Gần Kênh Cũng Thiếu Nước

Được bao bọc bởi hai con kênh N2 và N4 thuộc hệ thống kênh Phú Ninh nhưng hơn 5ha đất ruộng thuộc khối phố 4 (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) chỉ có thể sản xuất 1 vụ lúa đông xuân nhờ nước trời. Còn những tháng mùa hè như hiện nay thì đành bỏ hoang.
Nhìn 3 sào ruộng của mình, bà Nguyễn Thị Liên (khối phố 4, phường Trường Xuân) chua xót nói: “Đã nhiều năm nay, cứ đến những tháng hè nắng nóng như thế này là ruộng của tôi bỏ hoang cho đám con nít chơi đá bóng. Trời thì nắng nóng mà dưới đất không có lấy một giọt nước nào thì không có cây gì sinh sống được. Ba sào ruộng nhưng cả năm chỉ làm được một vụ đông xuân nhờ nước mưa thôi”.
Cùng cảnh ngộ với bà Liên, hàng chục hộ dân nơi đây từ lâu đã quen với cảnh bỏ đất hoang như thế này. Có mặt trên cánh đồng thuộc khối phố 4, chúng tôi chứng kiến những vạt ruộng khô cằn, nứt nẻ, không có lấy một giọt nước. Ngay cả bỏ hoang nhưng cỏ cũng không thể nào mọc nổi.
Dẫn chúng tôi qua từng đám ruộng khô cằn ấy, ông Huỳnh Văn Ba (một người dân địa phương) cho biết: “Đất ruộng này tuy có cao hơn ruộng ở những nơi khác nhưng vẫn có một con mương dẫn nước từ kênh N4 (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) về. Thế nhưng, người dân xã Tam Thái đã ngăn dòng kênh N4 lại để tưới tiêu cho các cánh đồng của họ.
Thành ra, những cánh đồng ở phía hạ nguồn con kênh N4 của chúng tôi không thể nào có nước được, đành bỏ hoang vào mùa nắng như thế này. Chẳng những không có nước sản xuất mà nguồn nước sinh hoạt cũng trở nên thiếu hụt. Các giếng nước của người dân chúng tôi đều khô cạn, trơ đáy, bà con phải đi gánh nước ở làng bên về dùng”.
Tuyến kênh N2 với lượng nước dồi dào, nằm ở phía nam các cánh đồng khối phố 4 nhưng chỉ có thể dẫn nước về được vài đám ruộng. Lý do là hệ thống kênh mương ở đây hầu hết không được đầu tư xây dựng. Một số kênh mương cây cỏ mọc um tùm, bịt kín cả đường nước chảy.
Ông Đinh Tâm - Phó Chủ tịch UBND phường Trường Xuân cho biết: “UBND phường đã trình lên HĐND cùng Phòng Kinh tế thành phố để xin kinh phí xây dựng các kênh mương tại đây nhưng vì kinh phí cao do các cánh đồng ở xa kênh N2, nhiều nơi cao hơn mực nước kênh phải đầu tư máy bơm trung chuyển… nên mọi việc vẫn còn trong dự án. Phường cũng có một phương án thứ hai là sẽ hỗ trợ, đầu tư cho người dân trồng các loại cây chịu được nắng nóng như bắp, mè…, tạo nguồn thu nhập phụ cho người dân”.
Related news

Đến trại chim bồ câu Mạnh Trung (Tân Hiệp, Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng), ấn tượng đầu tiên là hàng trăm cặp chim bồ câu lông trắng, chân hồng được nuôi nhốt trong lồng xếp thành một dãy dài. Nhẹ nhàng bắt một con bồ câu ra, anh Phùng Mạnh Trung - chủ trại chim cho biết hiện trại có hơn 500 cặp bồ câu, tất cả đều là giống của Pháp. Ít ai nghĩ trại chim có giá trị hơn nửa tỉ đồng này là của một thanh niên mới ngoài đôi mươi.

UBND huyện Chương Mỹ cùng Chi cục Thủy sản Hà Nội vừa phối hợp tổ chức mít tinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản và trực tiếp thả hơn 150kg cá giống (trên 6.000 con cá chép, cá chày mắt đỏ và cá trôi) xuống sông Bùi (địa phận xã Thủy Xuân Tiên).

Xã Phước Hòa (Tuy Phước) có nhiều diện tích mặt nước nằm ven đầm Thị Nại, là 1 trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định. Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở đây không bị thất bại. Nợ nần chồng chất khiến các chủ hồ tôm trở thành những “chúa chổm” vùng đầm.

Là người có diện tích trồng mướp lớn nhất xóm 2, thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định, mỗi tháng anh Nguyễn Triều Hải có thu nhập cả chục triệu đồng.

Trong khoảng một tháng trở lại đây, trên vỉa hè khu vực đầu cầu phía bờ trái sông Đà thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) xuất hiện một vài người bán những xâu chim đã được vặt lông sẵn, mỗi xâu có 30 – 40 con. Sáng ngày 17/4 lại xuất hiện một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh rêu bán chim.