Giảm 100.000ha lúa trong năm nay
Nếu như các năm 2014, 2015 được coi là giai đoạn khởi động cho việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì năm 2016 được coi là giai đoạn tăng tốc để thực hiện triệt để đề án này cho cả giai đoạn 2016-2020.
Giảm lúa, tăng ngô
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Cụ thể, ngay trong năm 2016, dự kiến sẽ giảm khoảng 100.000ha diện tích gieo trồng lúa để chuyển sang trồng một số cây hàng năm khác, chủ yếu là ngô, cây thức ăn chăn nuôi. Duy trì tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm khoảng 7,6 – 7,7 triệu ha với năng suất bình quân 57,8 tạ/ha, sản lượng đạt 44,5 triệu tấn. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và Đề án xây dựng thương hiệu gạo, chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa ở khu vực ĐBSCL…
Song song với việc giảm diện tích lúa, sẽ tiến hành mở rộng diện tích ngô lên 1,22 triệu ha, tăng 20.000ha so với năm 2015. Đối với các cây công nghiệp dài ngày, tiếp tục thực hiện trồng tái canh 11.500ha, ghép cải tạo 4.000ha cà phê già cỗi, năng suất thấp. Đối với cây cao su, trong năm 2016 tuyệt đối không tiến hành trồng mới.
Riêng về rau màu và cây ăn quả- các loại nông sản được cho là đã thắng lợi trong xuất khẩu năm 2015, dự kiến diện tích rau, đậu các loại đạt 1,08 triệu ha; sản lượng rau các loại 15,8 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2015.
Ưu tiên phát triển gà lông màu, lợn lai
Đối với ngành chăn nuôi, Bộ NNPTNT đã đưa ra quan điểm phát triển, đó là từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao đến nơi có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư.
Ưu tiên phát triển chăn nuôi gà lông màu và lợn lai. Đến năm 2020, đưa tỷ lệ đàn gà lông màu đạt trên 60% trong cơ cấu đàn gà, tỷ lệ lợn ngoại và lợn lai chiếm trên 75% trong cơ cấu đàn lợn.
Đánh giá về việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ông Phạm Văn Sáu- Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho rằng, ngành nông nghiệp cần quyết liệt áp dụng khoa học công nghệ thích ứng bối cảnh mới. Đặc biệt, phát triển các ngành có lợi thế so sánh, rà soát lại các ngành hàng có lợi thế quốc gia như gạo, tôm, cá tra, cây công nghiệp từ đó đầu tư tập trung, cải tiến tổ chức sản xuất; đổi mới thể chế theo hướng kinh tế hợp tác, cải cách tăng cường vai trò của hội nông dân, tiếp đó nhà nước tập trung quản lý chính sách, xem doanh nghiệp là đối tác khách hàng của các cơ quan dịch vụ công.
Ông Sáu cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện này cần tập trung thu hút đầu tư vào cho nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, có các biện pháp phòng chống rủi ro tranh chấp thương mại, xây dựng và chủ động có các giải pháp giảm thiểu tranh chấp, nhất là trong bối cảnh nước ta đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo báo cáo tổng kết năm 2015 của Bộ NNPTNT, trong năm qua, các địa phương đã chuyển đổi khoảng 34.600ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức chuyển đổi này vẫn còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng của ngành nông nghiệp. Cụ thể, diện tích ngô cả nước trong năm 2015 chỉ tăng 300ha, đạt gần 1,18 triệu ha, năng suất đạt 44,8 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đỗ tương chỉ đạt 146.400 tấn (giảm 10.100 tấn- khoảng 6,5%), sản lượng lạc cũng đạt 451.800 tấn (giảm 1.500 tấn-khoảng 0,3%).
Related news
Chợ hoa là một phần không thể thiếu trong dịp Tết. Thời gian chỉ còn chưa đến một tháng nữa, các hộ gia đình trồng cây cảnh đang khẩn trương chuẩn bị, chăm sóc sao cho các cây cảnh kịp ra hoa đúng Tết năm nay.
“Đến thời điểm này, chúng ta cũng cần lật lại câu chuyện đưa cao su ra trồng ở miền núi phía Bắc để cùng tổng kết lại, rút ra bài học kinh nghiệm về cây cao su nói riêng, vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch nói chung” – ông Nguyễn Văn Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết như vậy trong buổi trao đổi với PV về loạt bài Vỡ mộng với “vàng trắng” mà Dân Việt đã có loạt bài phản ánh.
Có dịp trở lại quê hương của 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn, TP.HCM), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này, với những con đường mới rộng thênh thang, những mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân...