Giống Dâu Lai F1- VH15 Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Nhờ trồng giống dâu F1- VH15, gần 4 năm trở lại đây, năng suất thu hái lá dâu của gia đình ông Vũ Hữu Định ở Vũ Thư, Thái Bình đã tăng lên gấp đôi.
Ông Định cho biết: “Như cái giống dâu VH15 này, nếu mà như người dân chúng tôi nuôi tằm ấy thì một buổi sáng thì chúng tôi hái được 50-60 kg. Còn giống dâu cũ chắc chắn phải hái một ngày thì mới được mức độ như thế. Vì giống dâu mới này cho lá to, dễ hái. Nó dầy lá thì lượng cân nó lại dôi lên, mình hái nó cũng nhanh.”
Giống dâu F1- VH15 do trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Việt Hùng chọn tạo. Đây là giống được tạo ra từ phép lai giữa giống mẹ K10 lưỡng bội và giống đột biến ĐB86 tứ bội. Do vậy, con lai VH15 mang nhiều ưu điểm vượt trội. Cây sinh trưởng khỏe, cành nhiều, lá to, dày, màu xanh đậm, khả năng giữ nước tốt, tươi lâu.
Trồng giống dâu lai VH15, mỗi người trồng có thể thu được từ 25 – 30 tấn lá/ ha, cao hơn từ 10-15 tấn so với các giống dâu địa phương. Hơn nữa, nhờ hàm lượng protein trong lá rất cao, đạt tới 22-25%, do đó, khi nuôi tằm bằng giống dâu này, thời gian chín của tằm được rút ngắn. Hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi tằm vì thế cũng được được tăng lên.
Ông Định chia sẻ: “Trước kia con tằm ăn 7 ngày nó mới chín, nhưng mà ăn cái giống dâu mới này 6 ngày là nó chín. Và năng suất kén của nó đạt tỷ lệ tăng từ 15 – 20% so với cái giống dâu cũ. Ngoài ra, nếu trồng giống dâu trước thì gia đình chúng tôi có 5-6 sào dâu thì một lứa mình chỉ nuôi được 2 vòng tằm, nhưng mà nếu mình trồng giống dâu VH15, mình nuôi được 4 vòng tằm, tức là mình nuôi được gấp đôi, gần gấp đôi.”
Lá dâu VH15 không chỉ to mà còn dầy, hàm lượng nước tích lũy cao. Do vậy, thời gian bảo quản được lâu hơn so với các giống địa phương thông thường. Tuy nhiên, trong nuôi tằm con, đặc điểm lá dầy lại là nhược nhược điểm. Bởi tằm con không thích hợp ăn lá dầy và cứng. Cùng với đó, dâu lai VH15 trồng bằng hạt phải trải qua giai đoạn vườn ươm.
Ngoài những ưu điểm vượt trội về lá, giống dâu này còn có rễ ăn rất sâu, có thể đến 4-5 m. Nhờ đó, so với những giống dâu trồng bằng hom, VH15 có thể trồng trên nhiều điều kiện sinh thái, đất đai khác nhau. Đặc biệt, VH15 rất thích nghi với đất vùng đất đồi, đất bãi ven sông các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ông Vũ Đức Ban, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Việt Hùng đánh giá về hiệu quả của giống dâu lai F1- VH15: “Thứ nhất, năng suất lá cao do huy động được nhiều dinh dưỡng, thức ăn trong đất; thứ hai là do bộ rễ ăn sâu cho nên, khả năng chống chịu các sâu bệnh hại như bệnh nấm, bệnh vi khuẩn, bệnh virus cũng tốt hơn so với trồng bằng hom. Thứ ba nữa, dâu lai trồng bằng hạt có ưu điểm là tuổi thọ của nó tăng gấp rưỡi đến gấp hai lần so với trồng bằng hom do có ưu thế về bộ rễ cọc.”
Đến nay, ở các tỉnh miền núi phía bắc diện tích trồng dâu lai VH15 đã chiếm trên 100ha. Tập trung ở các tỉnh như Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình...với diện tích khoảng 50ha. Và diện tích này đang ngày càng được mở rộng hơn nữa.
VH15 là giống dâu trồng bằng hạt, có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, thời vụ trồng tốt nhất là từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mật độ trồng thích hợp 5-6 vạn cây/ha. Lượng phân bón cho 1 ha một năm tốt nhất là từ 20-25 tấn phân hữu cơ, 2000-2500 kg phân NPK 16.5-7-7.5.
Khi thực hiện đúng và đầy đủ quy trình trồng trọt này, người trồng có thể phát huy cao nhất năng suất của giống.
Related news
Đây là các giống rau chất lượng cao được các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả nghiên cứu, chọn tạo trong chương trình "Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng nông lâm nghiệp và giống vật nuôi giai đoạn 2001-2005" do Bộ NN-PTNT điều hành
Trên cơ sở đạt được từ việc lai tạo thành công giống lợn rừng 1/2 máu lai giữa đực rừng thuần Thái Lan và nái Móng Cái, Cty CP Giống chăn nuôi Thái Bình tiếp tục lai tạo thành công giống lợn lai F2 mang 3/4 máu lợn rừng.
Giống lúa OM 6976 đưa vào SX tại xã Đại Quang tỏ ra thích nghi, sinh trưởng phát triển khá tốt.
Giống KM98-1 được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận năm 1999 cho các vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Hai giống bắp nếp lai HN88 và HN90 lần đầu tiên khảo nghiệm, được khẳng định đã “bén duyên” trên đất Huế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế của người dân.