Giải cứu cá tra nhân rộng mô hình liên kết hiệu quả

Sự tham gia của ngân hàng đã giúp doanh nghiệp, nông dân bớt áp lực về nguồn vốn
Những điểm sáng mới
Một trong những địa phương đi đầu thực hiện tốt mô hình liên kết 4 bên là tỉnh Đồng Tháp, trong đó, Công ty TNHH Hùng Cá là điển hình. Công ty đang liên kết theo hình thức ăn chia lợi nhuận với hơn 300 hộ dân nuôi cá tra nhỏ lẻ.
Ngoài ra, công ty còn liên kết với 20 hộ nông dân khác để thực hiện chuỗi liên kết dọc tại 40ha ao nuôi.
Theo chuỗi này, công ty cung cấp thức ăn giai đoạn cá lớn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm, các khâu còn lại do người dân đầu tư. Theo ông Trần Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá - qua mô hình trên, doanh nghiệp thuận lợi hơn về nguồn nguyên liệu, nông dân lợi nhuận được đảm bảo.
Tại tỉnh Hậu Giang, mô hình liên kết trong sản xuất cá tra cũng được thực hiện khá thành công. Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy - cho biết: Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thị xã Ngã Bảy đã tổ chức thí điểm mô hình liên kết 4 bên để giúp người nuôi cá có điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.
Mô hình được thực hiện gồm: Agribank, 11 hộ nuôi cá, Công ty Chế biến thủy sản Hưng Phú và Nhà máy sản xuất thức ăn Việt Long.
Sau thời gian thí điểm trên diện tích 4ha, người dân địa phương rất phấn khởi vì họ yên tâm về đầu vào và đầu ra, không lo bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn. Phát huy hiệu quả của mô hình này, hàng chục xã viên thuộc Hợp tác xã Đại Thắng cũng tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng thông qua chuỗi sản xuất khép kín từ ao nuôi đến tiêu thụ, chế biến.
Vốn ngân hàng đi đúng hướng
Ngân hàng Agribank Chi nhánh An Giang đã thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần Việt An và Công ty TNHH Thuận An thí điểm mô hình cùng góp vốn với doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi. Ngân hàng sẽ cho các hộ nuôi cá tra tham gia mô hình vay 30% vốn, đồng thời hạ tiêu chuẩn thế chấp để tăng thêm cơ hội tiếp cận vốn cho người nuôi.
Đặc biệt, ngân hàng sẽ đề xuất với địa phương cấp cho doanh nghiệp tham gia thí điểm mô hình liên kết xây dựng vùng nuôi “Chứng chỉ xác nhận uy tín” để người dân yên tâm hợp tác.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thuận An - tin tưởng: Nếu mô hình trên được doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, nhân rộng thì bài toán về vốn và nguyên liệu cá tra sẽ được giải quyết.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương Tỉnh An Giang - đánh giá: Chuỗi liên kết mà một số doanh nghiệp tại địa phương đang thực hiện đã khắc phục được hạn chế của những mô hình trước đó. Sự tham gia của ngân hàng đã làm cho doanh nghiệp lẫn người nông dân bớt áp lực về vốn. Bên cạnh đó, nông dân yên tâm nuôi cá vì đã có doanh nghiệp bao tiêu, cung cấp thức ăn, doanh nghiệp chế biến cũng có nguyên liệu phục vụ sản xuất...
Về phía ngân hàng, khi cho vay theo chuỗi, ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền lưu chuyển, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp bán sản phẩm cho nước ngoài. Vì vậy, mức độ rủi ro khi cho vay giảm đáng kể. Đáng mừng hơn, ngân hàng đưa vốn vào sản xuất cá tra đúng lúc, kịp thời, đúng đối tượng, đem lại hiệu quả cao.
Sự tham gia của ngân hàng trong một số mô hình liên kết đã làm cho doanh nghiệp lẫn người nông dân bớt áp lực về vốn.
Related news

Chiều ngày 16/4, ông Nguyễn Văn Cư, một thầy thuốc đông y ở thôn Khuổi Thiêu, xã Hà Vị, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã đào được khóm hà thủ ô đỏ trọng lượng nặng tới 96 kg, trong đó củ lớn nhất nặng 36 kg, một củ nặng 17 kg và gần 10 củ khác mỗi củ nặng từ 2-5 kg. Bản thân ông Cư và gia đình đều bất ngờ về trọng lượng của khóm hà thủ ô vừa đào được.

Huyện Sơn Dương hiện có 18.713 con trâu, 5.803 con bò, 134.364 con lợn, trên 1 triệu con gia cầm và 819 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản....

Từ khi triển khai chương trình VietGAP, nhiều nông dân ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã ý thức xây dựng những vườn sầu riêng với năng suất và chất lượng cao.

Vụ hè-thu năm 2013, huyện Ninh Hải dự kiến thả nuôi khoảng 500 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu ở vùng Đầm Nại.

Với nguồn tài nguyên nước phong phú, cùng diện tích mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang trên 8.000 ha, Nà Hang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi và khai thác thủy sản..