Giá thành lúa hè thu tăng
Thời tiết không thuận lợi
Đến ngày 15/6, toàn tỉnh Đồng Tháp xuống giống vụ hè thu được 214.572ha. Trong đó, diện tích lúa xuống giống là 196.000ha, vượt 6.000ha so với kế hoạch. Hiện nông dân đã thu hoạch được trên 100.000ha. Diện tích lúa hè thu còn lại hầu hết đang ở giai đoạn trổ - chín, làm đòng. Năng suất bình quân đạt khá cao 6,5 tấn/ha, trong khi năng suất bình quân vụ hè thu năm 2014 chỉ đạt 5,7 tấn/ha.
Tuy năng suất đạt cao hơn nhưng thời tiết trong vụ hè thu không thuận lợi. Trong suốt thời gian xuống giống, cây lúa phải đối mặt với thời tiết nắng nóng kéo dài. “Theo quan sát nhiều năm, thì đây là lần đầu tiên nắng nóng kéo dài đến như vậy. Trước thực trạng trên, nông dân phải đẩy mạnh khâu bơm tưới nước phục vụ sản xuất, đồng thời chi thêm các khoản khi cây bị dịch bệnh, phân bón bị tiêu hao. Đây là nguyên nhân khiến cho giá thành vụ lúa hè thu tăng thêm khoảng 200 đồng/kg” - bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin.
Cụ thể, trong vụ hè thu tổng tiền phân bón phục vụ sản xuất là 5,4 triệu đồng/ha cao hơn năm ngoái gần 500.000 đồng/ha (trong đó thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho đồng ruộng là 4,5 triệu đồng, cao hơn 1,2 triệu đồng/ha). Ngoài ra, giá nhân công lao động cũng tăng khá nhiều, gần 6,5 triệu đồng/ha thay vì chỉ 5,2 triệu đồng/ha như năm ngoái. Ông Huỳnh Văn Mẫm ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho hay: “Vụ này, do thời tiết không thuận lợi nên chi phí bỏ ra nhiều hơn năm trước. Chỉ tính riêng về tiền vật tư nông nghiệp thì mỗi công lúa chi phí cao hơn 200.000 đồng/công so với vụ hè thu năm qua. Vì thế lợi nhuận thu về chỉ đạt khoảng từ 800.000 - 1 triệu đồng/công”.
Thay thế bằng cây trồng chịu hạn
Để tránh tình trạng cây lúa đối mặt với thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến năng suất, tăng chi phí sản xuất, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh khuyến cáo trong vụ hè thu nông dân nên chuyển sang những loại cây trồng khác vừa chịu được hạn, vừa có giá trị kinh tế cao như cây mè, bắp...
Thời gian qua, huyện Hồng Ngự là một trong những địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây mè trên trên đất lúa. Đây cũng là loại cây trồng được đánh giá ít tốn công chăm sóc, có khả năng chịu hạn tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi rộng. Ngoài ra, sản phẩm từ cây mè không những chỉ dùng trong thực phẩm mà còn được dùng trong các mục đích khác như: dược phẩm, công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Mẫn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự nhận định, đây là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Theo tính toán, mỗi công mè cho lợi nhuận cao hơn lúa là 1 triệu đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, dù hiệu quả kinh tế từ cây mè mang lại khá cao nhưng chưa tạo được sức hút lớn đối với nông dân. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, một mặt là do tập quán canh tác, người nông dân “quen” với cây lúa nên ngại chuyển sang cây trồng khác. Điều quan trọng nhất để người dân mạnh dạn chuyển đổi là tìm được đầu ra sản phẩm. Hiện nay, nông dân chủ yếu bán mặt hàng nông sản này qua thương lái, chưa có hoặc rất ít hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Nếu có sự đồng bộ trong liên kết từ khâu sản xuất đến thu hoạch thì sẽ là động lực quan trọng để người nông dân chuyển đổi...
Related news

Phú Yên có diện tích mặt nước ngọt tương đối lớn, nhưng việc phát triển thủy sản nước ngọt trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, diện tích ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt ở Phú Yên chỉ hơn 276ha, với tổng sản lượng khoảng 304 tấn.

Hiện nay, thịt nhập khẩu về Việt Nam dù vẫn chịu thuế nhưng đã có lúc lấn át thịt trong nước về giá khiến doanh nghiệp, người chăn nuôi lo lắng. Sắp tới đây, khi thuế nhập khẩu thịt ngoại bằng 0, thị trường này sẽ là cuộc đọ sức nhiều cam go.

Năm 2013, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thả nuôi 750ha thủy sản, trong đó 430ha cá ruộng. Hầu hết diện tích thả nuôi đều trúng mùa, được giá. Nhưng vui nhất là những hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực và nuôi ghép các loại cá “đen” trên ruộng lúa. Đây là mô hình mới ở tỉnh Hậu Giang sẽ được nhân rộng theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Tháng 7-2013, anh Đặng Văn Phụng ở ấp Rạch Gừa - xã Phú Long (Bình Đại - Bến Tre) được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn làm thí điểm thực hiện mô hình nuôi ếch trong vèo kết hợp với nuôi cá trê và cá điêu hồng dưới ao.

UBND huyện Long Mỹ (Hậu Giang) vừa tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản giai đoạn 1 tại ấp 9, xã Thuận Hưng. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đến dự và thực hiện nghi thức động thổ dự án.