Hốt bạc nhờ trồng hoa ly
Ông nhẩm tính, cứ đà này, hoa ly sẽ nở đúng dịp Tết, nếu giá hoa như năm ngoái thì vợ chồng ông cũng bỏ túi khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí giống, phân, công chăm sóc.
Trong ảnh: Ông Bình hướng dẫn cách trồng hoa ly trong chậu cảnh.
5 năm trước, lão nông Phạm Đức Bình bắt đầu trồng thí điểm cây hoa ly. Thời điểm đó, ai cũng khuyên can ông bởi khí hậu, thổ nhưỡng ở Nghệ An không phù hợp với loài hoa khó tính này. Thế nhưng, ông Bình đã kiên quyết không nghe...
Năm 2006, ông Phạm Đức Bình (SN 1953) ở xóm Mậu 6, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn bàn với vợ chuyển toàn bộ diện tích vườn gần 300m2 đang trồng rau màu, ngô sang trồng hoa cúc và các loại hoa ngắn ngày phục vụ Tết. So với rau màu và ngô, trồng cúc nhàn thân, lãi cao hơn rất nhiều nhưng đến vụ Tết, thấy cảnh người vợ đã lớn tuổi phải đội mưa gió rét mướt bán từng cành hoa ông không đành lòng.
Năm 2012, sau nhiều đêm gác tay qua trán, tìm hiểu thông tin qua báo đài ông quyết định chuyển sang trồng hoa ly.
Nhiều người khẳng định khí hậu, thổ nhưỡng ở xứ Nghệ không phù hợp với hoa ly và khuyên ông không ném tiền qua cửa sổ. Nhưng với bản tính quyết đoán, ông Bình quyết thực hiện bằng được dự định của mình. Mùa đầu tiên ông trồng 400 củ hoa ly. Do chưa hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa ly, toàn bộ cây giống chết không còn 1 cây. Sang mùa thứ 2, cây hoa ly cháy lá, thối thân rồi đua nhau chết như ngả rạ. Hàng chục triệu đồng và bao nhiêu công lênh hóa thành công cốc nhưng ông không nản chí.
Mùa thứ 3, canh bạc “tất tay” được ông đặt cược cả vào 1.000 củ hoa ly. Do đã cạn vốn sau 2 lần thất bại, ông chỉ đủ đầu tư giàn mát cho 1 phần vườn trồng, phần còn lại che tạm bằng tre nứa thay dàn che bằng ni lon trước đây, giúp cho việc điều tiết nhiệt độ, ánh sáng vườn ly dễ dàng hơn.
Theo ông Bình, mật độ trồng hoa ly nên duy trì khoảng cách cây cách cây 15 - 20cm và không nên quá 40 củ/m2. Quá trình sinh trưởng, phát triển, độ ẩm đất cần được duy trì ở mức hợp lý và bón các loại phân đạm đúng với khuyến cáo kỹ thuật trồng ly.
Hoa ly chỉ phù hợp với nhiệt độ từ 12 - 25 độ C nhưng ở Nghệ An, nền nhiệt bất thường, có khi dịp sát Tết Nguyên đán lại lên tới 35 độ C khiến cây hoa sinh trưởng và phát triển không như tính toán của con người. Để “đối phó” với kiểu thời tiết này, khi nhiệt độ ngoài trời cao, ông phủ 2 lớp lưới đen lên giàn để giúp giảm nhiệt.
Hàng ngàn cây ly đang chờ đón Tết Đinh Dậu.
“Hoa ly là cây ưa cường độ ánh sáng ở mức trung bình. Nếu trời nắng quá cần che bớt 50 - 70% ánh sáng. Nhưng nếu thiếu ánh sáng nụ hoa dễ bị rụng nên điều tiết ánh sáng bằng lưới có ý nghĩa rất quan trọng trong trồng hoa ly. Ở Nghệ An, nhiệt độ trung bình cao, lại mưa nhiều, cây dễ bị nhiễm nấm hay bị thối gốc, thân. Vì vậy, cần quan sát kỹ để phòng trừ bệnh cho hoa”, ông Bình cho biết.
Ba tháng ròng rã không đêm nào vợ chồng ông ngủ ngon giấc bởi nỗi lo thời tiết thất thường. Rồi những nụ hoa đầu tiên cũng nhú ra từ các kẽ lá, lớn dần. Gần 1.000 gốc ly bung hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, “canh bạc” ấy ông Bình trúng đậm.
Sau khi trừ các chi phí, vụ hoa tết 2014, ông Bình lãi 40 triệu đồng. Thắng lợi giúp ông tự tin với những mùa vụ tiếp theo. Tết 2015 vợ chồng ông trồng 2.500 gốc ly, thu lãi 70 triệu đồng.
Vụ hoa Tết năm nay ông Bình trồng 5.000 cây ly, thử nghiệm cả hoa ly vàng, loại hoa được xem là khó tính nhất trong họ hoa ly. Cũng giống như khi bắt đầu với cây hoa ly, 6 triệu tiền giống ly vàng coi như mất trắng.
Ông bảo: “Cuộc sống chấp nhận thử nghiệm. Bên cạnh những luống ly truyền thống, năm nay, tôi thử nghiệm thêm những chậu ly nhiều màu, chúng sinh trưởng, phát triển tốt, lá xanh mướt. 1.000 cây hoa tuylip trồng trong chậu cũng đã sẵn sàng phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu”.
Ông nhẩm tính, cứ đà này, hoa ly sẽ nở đúng dịp Tết, nếu giá hoa như năm ngoái thì vợ chồng ông cũng bỏ túi khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí giống, phân, công chăm sóc.
Ông Trần Trọng Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kim Liên cho biết: “Cây hoa ly đã được du nhập về đây khoảng gần 10 năm nay nhưng chưa có ai làm thành công với quy mô lớn như ông Bình. Thực tế chứng minh mô hình trồng hoa ly của ông Bình mang lại nguồn thu lớn, cần được nhân rộng”.
Related news
Chăn nuôi chim công vừa cho hiệu quả cao vừa và là vật nuôi có tính giải trí cao với ngoại hình độc đáo, bắt mắt đã thu hút sự quan tâm của khách hàng
Con số ấn tượng trên là câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Đình Bang, ở thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình).
Nhu cầu tiêu thụ lươn trên thị trường ngày càng cao, giá bán cao và khá ổn định ở mức 150 - 200 nghìn đồng/kg nên hiện có nhiều gia đình chuyển sang nuôi lươn