Xuân chát chúa.

Điều kiện vay khắt khe

Để cắt nghĩa những điều ông Xuân nói, chúng tôi tìm đến địa phương được mệnh danh là trọng điểm đánh cá khu vực miền Bắc. Đó là xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Trong tổng số sản lượng đánh bắt hàng năm của Hải Phòng khoảng 52 ngàn tấn thì Lập Lễ đóng góp hơn 40 ngàn tấn. Số lượng tàu cá cũng đáng kể với 675 chiếc. Chỉ có điều số tàu có công suất 400 CV lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đúng như lời ông Xuân, khi tiếp xúc với nhiều ngư dân, chúng tôi đều nhận được những lời than vãn của họ. Có không ít ngư dân ngậm ngùi mỗi lần làm hồ sơ xin vay vốn. Họ đã khóc ròng mỗi khi ra khơi nhìn tàu cá người ta thì to với những bộ lưới lớn quét sạch cá ngay trong ngư trường của mình.

Thời gian đầu triển khai quyết định của TP, xã Lập Lễ gửi danh sách 19 hộ đề nghị được vay vốn gói hỗ trợ 100% lãi suất. Sau 4 năm chỉ có duy nhất hộ Lê Văn Phinh ở thôn Bảo Kiếm được vay 400 triệu đồng. “18 hộ còn lại đành chào nhà nước, chào ngân hàng thôi. Số hộ này đành chạy vạy vay lãi suất cao ở bên ngoài để đầu tư đóng mới, cải hoán” – Chủ tịch UBND xã Lập Lễ Vũ Văn Nghía chia sẻ.

Lý do ngư dân không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, theo ông Nghía là do các điều kiện của ngân hàng đặt ra quá khắt khe. Ngân hàng yêu cầu nhiều thủ tục giấy tờ rườm rà.

Chẳng hạn, muốn vay được gói ưu đãi lãi suất thì phải trả hết số nợ (nếu có) còn trong ngân hàng và phải có hóa đơn đối với các thiết bị đầu tư trên con tàu. Về điều này, cả ông Nghía và ông Xuân đều cho rằng, lẽ ra ngân hàng không nên bắt người dân phải trả hết số nợ (nếu có) còn trong ngân hàng vì đây là gói vay khác. “Đòi hỏi hóa đơn đỏ đối với ngư dân là điều không đáng có” – ông Nghía bày tỏ.

Ông Nghía cho rằng, chủ trương đúng đắn, chính sách ưu việt nhưng cán bộ ngân hàng cần bám sát với thực tế ở cơ sở để chia sẻ với ngư dân. Ở Lập Lễ có 4 cơ sở đóng tàu nhưng đều là kinh tế hộ gia đình. Các cơ sở đó được hình thành từ kinh nghiệm đi biển của ngư dân, từ truyền thống cha truyền con nối.

Các cơ sở này không phải là doanh nghiệp thì việc đòi hỏi hóa đơn với họ là không nên. Thứ nữa là việc mua máy, phần nhiều ngư dân mua trôi nổi trên thị trường hoặc mua lại của chủ tàu khác thì việc hỏi hóa đơn đối với những thiết bị này cũng không cần thiết.

Ngư dân than vãn

Tính đến 31/5/2014, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh Agribank Hải Phòng là 9.200 tỷ đồng và dư nợ là 6.500 tỷ đồng. Tại Chi nhánh Agribank Ngũ Lão huyện Thủy Nguyên lượng vốn huy động được 315 tỷ đồng và dư nợ là 165 tỷ đồng. Có thể thấy nguồn vốn trong ngân hàng ở đây khá dồi dào...

Ông Vũ Văn Cự - Trưởng liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu (xã Lập Lễ) bức xúc nói: “Cán bộ ngân hàng hoạnh họe ngư dân nhiều lắm. Gói vay hỗ trợ lãi suất thực ra chỉ cho vay tối đa một con tàu đóng mới là 400 triệu đồng trong khi thực tế chi phí hoàn thiện con tàu 4 – 5 tỷ, thậm chí là 10 tỷ đồng. Vậy mà ngư dân liên tục chịu sự hoạnh họe của cán bộ tín dụng, làm mất thời gian và tốn kém”.

Cũng theo ông Cự, việc định giá tài sản thế chấp của ngân hàng đối với khối tài sản của ngư dân là vấn đề cần phải xem xét lại. “Không ít hộ gia đình nhà ở mặt đường, đất rộng, nhà 3 tầng kiên cố trị giá trên 1,6 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ định giá được 600 triệu và cho vay 400 triệu đồng. Định giá như thế thì ngư dân thiệt thòi quá” – ông Cự nói.

Điều này được ngư dân Đinh Văn Thức ở thôn Lạch Sẽ xác nhận với chúng tôi rằng, phía ngân hàng thủ tục còn nhiêu khê lắm. Ông Thức vẫn không hiểu vì sao mình không thuộc diện vay gói ưu đãi. Trước yêu cầu ra khơi, ông quyết định gom góp, vay mượn để đóng mới con tàu. Ông cho biết, từ lúc làm hồ sơ đến khi được lấy tiền mất hơn 3 tháng trời. Số tiền ông vay được là 400 triệu với lãi suất 12%/năm.

“Nếu không đóng mới con tàu 250CV này chắc tôi chẳng bao giờ làm khách hàng của ngân hàng mà ngân hàng sẽ là khách hàng của tôi. Vì trước đó đã nhiều năm liền tôi luôn gửi tiết kiệm ở ngân hàng số tiền trên 300 triệu đồng” – ông Thức chia sẻ.

Lý do gì khiến việc giải ngân vốn cho ông lại chậm? – PV hỏi. Ông Thức cho hay: “Đầu tiên là thủ tục cho vay. Khi tôi làm hồ sơ thì cán bộ tín dụng bảo năm nay tôi 61 tuổi, hết tuổi lao động rồi nên sẽ không được vay. Tôi về làm hồ sơ mang tên con trai.

Trình lên ngân hàng thì cán bộ tín dụng bảo, con trai tôi không có tài sản để đảm bảo vốn vay và sợ sẽ khó thu hồi nợ nên lại chuyển sang cho tôi. Thế là thủ tục vay vốn thay đổi đến 3 lần. Bi hài nhất là cái giấy chấp thuận đóng tàu do Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng cấp mà cán bộ tín dụng ngân hàng cũng hoạnh tôi hết khổ”.

Theo ông Thức, hôm trình hồ sơ, cán bộ tín dụng không chấp nhận văn bản của Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với lý do chữ ký trong văn bản là phô tô mặc dù con dấu đỏ. “Cán bộ tín dụng nói đó là chữ ký giả, đề nghị tôi đi xin lại giấy này để có chữ ký tươi, mực xanh.

Thực ra, bản gốc chữ ký tươi phía văn thư Chi cục họ lưu lại, họ phát hành bản phô tô sau đó mới đóng dấu để tôi lưu. Văn bản này nó như một cái giấy khai sinh của con tàu. Để được vay tiền, tôi đành lọ mọ 20km lên TP xin cho được văn bản có chữ ký mực tươi này” – ông Thức cho biết.


Related news

Chị Mạch Thị Trường Xuân Làm Giàu Nhờ Nuôi Bò Sữa Chị Mạch Thị Trường Xuân Làm Giàu Nhờ Nuôi Bò Sữa

Năm 2007, sau khi dự lớp tập huấn chăn nuôi bò sữa do Hội Nông dân xã tổ chức và tham quan các trại nuôi bò ở TP. Hồ Chí Minh, chị Mạch Thị Trường Xuân (ngụ ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định chuyển hướng từ nuôi heo, bò thịt sang nuôi 5 con bò sữa.

Wednesday. January 14th, 2015
Kiểm Tra Việc Phòng Chống Đói, Rét Cho Vật Nuôi Kiểm Tra Việc Phòng Chống Đói, Rét Cho Vật Nuôi

Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn và kỹ thuật phòng chống rét cho gia súc. Đặc biệt, sở NN&PTNT phối hợp với các đoàn thể kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho trâu bò đến từng thôn bản và hộ gia đình.

Wednesday. January 14th, 2015
Sữa Tươi “Ế” Vì Liên Kết Lỏng Lẻo Sữa Tươi “Ế” Vì Liên Kết Lỏng Lẻo

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thảo, thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng có thu nhập chính từ chăn nuôi bò sữa. Hiện tại gia đình ông đang nuôi 4 con bò, cho khai thác 50kg sữa/ngày. Ông Thảo cho biết, thời gian gần đây, trạm thu gom sữa thông báo và cắt giảm sản lượng sữa mua từ các hộ dân. Cứ 2 - 3 ngày, nhà ông Thảo lại bị "cắt" khoảng 7 - 8kg sữa. Số sữa "ế" này, gia đình ông phải quay sang làm sữa chua hay uống tươi, nhưng cũng không sử dụng hết.

Wednesday. January 14th, 2015
Thử Nghiệm Một Số Loại Cây Trồng Mới Thử Nghiệm Một Số Loại Cây Trồng Mới

Thời gian gần đây, tại huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), một số loại cây trồng mới đã được đưa vào trồng thử nghiệm. Hiện cây macca, bơ Booth đang sinh trưởng và phát triển tốt, cây quýt đường cho hiệu quả kinh tế cao.

Wednesday. January 14th, 2015
Thận Trọng Khi Phát Triển Diện Tích Trồng Gừng Thận Trọng Khi Phát Triển Diện Tích Trồng Gừng

Tại huyện Thới Bình (Cà Mau), do giá giảm thấp khiến không ít diện tích mía sau khi thu hoạch đã được chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, trong đó đang chiếm ưu thế là gừng. Sự phát triển diện tích trồng gừng ồ ạt do giá thành tăng cao đang khiến các ngành chức năng không khỏi lo ngại cho tương lai của gừng.

Wednesday. January 14th, 2015