Giống lúa SV 181 tiềm năng trên mọi vùng đất
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, GĐ Cty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (TCty Nông nghiệp Quảng Bình) đứng bên vạt ruộng lũa trĩu bông cho hay, giống lúa thơm SV 181 do Cty chọn tạo đã được khảo nghiệm rộng, trình diễn tại nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
"Qua nhiều vụ, trên các chân ruộng khác nhau, SV 181 đã thể hiện được các ưu điểm nội trội: Lúa thơm chất lượng, năng suất cao, ngắn ngày, cứng cây và chống chịu sâu bệnh khá.
Giống lúa SV 181 trên vùng đất Điền Hải.
Cty đang tiếp tục để đưa một bộ giống kỹ thuật tốt nhất đến với bà con nông dân để bố trí SX cả hai vụ ĐX và HT”, ông Kỳ chia sẻ.
Xã Điền Hải (huyện Quảng Điền, TT - Huế) là vùng đất không được thuận lợi về canh tác. Theo ông Nguyễn Xuân Lương, cán bộ HTXNN Điền Hải, do đất pha cát nên độ mùn và dinh dưỡng rất thấp. Việc canh tác của bà con gặp nhiều khó khăn.
Hằng năm, dù có công chăm sóc bao nhiêu nữa thì năng suất lúa ở Điền Hải vẫn cứ đì đẹt không qua được con số 50 tạ/ha.
Nghe thông tin có giống lúa thơm SV 181 có nhiều tính năng vượt trội nên ông Lương cất công tìm hiểu. Vụ HT, ông nhận về làm thử trên vạt ruộng gần 3 sào của mình ngay sát con đường nội đồng để tiện việc theo dõi.
Như một cán bộ kỹ thuật, ông Lương mở sổ theo dõi, ghi rõ ngày gieo, ngày lúa trổ, TGST của giống để còn giới thiệu, giải thích cho bà con.
“Vì nghe nói giống lúa ni cơm thơm, dẻo nên tôi làm để ăn và không hề sử dụng thuốc BVTV”, trên đường dẫn chúng tôi ra vạt ruộng, ông Lương cho hay.
Ruộng lúa SV 181 nhà ông Lương nổi bật trên cánh đồng. Bông lúa đã cúi chín vàng nhưng lá cây vẫn xanh và thẳng đứng. Ông Nguyễn Xuân Cẩn, đội trưởng Đội 4, xã Điền Hải lội xuống ruộng nhổ lấy mấy bông rồi chia cho mọi người đếm hạt lúa trên bông.
Chỉ một lúc, ông Cẩn nói lớn: “Bông lúa của tui được 325 hạt, có 20 hạt lép. Rứa là quá tốt rồi”.
Nhìn vạt ruộng, đếm hạt lúa trên bông, mọi người tham gia tham quan mô hình cũng sôi nổi bàn về năng suất. Một lúc để “cân lên đặt xuống”, ông Lương nói như chốt hạ: “Theo kinh nghiệm của nhà nông thì vạt ruộng ni năng suất cũng bén được 65 tạ/ha đó anh em”.
Nhìn sang vạt ruộng bên cạnh gieo cấy giống lúa khác bị chuột phá lổ đổ, ông Lương nói cho mọi người hay: “Cái anh SV 181 ni kháng chịu được sâu bệnh tốt và do cây cứng nên chuột khó kéo bông cuống để cắn. Như vậy là "kháng" được cả chuột nữa chứ chẳng đùa đâu”.
Trở lại trụ sở của HTX, một cuộc hội thảo nhỏ được diễn ra ngay sau buổi thăm đồng. Mọi người đều đánh giá cao về triển vọng tốt của SV 181.
“Vụ HT lúa SV 181 có TGST chỉ 85 ngày, lại cho năng suất cao nên tôi đề nghị các đội trưởng chỉ đạo bà con làm tiếp vụ ĐX với diện tích nhiều hơn để thay thế các loại giống khác", ông Lương nhấn mạnh.
Ngành NN-PTNT Quảng Trị cũng đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách giống lúa thơm SV 181 để có cơ sở bổ sung vào cơ cấu bộ giống SX của tỉnh từ vụ ĐX 2015- 2016.
Cũng trong vụ HT 2015, trên cánh đồng HTXNN Phú Lễ (phường Đông Lễ, TP Đông Hà, Quảng Trị), 60 hộ dân tham gia làm mô hình trình diễn giống SV181 trên diện tích hơn 6 ha.
Theo ông Hà Ngọc Chung, Chủ nhiệm HTXNN Phú Lễ thì qua thực tiễn trên đồng ruộng, SV 181 có những tính năng vượt trội như TGST ngắn ngày (87 ngày), chiều cao cây từ 95 - 105 cm, sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung, bộ lá đứng màu xanh nhạt. Bông to, xếp gié dày, nhiều hạt (160 - 180 hạt chắc/bông), dạng hạt dài bầu, tỷ lệ chắc cao. Năng suất từ 65 - 67 tạ/ha, thích hợp SX 2 vụ ĐX và HT trên nhiều chân đất.
Ngoài ra, SV 181 có khả năng chống đổ ngã tốt thuận tiện cho máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch, chống chịu sâu bệnh khá, chịu được hạn nên bà con rất ưa chuộng.
Trước đó, giống lúa SV 181 đã được Cty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình SX thử nghiệm trên các chân đất thuộc các huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ở mô hình nào, SV 181 cũng cho năng suất cao.
Ông Hồ On ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng tham gia SX 5 sào SV 181 bộc bạch: “Tôi gieo sạ 3,5 kg giống/sào, canh tác bình thường như các giống lúa khác. Sau khi thu hoạch đạt năng suất tính ra hơn 70 tạ/ha, nhiều bà con nông dân trong vùng đến xem và ghi nhận.
Mặt khác, chất lượng gạo tốt, gạo trong ít bạc bụng, cơm mềm, đậm cơm, mùi thơm”.
Ông Trần Thanh Hiền, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị đánh giá: “SV 181 là giống tiến bộ kỹ thuật, đã đáp ứng được tiêu chí SX trên vùng đất Quảng Trị. Sở NN-PTNT chỉ đạo các địa phương mạnh dạn đưa thêm giống lúa này vào cơ cấu SX”.
Cũng theo ông Hiền, Cty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cần chọn lọc giống để đảm bảo độ thuần trên đồng ruộng. Đồng thời quan tâm phối hợp với ngành NN-PTNT Quảng Trị, chính quyền các cấp và các HTX trên địa bàn để SX theo hướng thông qua hợp đồng liên kết và tiêu thụ; đặc biệt là hình thức ứng giống, phân bón đầu vụ, bao tiêu sản phẩm cuối vụ theo giá thỏa thuận.
Related news
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại nông sản khác, bắp lai vẫn “lận đận” trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Dẫu rằng, nhu cầu tiêu thụ bắp lai của thị trường trong nước rất lớn nhưng giá bắp nông dân bán tại ruộng thì lại rất “bèo” khi vào thu hoạch.
Yêu cầu của mô hình là khu vực chăn nuôi phải xa khu dân cư, xa nguồn nước, cách nhà tối thiểu 20m, nông dân tham gia phải thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ quy trình tiêm phòng các loại bệnh theo hướng dẫn của thú y, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 7 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1.644 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ước khai thác biển đạt 1.542 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Nhiều năm qua, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến vị ngọt đặc trưng của trái quýt đường tại vùng đất Hậu Giang, mà điển hình là thương hiệu quýt đường Long Trị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do một vài nguyên nhân khách quan và việc thay đổi tập quán canh tác nên vô tình người dân đang đánh mất dần vị ngọt vốn có của quýt đường.
Theo Chi cục NTTS tỉnh, nhờ tập trung công tác chỉ đạo mùa vụ nuôi các đối tượng thủy sản hợp lý, qua hơn 6 tháng đầu năm đã cho thấy kết quả đạt được rất khả quan. Hầu hết các đối tượng nuôi nước ngọt, nước mặn và hải đặc sản đều sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất thu hoạch cao, trong đó nổi bật là nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống.