Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gia Lai Phát Triển Cây Đinh Lăng Dược Liệu

Gia Lai Phát Triển Cây Đinh Lăng Dược Liệu
Publish date: Wednesday. May 28th, 2014

Nếu trước đây, đinh lăng chỉ được trồng để chơi kiểng hoặc làm rau ăn kèm thì hiện nay, tại nhiều địa phương trong cả nước, nó đã và đang được nhân rộng diện tích, phát triển theo hướng cây dược liệu. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều người cũng bắt đầu trồng thử nghiệm loại cây này với kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân.

Người tiên phong

Ông Phạm Quang Lượng (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) được xem là người tiên phong trong việc trồng và phát triển cây đinh lăng ở Gia Lai. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hải Hậu (Nam Định)-một địa phương có thế mạnh về cây dược liệu-ông Lượng đã vốn sẵn nền tảng về các loại cây làm thuốc.

Năm 1995, ông cùng gia đình vào Ia Sao lập nghiệp với 3 ha cà phê. Đến năm 1998, khi giá cà phê rớt xuống mức dưới 2.000 đồng/kg, ông Lượng quyết định chuyển sang trồng thử nghiệm cây đinh lăng. Ông tâm sự: “Tôi về quê lấy giống, trồng thử 8 sào và phát hiện đất Gia Lai rất thích hợp. Hơn nữa, đinh lăng cũng có sức sống cao, chỉ cần cắt cành từ 20 - 30 cm nếu cắm trực tiếp xuống đất, 15-20 cm nếu ươm trong bầu và chú trọng đủ nguồn nước trong năm đầu tiên là được”.

Năm 2002, ông thu hoạch số đinh lăng trên với chất lượng khá tốt, sau đó tiếp tục trồng 1 ha. Tuy nhiên, không phải lúc nào “đầu xuôi đuôi cũng lọt”, ở lần thử nghiệm thứ hai này, ông Lượng ngậm ngùi nhận về thất bại. Lúc cây bắt đầu ra rễ con cũng đúng thời điểm nắng nóng kéo dài, lượng nước tưới thiếu hụt khiến đinh lăng chết gần như toàn diện tích. Dù vậy, lão nông này chẳng hề nản chí. Ông vẫn tiếp tục bỏ tiền của, công sức đầu tư cho đinh lăng, đào giếng để chủ động nguồn nước.

Và rồi niềm vui đã thực sự trở lại khi đinh lăng những mùa sau hoàn toàn sinh trưởng và phát triển ổn định trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió. Toàn bộ sản phẩm, ông chế biến thô bằng cách rửa sạch, thái lát mỏng, phơi 5 nắng rồi đóng bao chuyển về Nam Định để bán cho các công ty dược liệu mà nhiều nhất là cho Traphaco với giá dao động hiện nay từ 90.000 đồng đến 95.000 đồng/kg. “Lúc đầu chỉ lấy gốc, rễ để bán chứ chưa tận dụng được thân, lá, giờ thì cả cây dùng làm thuốc tất, không chừa bộ phận nào”- ông Lượng cho biết thêm.

Sau thành công của mình, ông bắt tay hướng dẫn cho xóm giềng, bạn bè cùng thực hiện trồng xen đinh lăng vào vườn cà phê với mong muốn giúp bà con lấy ngắn nuôi dài nhưng ai cũng tỏ ra e dè vì đầu ra chưa chắc chắn. Trước tình hình đó, vợ chồng ông Lượng quyết định kiêm thêm việc thu mua đinh lăng và cam kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Từ đấy, ông rong ruổi khắp các địa phương trong tỉnh, tìm và mua đinh lăng với giá 10.000 đồng/kg rồi tăng dần theo thị trường với mức 25.000 đồng/kg (nguyên cây), riêng gốc mỗi kg có giá trung bình là 50.000 đồng.

Dần dần, ông mở rộng thị trường thu mua đến các tỉnh lân cận như: Kon Tum, Đak Lak, Lâm Đồng… Và cũng vì những bận rộn mới ấy, gia đình ông Lượng đã chuyển hẳn sang thu mua và cung cấp giống chứ không chú trọng trồng đinh lăng thành phẩm nữa.

Cầu vượt cung

Chứng kiến thành công của ông Lượng cũng như kịp thời nắm bắt được thông tin về vấn đề phát triển cây dược liệu địa phương ở nước ta trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều nông dân trong tỉnh đã và đang bắt đầu “thử sức” với đinh lăng.

Thay vì chỉ trồng vài ba cây ở hàng rào hay với diện tích nhỏ lẻ từ 0,5-1 sào, thời gian gần đây, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư với diện tích lớn. Ông Quân (xã Ia Grăng) là người thứ hai sau ông Lượng phát triển cây đinh lăng dược liệu trên địa bàn huyện Ia Grai với 6 ha. Cho đến thời điểm này, đinh lăng của ông Quân cơ bản ổn định về tỷ lệ sống.

Cũng xuống giống với diện tích bằng ông Quân, song anh Hiền (TP. Pleiku) lại gặp không mấy thuận lợi. Anh chia sẻ: “Tôi biết được thông tin các công ty dược đang rất có nhu cầu về cây đinh lăng nên cũng quyết định trồng. Sau khi trồng thử nghiệm trước một số cây ở vườn nhà, thấy thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, tôi tiến hành mua giống ở Phú Thọ, Hà Nội và Nam Định về trồng trên diện tích 6 ha vào năm ngoái. Thế nhưng vì chưa có kinh nghiệm, khí hậu lại biến đổi, mưa ngắn cơn trong khi tôi không chủ động được nước tưới nên bị chết khá nhiều”.

Tương tự, chị Trang (huyện Chư Pưh) cũng bộc bạch rằng, chị đã nung nấu ý tưởng phát triển cây dược liệu từ lâu, nhưng mãi đến sau khi tham dự hội nghị bảo tổn cây thuốc ở Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 7-3 vừa qua, chị mới quyết hiện thực hóa ý tưởng ấy. Đinh lăng là loại cây đầu tiên chị Trang chọn để “cắm đất”.

Hom giống, chị mua về từ xã Ia Sao (huyện Ia Grai) và Bình Quới (TP. Hồ Chí Minh) với giá 40.000 đồng/kg, sau đó đem ươm bầu trước khi trồng để đảm bảo sức sống. Tuy nhiên, do số lượng con giống về nhiều, nhân công lại ít nên một lượng lớn giống chưa kịp ươm bầu bị khô héo, không thể lên mầm khiến hơn 100 triệu đồng tiền vốn của chị tan theo mây khói.

“Dự kiến tầm nửa tháng tới, tôi sẽ xuống giống 6 ha và dần nhân rộng lên 10 ha nếu có đều giống. Nếu thành công ở cây đinh lăng, tôi sẽ tiếp tục trồng thêm một vài cây dược liệu khác như tam thất, gừng đen, tám em, gấc đỏ…”- chị Trang nói.

Trước nhu cầu ngày một lớn ấy, nhiều vườn ươm đinh lăng cũng ra đời. Ông Trần Văn Xẽ-chủ một vườn ươm tại thôn Thắng Trạch 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai-cho biết: “Hiện vườn ươm của tôi có 15 vạn cây giống, trong đó có 12 vạn ươm bầu. Đến nay, sau 3 tháng kể từ lúc ươm giống, sức sống của cây khá tốt.

Mỗi bầu giống được bán với giá 6.000-7.000 đồng”. Thế nhưng, theo chia sẻ của ông Lượng, hiện tại nhu cầu mua giống đinh lăng của bà con trong và ngoài tỉnh là rất lớn, trong khi đó, số lượng cung ứng khá hạn chế, chưa tới 1/3. Riêng gia đình ông Lượng đang nhận cung cấp cho cả tỉnh tổng cộng 14 ha (2 tấn giống/ha) nhưng chỉ mới giao được khoảng 2 tấn.

Đinh lăng (hay cây gỏi cá, nam dương sâm), theo y học cổ truyền là cây thuốc Nam, có vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng tăng cường độ dẻo dai và sức đề kháng cho cơ thể, giúp ăn ngủ ngon, giải độc, chống dị ứng; chữa các chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa… Nói chung, ngoài tác dụng lương huyết và giải độc, những tính chất khác của đinh lăng gần giống như nhân sâm.


Related news

Lâm Đồng Trước Ngưỡng “Bội Thực” Bò Sữa Lâm Đồng Trước Ngưỡng “Bội Thực” Bò Sữa

Theo quy hoạch phát triển bò sữa tại xã Đạ Ròn của UBND huyện Đơn Dương, đến năm 2015, xã này được ấn định là 1.500 con, năm 2020 nâng lên 2.000 con. Tuy nhiên, thống kê của UBND xã Đạ Ròn cho thấy, cuối năm 2013, toàn xã đã có 1.800 con, đến thời điểm hiện nay là 2.047 con và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Friday. October 24th, 2014
Huyện Đầm Dơi (Cà Mau) Phải Nhập 70% Lượng Tôm Giống Huyện Đầm Dơi (Cà Mau) Phải Nhập 70% Lượng Tôm Giống

Mỗi năm người nuôi tôm trong huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cần hơn 4 tỷ con giống, nhưng nguồn cung tại chỗ mới đáp ứng được khoảng 30%, số còn lại phải nhập từ nơi khác về.

Monday. March 24th, 2014
Tháng 10, Xuất Khẩu Thủy Sản Đồng Tháp Tăng 17,8% Tháng 10, Xuất Khẩu Thủy Sản Đồng Tháp Tăng 17,8%

Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê, tháng 10 lượng cá tra xuất khẩu của tỉnh ước đạt 21.983 tấn, tăng 2,48% so tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2013; kim ngạch xuất khẩu đạt 56,13 triệu USD, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Friday. October 24th, 2014
Thực Hiện Đề Án Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Thực Hiện Đề Án Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp

Theo đó, giai đoạn 2014 - 2015 sẽ ổn định tăng trưởng kinh tế nông nghiệp theo hướng củng cố sản xuất các ngành hàng chủ lực gắn với việc phát triển các mô hình luân canh, xen canh hoa màu, cây ăn trái và thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp là 4,5%/năm.

Friday. October 24th, 2014
Áp Lực Lúa Cuối Vụ Áp Lực Lúa Cuối Vụ

Hiện nay, huyện Long Mỹ là địa phương có diện tích lúa Thu đông chưa thu hoạch nhiều nhất của tỉnh. Trong tổng số 15.807ha xuống giống của huyện trong vụ này thì chỉ mới thu hoạch được hơn 6.300ha, diện tích còn lại người dân cũng đang tất bật thu hoạch trong điều kiện khó khăn về nước lũ.

Friday. October 24th, 2014