Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá trị càphê Việt Nam vẫn còn thấp trên thị trường thế giới

Giá trị càphê Việt Nam vẫn còn thấp trên thị trường thế giới
Publish date: Wednesday. November 25th, 2015

Theo các chuyên gia, để quyết vấn đề này, trước hết cần có vườn càphê tăng trưởng đồng đều, năng suất, chất lượng cao.

Đặc biệt, càphê phải qua khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.

Vụ thu hoạch càphê mới 2015/2016 đang dần vào thời kỳ cao điểm.

Tốc độ thu hoạch sẽ tăng mạnh vào tháng 12, làm tăng đáng kể lượng càphê vụ mới đưa về các kho chứa càphê.

Tuy nhiên, giá càphê trong nước tiếp tục xu hướng giảm, vẫn ở mức thấp nên nhiều nông dân chưa muốn bán ra thị trường.

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, nông dân và thương nhân nội địa vẫn hy vọng giá sẽ tăng và tiếp tục hạn chế bán ra, do đó lượng càphê tồn trong dân và doanh nghiệp hiện đang ở mức khá cao.

Chính vì vậy, việc kinh doanh, giao dịch càphê của các doanh nghiệp cũng khá trầm lắng.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Võ Thành Đô cho rằng, giá xuất khẩu càphê thấp nhưng vẫn khó bán, do các nước cùng xuất khẩu càphê lớn (Brazil, Colombia...) phá giá đồng nội tệ mạnh đã có ưu thế cạnh tranh hơn hẳn.

Trước đây càphê Arabica (chè) thường cao gấp 1,5 lần càphê Robusta (vối), nhưng trong giai đoạn hiện nay việc phá giá đồng nội tệ đã khiến giá càphê Arabica xuống thấp tiệm cận dần với giá càphê Robusta nên các nhà nhập khẩu lựa chọn mua càphê Arabica hiệu quả hơn, trong khi ở Việt Nam càphê Robusta chiếm trên 90% sản lượng.

Chính bởi vậy, sản phẩm càphê Việt Nam rơi vào yếu thế.

Giá xuất khẩu càphê thấp dẫn đến giá càphê nhân trong nước ở mức thấp khiến nông dân và nhà xuất khẩu đều không mặn mà với việc bán ra mà chỉ cầm hàng để chờ giá.

Về sản xuất, hiện diện tích càphê cả nước khoảng 640.000 ha (trên 580.000 ha đang cho thu hoạch), vượt gần 7% kế hoạch (theo quy hoạch đến năm 2020 diện tích đạt 600.000 ha).

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, đối với cây càphê, diện tích càphê già cỗi đang là một trở ngại lớn đối với ngành.

Càphê già cỗi cần trồng thay thế, tái canh là thách thức, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân và vị thế ngành càphê Việt Nam.

Dự kiến đến hết năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên tái canh được trên 61.000 ha.

Từ năm 2016 đến năm 2020, tổng diện tích tái canh, ghép cải tạo ở các địa phương khoảng trên 77.000 ha.

Phần lớn diện tích già cỗi nằm trong vùng quy hoạch và trồng sớm thuộc vùng sản xuất tập trung có điều kiện khí hậu, đất đai, cơ sở hạ tầng phù hợp.

Tuy nhiên do già cỗi, năng suất thấp nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập nông dân và sự phát triển bền vững của ngành càphê.

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ thâm canh chưa đồng đều.

Càphê nông hộ chiếm 85-90% tổng diện tích; trong đó 63% số hộ có diện tích dưới 1 ha/hộ, vì vậy khó tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư thâm canh, tái canh, chuyển đổi giống mới cũng như áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

Ngoài ra, cơ cấu giống càphê hiện vẫn chưa hợp lý.

Diện tích càphê vối chiếm khoảng 93%; trong đó nhiều diện tích trồng bằng giống chưa được chọn lọc.

Diện tích càphê Arabica chỉ chiếm 6% (khoảng 37.300 ha), trong đó diện tích càphê được trồng giống mới chiếm 20%, còn lại là giống cũ, cây giống thực sinh nên năng suất thấp, chất lượng kém ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Về công nghiệp chế biến càphê, Việt Nam từng bước hình thành và phát triển lớn mạnh phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, tỷ lệ càphê chế biến sau xuất khẩu chiếm 10% sản lượng hàng năm; càphê hòa tan, càphê rang xay và càphê chế biến khác được xuất khẩu đến nhiều nước nhưng khối lượng không lớn, thương hiệu chưa đủ mạnh, chất lượng chưa cao nên khó cạnh tranh với các thương hiệu càphê nổi tiếng thế giới.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cũng cho rằng, khâu sản xuất, chế biến còn nhiều bất cập.

Mối liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ không được gắn kết chặt chẽ.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, giá thu mua như hiện nay không khuyến khích được người sản xuất càphê có chất lượng cao, vì giá chênh lệch giữa phẩm cấp càphê tốt, xấu không rõ ràng.

Phổ biến vẫn là thu mua qua trung gian nên chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Phân loại chất lượng càphê chủ yếu dựa vào kích cỡ, chưa khuyến khích nông dân cải thiện chất lượng, đặc biệt là khâu thu hoạch, phơi, chế biến; càphê bị loại do không đạt tiêu chuẩn còn cao.

Theo ông Nguyễn Như Hiến, chuyên viên Cục Trồng trọt, cơ quan này đang đẩy mạnh rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây càphê, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm hiệu quả và phát triển bền vững.

Theo đó, có 4 vùng trọng điểm (với 530.000 ha) ở Tây Nguyên là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông.

Vùng ngoài vùng trọng điểm (70.000 ha) gồm Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên.

Ngành cũng quy hoạch một số vùng trồng càphê chất lượng cao với khoảng 25% diện tích ở Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên.

Về cơ cấu diện tích càphê đến năm 2020, càphê vối sẽ khoảng 560.000 ha, chiếm 93,4% diện tích, tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh Đông Nam bộ.

Càphê chè 40.000 ha, tập trung ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Lâm Đồng và Kon Tum.

Để phát triển bền vững lâu dài, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng nông dân cần thực hiện đúng quy trình thâm canh, chăm sóc, bảo vệ thực vật.

Một mặt tiếp tục năng cao năng suất, mặt khác càphê làm ra phải có chất lượng tốt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức cho phép.

Điều quan trọng nữa là giảm chi phí đầu vào.

Đẩy mạnh năng suất nhưng thích ứng với biến đổi khí hậu cần đẩy mạnh tưới tiết kiệm như tưới phun mưa, nhỏ giọt.

Nơi nào trồng càphê phải áp dụng tưới tiết kiệm, vừa chủ động tiết kiệm nước tưới, vừa giảm chi phí sản xuất.

Như vậy, vườn càphê sẽ đồng đều, năng suất cao, chất lượng tốt.

“Các doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, gia tăng chế biến.

Bởi giá trị gia tăng chính là ở khâu chế biến.

Nếu bỏ qua khâu gia tăng giá trị chắc chắn hiệu quả sản xuất càphê sẽ vẫn không cao,” ông Ma Quang Trung nhấn mạnh.


Related news

Thu Hoạch Tôm Công Nghiệp Thu Hoạch Tôm Công Nghiệp

Đến thời điểm này, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có trên 280 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, với hơn 570 hộ thực hiện. Hiện nay, nhiều hộ dân đang bắt tay vào thu hoạch, năng suất bình quân 5 tấn/ha. Hiện giá tôm sú và tôm thẻ ở mức cao, hầu hết bà con đều có lợi nhuận khá.

Saturday. October 19th, 2013
Hướng Đi Nào Cho Người Nuôi Tôm Hùm Lồng? Hướng Đi Nào Cho Người Nuôi Tôm Hùm Lồng?

Mặc dù đã di dời lồng bè về khu quy hoạch C1, nhưng hầu hết người nuôi tôm hùm vẫn không thể bám trụ, ổn định sản xuất được. Tìm hướng đi phù hợp để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững là vấn đề nan giải hiện nay.

Saturday. October 19th, 2013
Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng? Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng?

9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.

Sunday. October 20th, 2013
Ba Lần Xuống Giống 3 Lần Mất Ba Lần Xuống Giống 3 Lần Mất

Bão số 8 chưa khắc phục xong hậu quả, bão số 10 lại ập đến, bao mất mát, nước mắt, nghẹn đắng. Cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt sẻ chia từng ngày lương, gói mỳ thì bão số 11 tiếp tục hoành hành cướp đi sản nghiệp của hàng ngàn gia đình miền Trung. Bão lũ liên miên, miền Trung chìm trong biển nước…

Sunday. October 20th, 2013
An Giang: Mùa Cá Đồng An Giang: Mùa Cá Đồng

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.

Sunday. October 20th, 2013