Gặp Khó Trong Xây Dựng Giao Thông Nông Thôn

Xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp là một trong những xã đang gặp nhiều khó khăn về thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường bức xúc cũng đang là vấn đề nan giải.
Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hiện nay một số tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Long Thạnh đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đi trên con đường lởm chởm ổ gà nối về trung tâm xã, phần nào sẽ hiểu được nỗi vất vả của người dân ở ấp Long Hòa B. Ở đây, có đến 2 tuyến đường xuống cấp, mỗi tuyến dài 6-7km. Người dân bức xúc vì ngày ngày đi lại, đưa đón con cháu đi học, chuyện té xe trở thành bình thường khi buộc phải đi qua đoạn đường này.
Mặt đường gồ ghề, nhiều đoạn chỉ còn lại lớp đất, phần đá xô bồ chỉ làm cho con đường thêm khó đi, có đoạn đọng nước hoặc lên sình. “Hằng ngày, mấy đứa nhỏ đi học trên con đường này, thường xuyên bị té nên giờ không dám chạy mà phải dắt xe qua hết đoạn đường “bể”.
Nếu nhà có xuồng, ghe thì đưa con em qua bên kia sông để đi dễ hơn vì có lộ bê tông 2,5m. Không biết đến khi nào xóm này mới được đầu tư lại con lộ”- bà Nguyễn Thị Ánh, người dân ở ấp Long Hòa B than thở.
Hiện toàn xã Long Thạnh còn nhiều tuyến đường chưa được bê tông hóa, với tổng chiều dài gần 20km. Các tuyến này vào mùa mưa nếu không bị ngập nước cục bộ cũng bị lầy lội. Đặc biệt, là tuyến đường ở kênh Xẻo Đon nối qua các ấp Long Sơn 1 - Long Sơn 2 - Long Hòa B và tuyến đường nối ấp Long Hòa B - Long Trường 1 - Long Trường 2 - Long Trường 3,…
Theo nhẩm tính của ông Lê Văn Bé Tư, ở ấp Long Hòa B, các con lộ này cần đầu tư ít nhất cũng hàng tỉ đồng, số tiền khá lớn so với thu nhập của người dân nơi đây. Hiện chỉ có duy nhất tuyến đường dọc theo kênh Mù U - Cái Đinh đang được nhà nước đầu tư xây mới (ấp Long Hòa A1 và Long Hòa A2). Những nơi còn lại, ngoài việc chờ đợi đầu tư thì chẳng còn cách nào khác hơn. Người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên sớm khắc phục hay nâng cấp để phục vụ nhu cầu đi lại nhưng chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Thanh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: Giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Và đây còn là vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc xã hội hóa hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, một phần do các tuyến đường này khá dài. Nếu đầu tư theo tiêu chí xã nông thôn mới thì lộ phải có chiều rộng ít nhất từ 2,5-3,5m nên cần phải có kinh phí.
Trong khi việc huy động vốn đối ứng trong nhân dân không mấy dễ dàng vì hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã lên đến 14,45%, đây là mức khá cao so với tiêu chuẩn quy định. Thời gian qua, phần việc nào làm được thì địa phương sẽ cố gắng thực hiện.
Theo đó, xã cũng đã vận động xã hội hóa với kinh phí 45 triệu đồng nâng cấp xong đoạn đường thuộc ấp Trường Khánh 1. Đoạn này dài khoảng 2,5km có 51 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, để xây dựng giao thông nông thôn gắn với các tiêu chí nông thôn mới thì xã cần nhiều nguồn lực, quan trọng hơn hết là sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành.
Related news

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Trước nay, nhiều hộ dân trồng rau màu ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đã phải chịu cảnh “Được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và thường bị thương lái ép giá với những lý do về chất lượng sản phẩm. Từ khi áp dụng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đầu ra ổn định và kinh phí đầu tư cũng giảm.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, đến ngày 22/5 trên địa bàn tỉnh có gần 33 ha tôm nuôi bị chết; trong đó chuyên tôm sú gần 14 ha ở huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Trà và tôm chân trắng 19 ha ở huyện Phong Điền, Phú Lộc.

Theo tin từ Sở Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2013, thanh long Bình Thuận xuất khẩu chính ngạch đạt 7.451 tấn, trị giá 5,27 triệu USD. Thanh long đã xuất vào 8 thị trường, chủ yếu là châu Á, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chính với kim ngạch đạt 2,64 triệu USD, chiếm tỷ trọng 53,6%, kế tiếp là Indonesia 1,33 triệu USD, Thái Lan 0,42 triệu USD.

Từ ngày 17 - 21/5, Công ty TNHH Nông lâm sản Nam Việt, TP Hồ Chí Minh (gọi tắt Công ty Nam Việt) đã tổ chức thu mua 20 tấn xoài cát của 50 xã viên HTXNN 2 Cát Hanh (Phù Cát - Bình Định) tham gia liên minh sản xuất (LMSX) và tiêu thụ xoài cát - Phù Cát bền vững.