Trồng cói trên cánh đồng nhiễm phèn, thu trăm triệu
Với tư duy dám nghĩ dám làm, lão nông Nguyễn Văn Phó (64 tuổi, trú thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã bỏ ra gần 500 triệu đồng cải tạo 3ha đất nhiễm phèn, nhiễm mặn bỏ hoang để trồng cây cói. Ngoài mô hình trồng cói, ông còn kết hợp trồng mì (sắn), chuối và nuôi cá… cho thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Phó bên ruộng cói của mình. Dũ Tuấn
Tháng 4.2013, thuê được hơn 3ha đất hoang nhiễm phèn, ông Phó huy động máy móc, nhân công đào 200m mương thoát nước xung quanh; gia cố 1 kênh mương dài 50m bằng bê tông với nhiệm vụ thoát phèn ra sông. Ngoài ra, ông còn mua cả trăm xe đất nông hóa, cát trộn với vôi bột cải tạo thành đất tơi xốp… Ông Phó đã đầu tư 80 triệu đồng mua giống trồng 20 sào cói. Sau 3 năm cải tạo, ông Phó đã “chôn” gần 500 triệu đồng xuống ruộng cói, biến nơi này thành cánh đồng xanh mướt.
Theo tính toán của lão nông Nguyễn Văn Phó, chi phí trồng cói thấp hơn 50% so với trồng lúa. Trong khi đó, trồng 1 sào cói sẽ thu hoạch liên tục từ 3 - 4 năm và cho thu nhập khá ổn định, từ 2,5 - 3 triệu đồng/sào/năm. “Vụ vừa rồi, dù mới trồng thử nghiệm nhưng tôi đã thu được trên 40 triệu đồng tiền bán cói. Nếu thời tiết thuận lợi, chắc chắn thu thêm gần 40 triệu đồng nữa…”- ông Phó tiết lộ.
Lão nông Nguyễn Văn Phó trồng cói vì mối duyên nợ với nghề dệt chiếu truyền thống. Dũ Tuấn
Bên cạnh việc phát triển cánh đồng cói, ông Phó còn đầu tư hơn 50 triệu đồng nạo vét 10.000m2 mặt nước để thả cá. Ngoài ra, ông tận dụng chân đất quanh mương trồng mì, chuối… Ông Nguyễn Đức Đạm - Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn cho biết: “Bằng nghị lực và đầu óc tính toán, ông Phó đã biến cánh đồng tưởng như vĩnh viễn bỏ hoang thành cánh đồng cói xanh tốt. Thành công ban đầu của ông không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình ông mà còn giúp cho bà con trong làng nghề dệt chiếu truyền thống của địa phương có thêm nguồn nguyên liệu…”.
Related news
Ông nhẩm tính, cứ đà này, hoa ly sẽ nở đúng dịp Tết, nếu giá hoa như năm ngoái thì vợ chồng ông cũng bỏ túi khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí giống
ông Phạm Văn Mỹ phát triển nghề trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng, tạo công việc ổn định cho nhiều lao động
Trên tích đất lúa kém hiệu quả, ông Nguyễn Văn Khôi đã mạnh dạn chuyển đổi thành ao hồ nuôi cá giống, cho thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm