Trúng Đậm Cá Ngừ Trái Vụ

Thời điểm này, tuy nghề câu cá ngừ đại dương chưa vào vụ đánh bắt chính, nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, tàu nào ra khơi khi cập bờ cũng đầy ắp cá.
Thêm vào đó, hiện nay giá cá ngừ đại dương đang tăng cao, gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước...
Theo bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn thợi thủy sản (KT-BVNTTS) Bình Định, vụ đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đã kết thúc vào tháng 9 âm lịch. Mọi năm, thời điểm này, do nhiệt độ nước lên cao nên cá ít xuất hiện, và nếu đánh bắt được thì chất lượng cá cũng rất thấp, nên các tàu đánh bắt đều neo bờ hoặc làm nghề khác.
Đến tháng 11 âm lịch, khi trời trở gió mùa đông bắc thì nghề câu cá ngừ đại dương mới vào vụ đánh bắt mới, vì mùa này cá xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ thời tiết thuận lợi, trên biển ít xảy ra bão gió nên trong thời điểm lẽ ra phải nghỉ bờ, những tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở Bình Định vẫn tiếp tục bám biển.
Ngư dân Văn Công Việt (50 tuổi) ở khu vực 5, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn (Bình Định), phấn khởi cho hay: “Gia đình tui có 2 tàu cá chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Một tàu có số hiệu BĐ-91189 TS (380 CV), chiếc kia mang số hiệu BĐ-91251 TS (420 CV).
Hiện tàu BĐ-91251 TS đang đánh bắt ngoài khơi, chưa kết thúc chuyến biển nhưng liên lạc qua icom, tui được biết là đã đánh bắt được hơn 1 tấn cá. Không biết chuyến này có bằng chuyến trước không, chứ chuyến trước tàu BĐ-91251 TS đánh trúng lắm, cập bờ được 2,6 tấn cá, bán giá 110.000đ/kg.
Sau khi trừ mọi phí tổn, mỗi thuyền viên được chia 11 triệu đồng, ai nấy đều phấn khởi. Tui đang đẩy nhanh tiến độ nâng cấp công suất cho tàu BĐ-91189 TS từ 380 CV lên 800 CV để mở biển vì thời điểm này đánh bắt cá ngừ đại dương vừa trúng mùa, vừa trúng giá”.
Ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục KT-BVNLTS Bình Định: “Bình Định hiện đang có 550 tàu cá chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương, tập trung tại xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn). Ngoài ra còn có 450 chiếc khác vừa câu cá ngừ đại dương vừa làm kết hợp các nghề câu mực, lưới vây”.
Theo nhận định của chủ những chiếc tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở Bình Định, nguyên nhân giá cá ngừ đại dương hiện nay đang tăng cao là do năm vừa qua sản lượng cá ngừ ở Bình Định đạt thấp hơn mọi năm, trong khi đó số cá dự trữ tại các đại lý đã được mang ra tiêu thụ hết. Do hàng hết tồn đọng nên bây giờ ngư dân bán sản phẩm không bị ép giá như trước đây.
“Nếu giá cá cứ ổn định ở mức này, những tàu làm nghề đánh bắt cá ngừ đại dương sẽ hết khốn khó”, ngư dân Văn Công Việt, nói.
Ông Nguyễn Văn Long, Trạm trưởng Trạm KT- BVNLTS huyện Hoài Nhơn, khẳng định: “Hiện nay, có đến 80-90% số tàu chuyên câu cá ngừ đại dương ở địa phương, kể cả những tàu đánh bắt kết hợp đều đang vươn khơi hành nghề câu cá ngừ.
Con trăng vừa rồi hầu hết tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở huyện Hoài Nhơn đều trúng mùa, bình quân mỗi chuyến biển 20 ngày mỗi tàu đánh bắt được 2 tấn cá. Với giá 110.000đ/kg ổn định suốt mấy tháng nay, người trong nghề đang vui như hội”.
Related news

Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi trong nước liên tục phải đối mặt với khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, người nông dân bị thua lỗ. Bởi vậy, mặc dù Cục Chăn nuôi khẳng định hiện tình hình chăn nuôi đã đi vào ổn định nhưng không ít người vẫn băn khoăn, chưa thể lạc quan về sản xuất từ nay đến cuối năm.

Anh Lại Trường Vũ (SN 1978) - chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xuất thân trong gia đình nông dân. Gia đình anh canh tác hơn 6 công vườn. Do chi phí đầu tư hệ thống tưới tiêu khá lớn, đặc biệt là béc phun, có loại phải tốn hơn 4 triệu đồng cho một công vườn, từ đó anh đã tìm tòi tự chế ra loại béc phun giá thành rất rẻ mà vô cùng tiện ích.

Nhiều năm qua, huyện Hải Hậu (Nam Định) luôn đi đầu trong việc xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, trong đó mô hình cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất đã được khẳng định với nhiều ưu điểm như năng suất tăng, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra, tạo quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Hiện nay, mô hình này đang được nông dân các địa phương trong huyện áp dụng và nhân rộng qua từng năm.

Sở Công thương tỉnh, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) vừa có buổi làm việc với huyện Châu Phú (An Giang) về tình hình cung ứng giống đậu bắp, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa Jamine Global GAP và việc xây dựng nhà máy sơ chế nguyên liệu.

Sau thời gian triển khai công tác chống dịch chổi rồng trên nhãn, đến nay có 19.130 ha nhãn ở 7 tỉnh, thành gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang, hồi phục phát triển trở lại sau cắt tỉa và phun thuốc, đạt tỷ lệ 81,4%.