Khôi phục vị thế cây đậu nành
Đây là cơ sở để huyện nỗ lực khôi phục lại “vị thế” cây đậu nành trên địa bàn.
Từ nhiều năm nay, cây đậu nành được người dân các xã ở huyện Chư Jút và huyện Đắk Mil đưa vào trồng khá phổ biến.
Tuy nhiên, năm 2015, diện tích gieo trồng đậu nành ở các vùng này chỉ đạt hơn 4.340 ha, giảm so với năm 2013 trên 3.000 ha.
Năng suất cũng chỉ đạt từ 2 - 2,3 tấn/ha, giảm từ 0,1 - 0,2 tấn/ha so với những năm trước.
Nguyên nhân dẫn đến năng suất của cây đậu nành giảm dần theo từng vụ chủ yếu do các nguồn giống bị thoái hóa.
Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh, hạn hán khiến cây đậu nành không cạnh tranh được với các loại cây trồng khác, mất dần chỗ đứng trong cơ cấu cây trồng tại các địa phương.
Nâng cao chất lượng giống là biện pháp góp phần khôi phục “vị thế” của cây đậu nành trên đồng đất Chư Jút
Thay đổi căn bản về khâu giống
Để giúp người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, giữ ổn định diện tích sản xuất, thời gian qua, huyện Chư Jút đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Hà Nội, Công ty Sữa đậu nành Vinasoy xây dựng các mô hình trồng thâm canh giống đậu nành DT 2008, DT26 trên địa bàn các xã Ea Pô, Đắk D’rông, Nam Dong… đạt năng suất cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đặc biệt, chỉ trong 2 năm 2014 - 2015, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) đã nghiên cứu và chọn thuần thành công giống đậu nành hoa trắng địa phương với tên gọi mới là giống đậu nành Hoa trắng Chư Jút; đồng thời, đưa vào sản xuất đại trà trong vụ thu đông năm 2015.
Bên cạnh việc chuyển giao các giống đậu nành mới, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, xây dựng hàng chục mô hình khảo nghiệm về giống đậu nành, giúp nông dân từng bước thay dần các giống bị thoái hóa, năng suất kém.
Gia đình ông Nguyễn Văn Giới ở thôn 17, xã Đắk D’rông vụ thu đông năm nay trồng hơn 1 ha đậu nành.
Theo ông Giới thì trước đây, gia đình thường sử dụng giống đậu nành hoa trắng của địa phương để gieo trồng vì có ưu điểm nổi trội là thơm ngon, hạt vàng bóng, được thị trường ưa chuộng.
Nhưng do sử dụng giống của vụ này cho vụ sau nhiều năm nên năng suất kém, dễ bị sâu bệnh tấn công.
Sau đó, ông chuyển sang sử dụng các giống DT2008, DT26 do cơ quan chuyên môn huyện hướng dẫn nhưng năng suất cũng chỉ đạt 2,3 tấn/ha.
Trong vụ thu đông này, ông được VSAC cấp 20kg giống đậu nành Hoa trắng Chư Jút để gieo trỉa.
Sau khi thay đổi giống cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật, năng suất đã tăng gần 20% so với giống cũ.
Chất lượng hạt đậu nành thành phẩm cũng tốt hơn, nên giá thu mua đậu nành tăng từ 12.000 lên 14.000 đồng/kg.
Gia đình bà Trần Thị Lụa ở thôn Tân Ninh, xã Nam Dong, vụ thu đông này cũng canh tác gần 1 ha đậu nành giống mới và mang lại kết quả khả quan.
Bà Lụa cho hay, với 1 ha đậu nành giống Hoa trắng Chư Jút, gia đình có thu nhập trên 25 triệu đồng, so với trồng ngô thì cao hơn trên 7 triệu đồng/ha.
Hơn nữa, khi tham gia liên kết với doanh nghiệp, bà cũng yên tâm hơn vì không phải lo đầu ra bấp bênh nữa.
Do đó năm tới, gia đình bà và nhiều hộ dự kiến sẽ tiếp tục đăng ký với Công ty Sữa đậu nành Vinasoy để nhận giống về sản xuất.
Hướng đến sản xuất thâm canh, cơ giới hóa
Từ những trăn trở tạo ra giống đậu nành có năng suất cao hơn cho nông dân, với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Hoa Kỳ, VSAC quyết tâm chọn thuần đậu nành với quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế và quyết định phát triển bền vững vùng nguyên liệu tại tỉnh Đắk Nông.
Theo ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc VSAC thì hiện nay, Trung tâm đang tiến hành nghiên cứu các biện pháp sản xuất đậu nành theo mô hình xen canh, thâm canh, bằng các phương tiện cơ giới hiện đại từ khâu làm đất, gieo trỉa cho đến thu hoạch.
Trong đó, mô hình phù hợp nhất cho Đắk Nông là trồng xen canh cây đậu nành với cây ngô.
Bởi, hiện nay cây ngô đang là cây trồng phổ biến và có diện tích lớn tại các vùng nguyên liệu đậu nành của tỉnh.
Qua kết quả ở một số địa phương mà VSAC triển khai, cho thấy, mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với trình độ canh tác của địa phương.
Việc trồng ngô xen đậu nành tranh thủ được mùa vụ, giúp tăng giá trị thu nhập trên cùng một diện tích đất, giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm được đầu tư cho sản xuất nên hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường đều cao hơn.
Ông Hải khẳng định: “Mô hình xen canh này thật sự là cuộc “hôn phối” kỳ diệu giữa cây đậu nành và cây ngô.
Nó mang lại lợi ích về nhiều mặt nên cần phải chuyển giao kịp thời cho nông dân”.
Giải quyết được khâu giống là thành tựu bước đầu, nhưng để áp dụng cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng là vấn đề băn khoăn của địa phương, doanh nghiệp và nhà khoa học.
Các chuyên gia của VSAC đã nêu giải pháp là cần phải lai tạo ra các giống đậu nành đặc chủng, đáp ứng được quá trình cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, các hộ nông dân trồng đậu nành cần phải liên kết thành nhóm đồng sở thích, tổ hợp tác tạo ra quỹ đất đủ lớn để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa.
Đồng thời, nông dân cũng cần tính đến việc liên kết với doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng kỹ thuật về canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản… giúp cho sản phẩm được đảm bảo chất lượng.
Related news
Trước đây, nông dân thu hoạch lúa phải thuê nhân công cắt tay, gom - tuốt lúa và phải chuẩn bị phương tiện vận chuyển đường thủy mang về nhà. Lại phải phơi khô lúa rồi đón ghe bán. Thời nay, đã có máy gặt đập liên hợp, thương lái đến tận đồng thu mua lúa tươi. Vì vậy, thu hoạch xong, nông dân chỉ việc chờ cân lúa và… đếm tiền.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang triển khai trồng mới, trồng lại chè. Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng mới, trồng lại 1.600 ha chè, trong đó 1.500 ha được hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); 100 ha được tỉnh hỗ trợ kinh phí.
Vụ hè thu này toàn tỉnh Trà Vinh có gần 800 ha trồng khoai lang tím nhật, tập trung chủ yếu ở Duyên Hải, Cầu Ngang và huyện Trà Cú, đến nay thu hoạch được gần 80% diện tích, số còn lại đã quá ngày thu hoạch nhưng vẫn không tìm được người mua.
Mô hình được thực hiện với diện tích 1ha trên chân đất vàn, tầng canh tác dày tại xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải. Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình chịu tránh nhiệm tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân, với hình thức gieo mạ non trên nền đất cứng.
Thời gian qua, nhiều hộ dân trên tuyến bờ bao thuộc ấp 12, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) tận dụng diện tích bờ bao lâm phần để trồng khoai môn. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích khoai môn của người dân đều phát triển tốt. Hiện bà con đang bước vào vụ thu hoạch, trúng mùa nên ai nấy đều phấn khởi.