Dừa Tăng Giá, Nông Dân Phấn Khởi
Những ngày qua, thời tiết bắt đầu nóng trở lại nên nhu cầu nước dừa tươi giải khát ngày càng tăng. Chính vì vậy, hơn nửa tháng nay giá dừa tươi liên tục tăng, giá bán dừa cho thương lái tại vườn hiện ở mức 70.000 - 75.000 đồng/chục.
Ông Nguyễn Văn Thiện, nông dân có gần 4.000 m2 trồng dừa ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang), cho biết, mấy ngày qua thương lái vào tận vườn thu mua dừa tươi với giá 70.000 - 75.000 đồng/chục (dừa do thương lái bẻ), tăng hơn 15.000 đồng/chục (12 trái) so với đầu tháng 2.
"Dừa của tôi đều là giống dừa ta trước đây, trái to, nước nhiều, ngọt nên thương lái rất thích mua. Với diện tích dừa hiện nay, mỗi tháng tôi thu hoạch được hơn 6 trăm dừa được khoản thu nhập gần 4,5 triệu đồng/tháng, cải thiện được đáng kể đời sống gia đình", ông Thiện phấn khởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Sáu, thương lái thu mua dừa ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo cho biết, nguyên nhân khiến giá dừa tăng cao là do thời tiết đang chuyển sang nóng, nhu cầu nước dừa tươi để giải khát của người dân tăng cao. Mặt khác, nhiều nhà vườn bỏ bê chăm sóc sau đợt giá dừa giảm chỉ còn dưới 20.000 đồng/chục thời gian trước, khiến năng suất bị sụt giảm. Trong khi đó để thu hoạch được một lứa dừa tươi từ trổ bông đến thu hoạch phải từ 5-6 tháng.
Giá dừa tươi bán tại chợ hiện có giá dao động 8.000 - 10.000 đồng/trái, tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/trái so với đầu tháng 2. Dừa tươi khan hiếm, cộng với việc nhiều người trồng dừa thu hoạch dừa rám (dừa chưa được khô) bán cho các cơ sở làm mứt Tết đã dẫn đến giá dừa khô cũng tăng trở lại. Hiện giá thu mua dừa khô tại nhiều vựa dừa tại Tiền Giang đang ở mức 70.000 - 75.000 đ/chục đối với dừa loại 1.
Related news
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2015, các vùng dự án rau an toàn (RAT) của tỉnh tiếp tục được sản xuất với diện tích 157,5/360ha, đạt 43,7% kế hoạch năm. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án sản xuất RAT còn một số khó khăn nhất định, một số nơi mô hình chỉ dừng lại ở mức độ trình diễn.
Dù được đánh giá là thành công bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, song sau 40 năm triển khai và vận hành, Dự án thủy lợi Ngọt hóa Gò Công (gọi là Dự án ngọt hóa Gò Công) đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất bền vững trong vùng dự án là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị “Giải pháp sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng Dự án thủy lợi Ngọt hóa Gò Công” do UBND tỉnh vừa tổ chức.
Kết quả quan trắc môi trường nước tại 4 huyện: Phú Tân, Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi (Cà Mau) do Chi cục Nuôi trồng thủy sản vừa công bố cho thấy, các thông số về nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, độ pH đều đạt ngưỡng cho phép, thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sản mặn lợ, thuận lợi cho nuôi tôm công nghiệp.
Bàn về vấn đề phát triển ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng lo ngại tình trạng sử dụng kháng sinh quá mức và các chất cấm trong chăn nuôi sẽ phá vỡ ngành này trong thời gian tới.
Cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra vẫn tiệm cận với giá thành, người nuôi cá ở ĐBSCL kéo dài lo lắng vì tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Thế nên, việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu đã “lập được bản đồ nuôi cá tra” ở ĐBSCL, đang mở ra hướng phát triển căn cơ cho nghề nuôi cá.