Giá Cà Phê Giảm, Nông Dân Tính Toán Để Bớt Lỗ

Giá cà phê giảm mạnh ngay từ đầu niên vụ 2013-2014 đã khiến cho nông dân trồng cà phê lo lắng và tính toán kỹ lưỡng để may ra hòa vốn hoặc bị lỗ càng ít càng tốt.
Gia đình anh Phan Văn Thành ở xã Trường Xuân (Ðắk Song - Đắk Nông) có 2 ha cà phê, dự kiến thu về gần 6 tấn nhân, nhưng theo anh, nếu bán như giá hiện nay thì sẽ không còn có lời nữa.
Anh Thành cho biết: “Nếu như vào đầu vụ mùa năm trước, giá cà phê tăng cao, ở mức 42.000 đồng/kg, chúng tôi rất phấn khởi thì năm nay ngay từ đầu mùa vụ giá lại giảm mạnh nên rất lo lắng. Năm nay, chúng tôi chỉ thuê 1 người làm và huy động tối đa lao động của gia đình để thu hoạch cà phê, chứ không thuê tới 4 người như mọi năm nữa. Bằng cách này, gia đình tôi có thể giảm được khoảng 20 triệu tiền công, nhưng chắc chắn sẽ phải kéo dài thời gian thu hoạch. Không chỉ có gia đình tôi mà nhiều nhà khác cũng đã hạn chế thuê lao động để giảm chi phí nhân công”.
Theo tính toán của Thành, với 2 ha cà phê, trong niên vụ này đã đầu tư hết 120 triệu đồng cho phân bón, làm cành, làm cỏ, tưới nước, chưa tính đến công của 2 vợ chồng làm lụng cả năm và thuê người hái trong suốt mùa vụ. Nếu không tính toán mọi chi phí cho khéo cũng như kiên nhẫn chờ giá cà phê nhích lên thì không có lợi nhuận bao nhiêu sau một năm trời làm lụng cực nhọc.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tiến ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) có hơn 1 ha cà phê thì ban đầu tính sẽ thuê người hái cho đỡ vất vả, nhưng hiện đành phải tính toán lại để giảm chi phí.
Anh Tiến cho biết: “Vườn cà phê đã bắt đầu chín, nhưng mùa vụ này, gia đình sẽ không thuê nhân công mà huy động lao động trong nhà mà thôi. Ban đầu, khi giá cà phê còn ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg thì gia đình dự tính thu hoạch xong sẽ bán ngay để trả nợ ngân hàng, rồi sau đó lại vay để lấy tiền đầu tư tiếp cho niên vụ sau. Thế nhưng, khi giá cà phê nhân xuống thấp như mấy ngày này, thì có lẽ gia đình phải chấp nhận khất nợ, để dành cà phê khi nào giá nhích lên thì mới bán”.
Theo kinh nghiệm của những hộ trồng cà phê lâu năm thì thường khi giá quá thấp, nếu cần vốn để đầu tư thì chỉ nên bán khoảng 1/2 sản lượng, số còn lại chờ giá lên cao mới bán để gỡ lại nhằm tránh lỗ.
Anh Võ Ðình Danh ở xã Ðức Minh (Ðắk Mil) nói: “Với giá cà phê như hiện nay, nếu gia đình nào đầu tư khoảng 60 triệu đồng/ha và đạt năng suất 2,5 tấn/ha thì huề vốn, còn thấp hơn thì chắc chắn sẽ lỗ. Trước tình hình này, tôi dự kiến sau khi thu hoạch xong 1 ha cà phê sẽ bán khoảng 1,5 tấn nhân để trả nợ vay ngân hàng, còn khoảng 2 tấn thì sẽ chờ giá nhích lên và thấy có lời mới bán”.
Thế nhưng, ngoài những gia đình có điều kiện dự trữ sản phẩm chờ lên giá thì những nông dân hoàn cảnh khó khăn hơn lại đang rất lo lắng. Theo họ, nếu mức giá cà phê chỉ ở tầm 30.000 đồng/kg kéo dài từ nay đến cuối năm thì vẫn phải chấp nhận bán và chịu lỗ, bởi thời điểm cuối tháng 12 cũng là lúc phải trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng.
Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2013-2014 đạt khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 15% so với niên vụ trước. Hiện nay, nước ta đang bước vào vụ thu hoạch cà phê mới, nhưng do lượng cà phê tồn kho còn khá lớn, nên thị trường xuất khẩu cà phê từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn và đây cũng là nguyên nhân làm giá cà phê giảm mạnh vừa qua.
Related news

Như vậy, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột là trường hợp duy nhất trên thế giới được bảo hộ trong nước cho sản phẩm nhân cà phê vối (Robusta) và đang tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ quốc tế tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Vụ tiêu năm nay bị ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, khiến cây tiêu dễ bị bệnh. Thế nhưng, nhờ áp dụng bón phân qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt và phòng chống bệnh kịp thời nên cây tiêu phát triển tốt, sản lượng đạt cao, một số người trồng tiêu ở huyện Tây Hòa thu về tiền tỉ.

Niên vụ 2013/2014, Việt Nam đã xuất khẩu 1,32 triệu tấn cà phê, kim ngạch 2,75 tỷ USD. Tuy nhiên, cây cà phê Tây nguyên đang đối mặt với những khó khăn do diện tích cà phê già cỗi khá lớn, đòi hỏi phải sớm tái canh để duy trì sản lượng và chất lượng.

Xã Bình Nam là địa phương có diện tích trồng cây đậu phộng lớn nhất huyện Thăng Bình với diện tích ổn định 180ha. Tận dụng được lợi thế đó, đầu năm 2014 địa phương đã quy hoạch cánh đồng mẫu trồng cây đậu phộng với diện tích 45ha tại thôn Đông Tác.

Trong đó, cá tra có diện tích nuôi tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 6.200 ha với sản lượng 598 ngàn tấn. Theo báo cáo của các Sở NN&PTNT thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch.