Kết Quả Bước Đầu Nuôi Gà Đông Tảo Ở Châu Thành (Bến Tre)

Vào tháng 8-2012, Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre thực hiện đề tài “Du nhập và nuôi thích nghi gà Đông Tảo tại Bến Tre”. Huyện Châu Thành được hỗ trợ 4 mô hình: 2 mô hình nuôi gà Đông Tảo lai và 2 mô hình nuôi gà Đông Tảo thuần tại xã Sơn Hòa và Tam Phước.
Qua thời gian nuôi, kết quả ban đầu của mô hình gà Đông Tảo thuần tại hộ chị Phùng Thị Bé Tư (ấp Phước Hậu, Tam Phước) như sau:
Đặc điểm nổi bật của gà Đông Tảo thuần: chân to và thô, gà mới nở có lông màu trắng đục, gà mái trưởng thành có lông màu vàng nhạt, nâu nhạt, gà trống có màu lông mận chín pha đen, đỉnh đuôi và cánh có màu lông đen ánh xanh. Mào (mồng) kép, nụ, “hoa hồng”, “bèo dâu”. Thân hình to, ngực sâu, lườn rộng dài, xương to, da dày, đỏ, dáng đi chậm chạp, nặng nề. Khối lượng gà con mới nở 40-50 gam/con, mọc lông chậm, lúc trưởng thành con trống nặng 5,5 - 6 kg/con, con mái nặng 4 kg/con.
Một trong những điểm đặc biệt của gà Đông Tảo thuần chủng nữa là ở bộ lông, gà Đông Tảo trống có hai mã lông cơ bản tím pha đen, mào (mồng) gà Đông Tảo trống là mào ngắn và thun lại, có màu đỏ tía, tích và dái tai màu đỏ, kém phát triển, nhìn gọn và khỏe. Gà Đông Tảo mái có ba mã cơ bản gồm: mã nõn chuối - vàng nhạt; mã nâu nhạt - màu đất hay lá chuối khô; mã ngà - trắng sữa. Lông phần cổ và cánh gà mái thường có pha trộn những chiếc lông màu vàng, trắng sữa, nâu đỏ, đen. Gà mái cũng có mào tựa mào con trống nhưng chỉ to bằng 1/3 so với mào gà trống. Các vị trí da không có lông trên mình gà (cả trống và mái) đều có màu đỏ.
Cặp chân gà trống to hơn cả trái chuối, to nhất so với các giống gà khác trong và ngoài nước. Ngoài ra, chân gà Đông Tảo còn có sự khác biệt: bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, phần còn lại (3/4 diện tích) da sùi giống bề mặt trái dâu tằm ăn, bốn ngón chân xòe ra, chia ngón rõ nét, bàn chân dày, cân đối nên gà bước đi vững chắc.
Qua quá trình nuôi gà Đông Tảo thuần, chúng tôi thấy gà dễ nuôi nhưng chú ý điều kiện con giống phải úm thật kỹ trong giai đoạn 1 tháng tuổi, chuồng trại đảm bảo ấm áp không mưa tạt, gió lùa, thức ăn trong tháng đầu là thức ăn hỗn hợp của gà thả vườn, các khâu vệ sinh, nước uống đầy đủ… thì gà phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp.
Gà bắt đầu đẻ lúc 180 - 240 ngày tuổi, gà đẻ mỗi lứa từ 12 - 14 quả trứng, trọng lượng trứng từ 38 - 40 gam/quả, gà mái ấp như các loại gà khác. Còn nếu gà đẻ rồi lấy trứng ra ấp, thì sau khoảng 10 - 15 ngày gà bắt đầu đẻ lại (chưa đánh giá được hết tiềm năng về năng suất do thời gian theo dõi chưa nhiều).
Thức ăn: gà Đông Tảo ở giai đoạn con cho ăn thức ăn hỗn hợp của gà thả vườn, đến giai đoạn 1 tháng tuổi cho ăn thức ăn hỗn hợp trộn với lúa tập dần cho ăn, đến giai đoạn đẻ cho gà ăn thức ăn hỗn hợp 30% và trộn 70% thức ăn có sẵn ở địa phương như: lúa, bắp, tấm, cám… đặc biệt gà Đông Tảo rất thích ăn rau xanh.
Chú ý: Nuôi gà Đông Tảo cần đặc biệt quan tâm bảo quản gà con. Khi mới nở, ngoài vài cọng lông cánh nhỏ, gà con mang lông tơ đầy mình. Sau 3 – 4 tuần tuổi, gà rụng hết lông tơ mới mọc lông vũ một cách chậm chạp trong 4 – 5 tháng. Giai đoạn gà con chú ý úm thật tốt để tỷ lệ sống cao.
Nhìn chung, nuôi gà Đông Tảo cũng giống như nuôi gà thả vườn mà lợi nhuận rất cao. Hiện nay, mô hình nuôi gà Đông Tảo của chị Phùng Thị Bé Tư đang bắt đầu mang lại hiệu quả khá cao: gà con 1 tuần tuổi chị bán giá 100.000đ - 150.000 đ/con, còn gà đã úm 1 tháng tuổi (tiêm vacxin đầy đủ theo quy trình) bán giá 200.000đ - 300.000 đ/con.
Sắp tới, chị Tư sẽ nhân nhanh đàn gà Đông Tảo thuần cung cấp cho thị trường huyện Châu Thành và tỉnh Bến Tre và đầu tư thêm máy ấp thủ công ấp trứng để tăng tỷ lệ trứng nở cho đàn gà.
Đề tài “Du nhập và nuôi thích nghi gà Đông Tảo tại Bến Tre” của Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre mang ý nghĩa thiết thực, góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen giống gà quý hiếm, đa dạng hóa đối tượng nuôi đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Related news

Phòng chống dịch bệnh thủy sản đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh XK và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hệ thống quản lý giám sát dịch bệnh, thú y thủy sản ở các địa phương lại chưa thống nhất và xuyên suốt, thiếu đội ngũ cán bộ, thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách về thú y thủy sản... Hàng năm, dịch bệnh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương và người nuôi thủy sản vẫn phải âm thầm chịu đựng tổn thất!

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa giống mới và cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân là những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Phú Xuyên.

Giống bê Bách Thảo được nông dân huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chọn nuôi luôn chiếm ưu thế trong cơ cấu con giống hiện nay nhờ ưu điểm về tầm vóc, sức tăng trưởng khá nhanh, khả năng chống chịu và thích nghi tốt. Toàn huyện hiện có 5.800 con dê tập trung nhiều nhất tại các xã: Tân Thuận Bình, Quơn Long, Bình Phan, Bình Phục Nhứt... Với mô hình này, bà con cải thiện cuộc sống, vươn lên ổn định cuộc sống.

Thời điểm tháng 11.2011, khi giá ớt tươi từ 45.000 – 55.000 đồng/kg, nông dân miền Tây đổ xô trồng ớt. Tuy nhiên, hiện nay giá ớt giảm được cho là do thị trường chính (Trung Quốc) giảm “ăn”, khiến giá sụt giảm.

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương trọng điểm càphê của cả nước nhưng hiện nay đang diễn ra tình trạng thiếu sân phơi nghiêm trọng, không những gây thất thoát sau thu hoạch mà còn góp phần làm giảm chất lượng càphê xuất khẩu.