Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giàu Lên Từ Chăn Nuôi Lợn Thịt

Giàu Lên Từ Chăn Nuôi Lợn Thịt
Publish date: Monday. October 6th, 2014

Thời gian gần đây, khu dân cư ở thôn Phong Lôi Đông (xã Đông Hợp, Đông Hưng, Thái Bình) có nhiều ngôi nhà cao tầng mới mọc lên. Chủ của những dinh cơ này đều là những người nông dân chân lấm, tay bùn nhưng dám nghĩ dám làm, vươn lên phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi lợn thịt thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhiều năm trước, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn rất khó khăn. Những người đàn ông trụ cột trong gia đình thường đi làm ăn xa mong có cơ hội đổi đời; vợ con của họ ở nhà quanh quẩn với mấy sào ruộng cũng chỉ đủ trang trải cơm ăn áo mặc nên kinh tế chẳng mấy khấm khá.

Nhưng cũng chính nhờ đi nhiều mà họ thấy được bà con địa phương khác phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi lợn thịt cho hiệu quả cao. Ấp ủ ước mơ làm giàu, trở về quê hương họ bắt đầu học hỏi, huy động vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống về chăn nuôi.

Lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài, cứ thế trang trại, gia trại chăn nuôi của các hộ gia đình ngày càng phát triển và cho thu lãi. Giờ đây cuộc sống của những người nông dân trong thôn không chỉ no đủ mà còn có của ăn của để, có điều kiện kiến thiết nhà cửa, chăm lo cho con cái học hành.

Đến thăm gia đình anh Phạm Văn Dương và chị Đỗ Thị Nhài (hội viên Chi hội nông dân thôn Phong Lôi Đông) tôi có dịp ngắm ngôi nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi. Đến giờ anh Dương vẫn không dám nghĩ có ngày mình lại gây dựng được cơ ngơi như thế. Anh kể: Trước đây cả gia đình sống trong căn nhà cấp 4, cuộc sống khó khăn.

Anh đi làm công nhân xây dựng nên thường xa nhà. Theo những công trình, anh được đi nhiều nơi và có cơ hội học hỏi các mô hình chăn nuôi lợn thịt hiệu quả. Năm 2004, anh quyết tâm về địa phương, đầu tư vốn (tự có và vay ngân hàng) 50 triệu đồng chăn nuôi lợn thịt theo hướng gia trại, đồng thời nấu rượu để tận dụng bã rượu làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi.

Thời gian đầu vốn ít, anh chỉ nuôi từ 30 - 40 con, sau có lãi, anh tiếp tục mở rộng chuồng trại chăn nuôi với số lượng lớn hơn. Hiện nay, gia trại của anh thường xuyên nuôi khoảng 150 con, mỗi năm xuất ra thị trường 3 lứa với trên 20 tấn thịt lợn thương phẩm, trừ chi phí còn thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Anh Dương chia sẻ: Để chủ động các khâu trong chăn nuôi và tránh thiệt hại, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi - thú y do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức, đồng thời tham quan, học hỏi kiến thức từ nhiều trang trại khác.

Gia đình anh là hộ đầu tiên trong thôn phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn. Thấy được hiệu quả, nhiều hộ nông dân khác học hỏi và làm theo, anh Dương không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con cách phòng và chữa bệnh cho đàn gia súc.

Là Trưởng Ban thú y xã Đông Hợp, đầu năm 2013, anh Nguyễn Trọng Tuấn (thôn Phong Lôi Đông) mạnh dạn vay vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt với diện tích 2.500 m2.

Phát huy kiến thức về chăn nuôi, thú y, anh thường xuyên phun hóa chất vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng định kỳ, xây dựng phác đồ điều trị một số bệnh thường gặp cho đàn gia súc, chính vì vậy đàn lợn của gia đình anh luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.

Anh Tuấn cho biết: Tuy gia trại chỉ mới phát triển nhưng trừ các chi phí đã bắt đầu cho thu lãi. Hiện gia trại nuôi 130 con lợn thịt, với giá cả như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa tôi sẽ thu hồi được vốn đầu tư. Định hướng trong thời gian tới, anh Tuấn tiếp tục cải tạo khu chuyển đổi, đào ao kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế theo mô hình VAC.

Cũng nuôi ước mơ làm giàu như anh Tuấn, năm 2012, gia đình anh Đỗ Đức Chuẩn và chị Phạm Thị Huế (hội viên Chi hội nông dân thôn Phong Lôi Đông) đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng gia trại rộng 1.500m2 chăn nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản. Hiện trong chuồng nuôi 45 con lợn thịt, 26 lợn nái sinh sản.

Thời gian qua, gia trại không chỉ tự cung cấp con giống trong chăn nuôi mà còn phục vụ nhu cầu về con giống cho bà con một số địa phương khác. Hiện tại anh Chuẩn đang chú trọng học hỏi kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại để tránh những rủi ro.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hợp cho biết: Thôn Phong Lôi Đông có gần 10 hộ chăn nuôi lợn thịt. Nhìn chung, các trang trại, gia trại được đầu tư những thiết bị hiện đại, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên người nông dân vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi, mong muốn hội nông dân các cấp đẩy mạnh hỗ trợ góp phần để chăn nuôi phát triển bền vững.


Related news

Mô Hình Nuôi Đa Canh, Đa Con Kết Hợp Khép Kín Mô Hình Nuôi Đa Canh, Đa Con Kết Hợp Khép Kín

Vào những ngày này, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Văn Quýt cư ngụ ở ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Ông là người thành công với mô hình nuôi đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 03 ha

Wednesday. November 2nd, 2011
Phục Hồi Rừng Ngập Mặn Ven Biển Phục Hồi Rừng Ngập Mặn Ven Biển

Theo Dự án Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn (RNM) ven biển giai đoạn 2011 - 2015 của Sở NNPTNT Khánh Hoà thì toàn tỉnh sẽ trồng mới 600ha RNM, nâng tổng diện tích RNM tập trung lên 625ha.

Friday. June 15th, 2012
Mùa Vải Bình Khê: Mất Mùa + Đổi Tên = Được Giá Mùa Vải Bình Khê: Mất Mùa + Đổi Tên = Được Giá

Xã Bình Khê vốn là vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất của huyện Đông Triều, riêng diện tích trồng vải của xã là 500 ha. Những năm được mùa vải như năm 2011, sản lượng đạt khoảng 5.000 - 6.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch càng lớn thì nỗi lo “được mùa - mất giá” lại càng nhiều. Giá bán vải quá thấp chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg

Saturday. June 23rd, 2012
Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Ở Đại Đức (Hải Dương) Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Ở Đại Đức (Hải Dương)

Mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả ở Đại Đức (Hải Dương) đem lại hiệu quả kinh tế khá, đời sống người dân được cải thiện...

Friday. June 15th, 2012
Cá Tra Đi Vào Nhu Cầu Của Thị Trường Cá Tra Đi Vào Nhu Cầu Của Thị Trường

Giá cá tra ở ĐBSCL sau ba tháng giảm, một tháng cầm cự, từ đầu tháng 10/2011 tiếp tục tăng mạnh lên 27.000 đồng/kg cá loại 1 và các nhà máy chế biến xuất khẩu lại trở nên sôi động

Friday. November 4th, 2011