Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải nguy cho nhiều nông sản xuất khẩu

Giải nguy cho nhiều nông sản xuất khẩu
Publish date: Wednesday. June 10th, 2015

* Hàng loạt giải pháp mạnh tay chấn chỉnh chất lượng nông sản

Năm 2014, trong khi thủy sản lần đầu tiên đạt kim ngạch XK 7,9 tỉ USD, giữ vững vị thế “ông trùm” trong các sản phẩm nông nghiệp XK, thì rau quả cũng bứt phá thành thế lực mới.

Để có những thành tích ấn tượng đó, hàng loạt các vướng mắc về rào cản chất lượng ở nhiều thị trường khó tính đã và đang từng bước được Bộ NN-PTNT rốt ráo khơi thông.

Gỡ khó cho thủy sản

Chiếm trên 50% kim ngạch XK của ngành thủy sản, nhưng XK tôm của Việt Nam (VN) luôn đối mặt không ít thăng trầm. Sau những lùm xùm về dư lượng Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản vừa tháo gỡ vào cuối năm 2013, năm 2014, VN liên tiếp bị cơ quan thẩm quyền của hai thị trường lớn về XK tôm là Nhật Bản và EU cảnh báo phát hiện dư lượng Oxytetracycline, Nitrofurazone vượt mức giới hạn tối đa cho phép (29 lô nhiễm Oxytetracycline vượt dư lượng cho phép tại EU và Nhật; 18 lô nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU).

Từ cuối tháng 12/2014, Nhật Bản đã mạnh tay áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng tôm nuôi NK từ VN, đồng thời cảnh báo sẽ ban hành lệnh cấm/tạm ngừng NK nếu phát hiện thêm các vụ vi phạm.

Tương tự, EU cảnh báo sẽ áp dụng biện pháp cần thiết do liên tục phát hiện lô hàng thủy sản của VN nhiễm hóa chất kháng sinh, đồng thời yêu cầu phía VN giải trình các biện pháp khắc phục.

Trước tình hình này, Cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) đã báo cáo Bộ NN-PTNT triển khai ngay các biện pháp cấp bách như: Thông báo cho toàn thể cộng đồng DN để kiểm soát chặt chẽ vấn đề ATTP của các lô hàng; yêu cầu DN bị cảnh báo nghiêm túc điều tra nguyên nhân và thực hiện hành động khắc phục có hiệu quả; áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường đối với DN bị cảnh báo; thành lập các đoàn thanh tra đột xuất về việc chấp hành quy định về ATTP, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm hành chính...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ngày 25/12/2014 cũng đã có Chỉ thị 10318/CT-BNN gửi UBND các tỉnh và các cơ quan liên quan thuộc Bộ, Hiệp hội, DN thực hiện ngay biện pháp cấp bách để kiểm soát mối nguy về hóa chất kháng sinh trong lô hàng thủy sản XK.

Nafiqad đã cập nhật bổ sung các chỉ tiêu liên tục bị cảnh báo (Oxytetracycline, Nitrofurans, Doxycycline) vào danh mục kiểm tra bắt buộc đối với lô hàng thủy sản nuôi XK sang các thị trường tương ứng...

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad sau hơn nửa năm triển khai hàng loạt giải pháp mạnh tay chấn chỉnh, đến nay tình hình XK thủy sản nói chung sang EU và Nhật đã khôi phục trở lại, không còn phát hiện lô hàng bị cảnh báo. Hiện tại, cả EU và Nhật vẫn chưa có thông tin về việc áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn đối với các lô hàng thủy sản NK từ Việt Nam.

Một đối tượng thủy sản XK khác cũng dính cảnh báo từ thị trường EU thời gian qua đó là nhuyễn thể hai mảnh (NT2MV). Cuối năm 2014, đoàn thanh tra EU đã tiến hành kiểm tra toàn diện các hệ thống kiểm soát ATTP tới các vùng nuôi, cơ sở chế biến NT2MV tại VN.

Theo đó, EU đã đưa ra một loạt khuyến cáo và nêu rõ, sẽ xem xét đình chỉ nhập khẩu NT2MV của VN sang thị trường này do không đạt các tiêu chuẩn ATTP. Trước tình hình này, Nafiqad đã khẩn cấp báo cáo Bộ NN-PTNT, triển khai quyết liệt việc kiểm tra tăng cường về ATTP đối với NT2MV và sản phẩm NT2MV xuất khẩu vào EU, đặc biệt là kiểm tra, thẩm định chế độ xử lý nhiệt tại các cơ sở chế biến NT2MV.

Đồng thời, sửa đổi, ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện chương trình NT2MV; hoàn thiện trình thông tư mới về NT2MV để thay thế cho Quyết định số 131/2008/QĐ-BNN, đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát NT2MV phù hợp với yêu cầu của các thị trường NK; tổng hợp, đánh giá, bổ sung một số chỉ tiêu độc tố sinh học biển, dư lượng hóa chất độc hại vào danh mục bắt buộc kiểm tra đối với các lô hàng NT2MV xuất khẩu sang thị trường EU; hoàn thiện báo cáo khắc phục sai lỗi gửi Cơ quan thẩm quyền EU...

Với các biện pháp rốt ráo, xuất khẩu NT2MV sang thị trường EU từ đầu năm 2015 đến nay đã dần đi vào ổn định. Ở trong nước, hiện đã có tổng cộng 21 cơ sở chế biến NT2MV có quá trình xử lý nhiệt đáp ứng yêu cầu của EU. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho việc XK mặt hàng NT2MV vốn còn nhiều tiềm năng của VN.

Khơi thông rau quả

Bên cạnh tháo gỡ rào cản cho thủy sản, một số mặt hàng về rau quả XK bị các thị trường như EU, Mỹ cảnh báo vi phạm về ATTP cũng đã được Nafiqad kịp thời chấn chỉnh, lấy lại đà cất cánh cho nhóm ngành hàng nhiều tiềm năng này.

Năm 2014, XK rau quả ghi nhận những đột phá lớn, nhưng cũng vấp phải nhiều rắc rối, mà nguyên nhân phần nhiều xuất phát từ các DN làm ăn chụp giật. Điển hình là việc EU đã phát hiện nhiều lô hàng rau gia vị, trái cây XK của VN không phù hợp quy định EU, khi có dư lượng thuốc BVTV hoặc nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Trong hai năm 2013 - 2014, EU đã phải cử nhiều đoàn thanh tra sang VN kiểm tra năng lực và hệ thống kiểm soát ATTP, các cơ sở SX-KD xuất khẩu rau gia vị sang EU. Kết quả cho thấy hệ thống kiểm soát ATTP của VN đối với các sản phẩm rau gia vị XK sang EU còn nhiều hạn chế.

Hiện tại, EU đã tăng tần suất kiểm tra một số mặt hàng rau, rau gia vị (rau mùi, ớt ngọt, húng quế, húng bạc hà, cần tây, đậu bắp) và trái cây (thanh long) của VN lên mức 20% (thay vì mức 3-5% như thường lệ). Điều này gây khó khăn lớn cho các DN xuất khẩu.

Tuy nhiên từ đầu năm 2015 đến nay, khi VN tăng cường các biện pháp giám sát, tín hiệu đáng mừng là phía EU chưa phát hiện thêm lô hàng nào của VN bị vi phạm.

“EU có gỡ bỏ việc kiểm tra với tần suất 20% hay không sẽ phụ thuộc giải pháp chấn chỉnh từ phía VN. Hiện Nafiqad phối hợp với Cục BVTV tăng cường việc kiểm tra ATTP tại cả DN và vùng SX, đặc biệt là các chỉ tiêu mà EU cảnh báo, đồng thời phối hợp với cơ quan hải quan tăng cường việc thống kê, giám sát các lô hàng hoa quả và rau gia vị XK, qua đó sẽ có báo cáo việc khắc phục cho phía EU trong thời gian tới” – ông Nguyễn Như Tiệp cho biết.

Tương tự tại thị trường Hoa Kỳ, một số lô hàng trái cây (thanh long, chôm chôm) của VN đã bị phát hiện có dư lượng thuốc BVTV (Difenoconazole, Carbendazim, Iprodione, Cypermethrin, Azoxystrobin, Chlorpyrifos). Đây là các hoạt chất được sử dụng thông thường tại VN nhưng Hoa Kỳ chưa thiết lập mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) trên 2 loại trái cây thanh long và chôm chôm.

Nafiqad vẫn đang tích cực đề nghị phía Mỹ cho phép chấp nhận mức MRLs theo tiêu chuẩn của EU để tạo thuận lợi cho việc XK thanh long và chôm chôm vào thị trường này.


Related news

Cánh Đồng Rau Việt Nam Ở Volgagrat Cánh Đồng Rau Việt Nam Ở Volgagrat

Chủ Công ty Volga - Việt, người mang ý tưởng táo bạo thực hiện việc sản xuất nông nghiệp với tầm cỡ lớn đầu tiên ở Nga là ông Dương Hải An. Ông cho rằng, việc đầu tư vào nông nghiệp, ban đầu có thể chưa thu lãi được ngay, có thể lãi suất chưa cao, nhưng nó mang tính ổn định, lâu dài, tạo chỗ đứng và vị thế cho người Việt trên nước bạn...

Thursday. July 28th, 2011
Đồng Tháp Phấn Đấu Sản Xuất 350.000 Tấn Cá Tra Đồng Tháp Phấn Đấu Sản Xuất 350.000 Tấn Cá Tra

Để đảm bảo ổn định nguồn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, năm 2012, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch phát triển vùng cá tra lên 2.176 ha, đảm bảo sản lượng ổn định 350.000 tấn cá nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến.

Wednesday. December 14th, 2011
Hàng Tấn Cá Nuôi Chết Trắng Sau Một Đêm Hàng Tấn Cá Nuôi Chết Trắng Sau Một Đêm

au một đêm, hàng tấn cá nuôi chết trắng nổi khắp mặt hồ. Tình trạng trên đã diễn ra từ vài ngày nay gây thiệt hại lớn cho hộ nuôi cá, đồng thời khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Sunday. February 26th, 2012
Giải Cứu Loài Cá Bí Ẩn Trên Dòng Mê Kông Giải Cứu Loài Cá Bí Ẩn Trên Dòng Mê Kông

Một loài cá cực ngon, dáng đẹp, từng xuất hiện vô số trên sông Mê Kông nay đối diện nguy cơ tuyệt chủng, có tên trong Sách đỏ. Giờ đề cập đến tên chúng, những người sống bằng nghề "đâm hà bá" đều lạ lẫm, mỗi người nói về loại cá này một cách…

Saturday. October 1st, 2011
Mô Hình Sản Xuất Và Chế Biến Ca Cao Khép Kín Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Sản Xuất Và Chế Biến Ca Cao Khép Kín Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Cây ca cao có mặt ở TP. Mỹ Tho từ trước năm 1980, lúc bấy giờ do khâu chế biến còn hạn chế và thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều hộ nông dân ở thành phố đã đốn bỏ cây ca cao và trồng các loại cây ăn trái khác

Wednesday. January 25th, 2012