Yên Thế được mùa gấc

Ngay cổng vào nhà ông Hứa Việt Hùng, thôn Trại Hồng Lam, xã Hồng Kỳ là một giàn gấc lớn, quả nào cũng to, nặng chừng 2 - 3,5kg.
Gia đình ông Hùng có gần 1ha vườn, trước đây trồng vải thiều nhưng hiệu quả kinh tế thấp.
Đầu năm 2011, tình cờ ông đến thăm nhà người bạn ở xã bên, được mục sở thị vườn gấc xuất khẩu, ông mê luôn.
Đầu năm sau, ông phá bỏ bớt vải thiều, dành 20 triệu đồng đầu tư trồng gấc và đinh lăng.
Ngay vụ đầu, sản phẩm được Công ty thu mua tại vườn, tiền bán gấc đủ bù số vốn đầu tư ban đầu.
Đến nay, vườn gấc của gia đình ông đã cho quả được bốn vụ.
Ông phấn khởi cho biết, năm ngoái với hơn 10 tấn quả, giá bán bình quân 10 nghìn đồng/kg, thu lãi gần 80 triệu đồng.
Học tập hộ ông Hùng, năm 2013, bà Đinh Thị Cậy, thôn Đền Giếng cũng trồng 0,5 ha gấc.
Hai vụ vừa qua, mỗi vụ bà thu lãi bình quân 40 triệu đồng.
Theo bà Cậy, để gấc cho năng suất cao quan trọng nhất là phải làm giàn chắc chắn.
Bón phân đầy đủ cho từng giai đoạn sinh trưởng theo hướng dẫn, phòng trừ nấm hại quả.
Tại thôn Hồng Lĩnh, xã An Thượng, nửa ha gấc của gia đình ông Nông Văn Hà cho thu hoạch vụ thứ 2, kỹ thuật chăm sóc tốt nên năm nay gấc sai quả, ước khoảng 8 tấn quả tươi.
Được biết, toàn bộ gấc tươi của nông dân các xã đều được Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An có trụ sở tại TP Vinh (Nghệ An) thu mua tại vườn sau đó xuất khẩu sang Mỹ.
Anh Nguyễn Tiến Dương, đại diện Công ty cho biết: “Qua thực tế sản xuất cho thấy, cây gấc phù hợp với đồng đất địa phương.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy sơ chế gấc tươi tại huyện để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình vận chuyển”.
Hiện nay, Công ty tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện khuyến cáo bà con nhân rộng diện tích, liên kết chặt chẽ với nông dân để phát triển thành vùng nguyên liệu sản xuất gấc nhằm mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Nhờ có đầu ra thuận lợi nên gấc là giống cây trồng đang được người dân nơi đây tích cực đưa vào thay thế các loại cây kém hiệu quả.
Được biết, gấc có thời gian cho khai thác quả khoảng 5 - 10 năm, ước tính năng suất từ 10 - 12 tấn quả tươi/ha.
Tháng 11, 12 là quãng thời gian thu hoạch quả.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, đến nay toàn huyện có hơn 70 ha gấc; dự kiến sản lượng khoảng 700 tấn quả tươi.
Related news

Ông Đặng Chiến Thuật sinh năm 1951, quê gốc ở tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1975, đơn vị Cục Hậu cần Quân khu 7, đến năm 1977 tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ông xuất ngũ năm 1981 với thương tật một bên chân (thương binh 4/4).

Với việc mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) đã nỗ lực vươn lên làm giàu và có cuộc sống ổn định.

Với tâm huyết và nỗ lực để đưa sản phẩm rau đảm bảo an toàn đến bàn ăn của người dân tại địa phương, năm 2011, xã Tâm Thắng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút chọn 10 hộ dân chuyên sản xuất rau xanh tại thôn 4 để triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.

Trong những ngày này, về xã Nam Đà, ở các thôn, xóm, sân nhà nào cũng ngập một mùa vàng của lúa. Còn ngoài cánh đồng, không khí ngày mùa càng rộn rã hơn bởi tiếng máy nổ, tiếng guồng quay của máy gặt lúa.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến nay, diện tích nuôi tôm chân trắng đã vượt gần 2.780ha, chiếm hơn 60% cơ cấu nuôi trồng thủy sản.