Đua nhau bán nho giá rẻ không rõ nguồn gốc

Thời gian gần đây, có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số lấy nho không rõ nguồn gốc về bán giá rẻ ở thành phố Lai Châu và dọc ven đường trên tuyến quốc lộ 4D, thuộc địa bàn xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ. Việc bán nho không rõ nguồn gốc này gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Trong vai khách hàng, chúng tôi đã có cuộc khảo sát các điểm bán nho dọc tuyến quốc lộ 4D trên địa bàn xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ và khu vực chợ trung tâm thành phố Lai Châu để mua nho. Nho được lót bao tải xuống nền đường để bày bán với giá rẻ. Qua giao tiếp, chúng tôi biết được họ đều là người dân tộc Dao.
Khi được hỏi về nguồn gốc, người bán chỉ cho biết: Nho này được trồng ở xa lắm, nhà nước cấp cho; đã trồng 5 năm rồi. Nho được bán gần một tuần nay, ban đầu 80.000 đồng/kg, giờ xuống còn 50.000–60.000 đồng/kg”.
Có một điều lạ là tất cả nho được bày bán ở chợ hay trên đường đều có hình dáng bên ngoài chín mọng, tươi ngon. Giá thành dao động 40.000-60.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với loại bán tại các cửa hàng nên thu hút nhiều người mua. Đặc biệt, người mua được giới thiệu nho này trồng ở trên núi, ở xã Lản Nhì Thàng, huyện biên giới Phong Thổ nên ngày càng thu hút người tiêu dùng.
Ông Thào A Ký, Phó chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ khẳng định, từ trước tới nay trên địa bàn chưa bao giờ có dự án trồng nho và việc trồng tự phát cũng chưa thấy bao giờ. Thấy người dân bày bán nhiều những ngày qua, xã đã thành lập đoàn công tác phối hợp cùng lực lượng Quản lý thị trường huyện Phong Thổ đi kiểm tra, bước đầu xác định nho do bà con bán không rõ nguồn gốc. Đoàn công tác đã tuyên truyền nhắc nhở, vận động người dân, nhưng bà con vẫn bán.
“Từ trước đến giờ trên địa bàn không nghe nói đến dự án trồng nho. Bà con mua ở đâu về không rõ. Xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động cho bà con không lấy hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu bà con cứ bán, người qua đường mua ăn phải bị làm sao sẽ khổ cả bên mua và bên bán. Sau khi vận động, tuyên truyền, nhiều bà con đã không còn bán nho”, ông Thào A Ký nói.
Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác vì thời gian gần đây, nho có nguồn gốc từ Trung Quốc được người dân địa phương mang qua đường tiểu ngạch về bán nhiều. Các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cũng cần kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng hoa quả không rõ nguồn gốc, để tránh những trường hợp ngộ độc đáng tiếc có thể xảy ra.
Related news

Theo tập tục canh tác từ xưa, người Dao ở Khuổi Đác, xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) chỉ biết phát đồi làm nương trồng ngô chứ không biết làm ruộng.

Giá cá tra tại ĐBSCL đang tăng từng ngày nhưng không làm người nuôi cá vui mừng vì nhiều hộ mới thả giống, còn đến 4-5 tháng nữa mới thu hoạch.

Ngày 19.12, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Nguyễn Quốc Cường đi thăm một số mô hình sản xuất của ND huyện Nga Sơn, Thanh Hoá.

Tại cuộc hội thảo cho người chăn nuôi trên địa bàn Hải Phòng, cán bộ kỹ thuật Công ty VIC đã chia sẻ rất cụ thể về các dòng sản phẩm thức ăn dành cho từng loại gà của Công ty VIC. Vì vậy, người nuôi có thể lựa chọn sản phẩm theo xu hướng nuôi của mình.

Vụ cá Bắc vừa qua (từ tháng 10 năm 2013 đến hết tháng 3 năm 2014), ngư dân tỉnh Thanh Hoá đã kiên trì bám biển dài ngày để khai thác hải sản.