Dùng Màng Phủ Trong Trồng Màu

Từ gần 10 năm nay, gia đình anh Hoàng Văn Sinh ở thôn Đè E, xã Lê Lợi, Hoành Bồ (Quảng Ninh) được nhiều người biết đến như một điểm sáng đi đầu trong việc đưa các giống cây nông sản mới về trồng và phát triển trên địa bàn huyện.
Đầu tiên là giống cây dưa hấu và bây giờ là các loại giống dưa lê, cà chua năng suất cao. Chị Phạm Thị Thoả, vợ anh Sinh cho biết: “Tôi quê gốc ở Gia Lộc, Tứ Kỳ, Hải Dương.
Mấy đời nhà làm nông nghiệp nên thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của nhà nông. Nhưng bù lại, vợ chồng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trồng cấy. Muốn đạt năng suất thì phải thường xuyên chuyển đổi giống cây trồng/diện tích đất.
Vì thế, vợ chồng tôi hay tìm kiếm các loại giống cây trồng mới đem về trồng trên địa bàn huyện”. Không chỉ vậy, vợ chồng chị còn học được cách phủ bạt Plastic lên diện tích đất để trồng các loại cây màu cho năng suất cao.
Theo chị Thoả, trước khi phủ bạt Plastic lên phần đất trồng cần phải làm đất, cải tạo, cày, bừa đất thật kỹ; rồi kéo luống, lên luống, bón phân chuồng cùng với phân vi sinh kết hợp. Khi hoàn tất công đoạn này sẽ phủ bạt Plastic, rồi chọc lỗ vừa đủ trồng cây.
Phương pháp trồng cây màu bằng màng phủ Plastic đã được nông dân ở nhiều tỉnh nông nghiệp triển khai. Tuy nhiên, ở Hoành Bồ nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung lại chưa có nhiều người áp dụng.
Theo phân tích của các nhà khoa học và từ thực tế của gia đình chị Thoả kiểm chứng, bạt Plastic có 2 mặt, một màu trắng bạc ở phía trên mặt đất phản chiếu ánh sáng mặt trời, tạo điều kiện cho cây trồng nhận được nhiều ánh sáng hơn, nhất là trong vụ đông xuân thường thiếu ánh sáng, trời ít nắng, giúp cây quang hợp tốt hơn.
Mặt khác, nhờ tính phản quang này mà không làm cho nhiệt độ đất tăng thêm trong các tháng mùa nóng do đó không ảnh hưởng đến vùng rễ và cây trồng. Màu đen ở phía dưới che phủ toàn bộ rễ trong bóng tối giúp cho rễ phát triển tốt hơn. Về mùa đông, do nhiệt độ thấp nên màng phủ còn có tác dụng giữ nhiệt cho đất. Mặt luống được phủ kín bằng bạt Plastíc sẽ hạn chế được phát sinh, phát triển của cỏ dại, giảm được nhiều chi phí do không phải làm cỏ, không phải xới xáo.
Màng phủ nông nghiệp có tác dụng hạn chế được sự bốc hơi nước trong đất, luôn giữ cho đất ẩm, tiết kiệm được lượng nước tưới. Nhờ có phủ bạt Plastíc mà chống được hiện tượng rửa trôi phân bón, chống được xói mòn nên tiết kiệm được phân bón, cây hấp thụ được lượng dinh dưỡng tối đa, do đó hiệu quả hơn trồng bằng các phương pháp thông thường. Một ưu điểm nữa rất quan trọng của việc phủ bạt Plastíc là hạn chế được sự xâm nhập của các loại sâu, bệnh trực tiếp từ mặt đất.
Nếu không có màng phủ nông nghiệp các bào tử nấm, vi khuẩn, ấu trùng và trứng của các loại côn trùng có thể theo nước mưa hoặc nước tưới bắn lên và bám vào thân, lá cây để gây hại. Chị Thoả nói: “Tuy vốn đầu tư mua bạt nilon hơi đắt một chút nhưng một lần mua bạt có thể tận dụng để sử dụng được trong 3 vụ liên tiếp. Hơn nữa, gia đình tôi cũng giảm được rất nhiều chi phí làm cỏ, chăm tưới”.
Từ những kinh nghiệm có được, năm 1990, vợ chồng anh Sinh là hộ đầu tiên đưa giống dưa hấu về trồng ở huyện Hoành Bồ. Liên tục, 5 vụ liên tiếp sau đó, vợ chồng anh trúng lớn. Dưa không chỉ cho năng suất cao mà còn bán rất được giá vì phương pháp trồng dưa của gia đình anh chị hoàn toàn không sử dụng các loại hoá chất.
Sau dưa hấu, hiện nay vợ chồng anh Sinh cũng đang rất thành công với việc trồng dưa lê. Kinh nghiệm của gia đình anh Sinh hoàn toàn có thể được áp dụng, nhân rộng đối với các hộ gia đình nhỏ lẻ hoặc các trang trại, gia trại lớn.
Related news

Nghiệm thu dự án hỗ trợ vốn “Trồng xoài trái vụ” tại ấp 1 (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu, An Giang) cho thấy, kết quả sau 18 tháng triển khai, thực tế bình quân lợi nhuận khá tốt, đạt từ 10 triệu đồng/công trở lên.

Đại Lộc là nơi có diện tích trồng chuối thương phẩm lớn với 650ha. Trong đó, các địa phương như Đại Hòa, Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa sở hữu hàng trăm héc ta ruộng chuối. Bà Nguyễn Thị Lượm (khu 4, thị trấn Ái Nghĩa) than: “Rứa là hết, gần một mẫu chuối hờn và chuối tiêu hư rồi còn đâu. Mai mốt ni lấy chi bán để chợ búa hàng ngày, lo chuyện phải không. Ở phòng trọ tạm bợ không an toàn, đứa con gái út đang học tại Đà Nẵng về nhà tránh bão. Sau khi gió tan, hắn vội vã đi liền vì ở lại thì sợ nước lụt cô lập, ngày mai không tới trường học được. Tôi đưa cho con 500 nghìn đồng lo ăn ở, học hành. Tiền nớ đều nhờ chuối mà ra” - bà Lượm bần thần nói.

Vượt qua áp lực về chi phí tăng cao cũng như biến động của thời tiết, những ngày này ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đồng loạt bám biển với vụ cá bắc. Ngành chức năng cũng đang triển khai các phương án trợ giúp ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả trong mỗi chuyến biển.

Những năm qua, Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn nỗ lực trong việc nghiên cứu, sản xuất, ươm nuôi các loại cá giống từ truyền thống đến đặc sản, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật… phục vụ nhu cầu phát triển nghề nuôi thủy sản của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gà phát triển mạnh trên địa bàn huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã mở ra cơ hội mới cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.