Đưa Nghề Trồng Nấm Về Vùng Cao

Thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với đề án phát triển nghề nấm của tỉnh Bắc Giang, năm 2013, Hội Nông dân huyện Sơn Động liên kết với Trung tâm Dạy nghề Anh Tuyết - Bắc Giang, Trung tâm Giống nấm tỉnh xây dựng mô hình trồng nấm ở 5 xã.
Sau khi tham dự lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm tại xã và được tham quan nhiều mô hình trong tỉnh, ông Nông Văn Giót, thôn Han 2, xã An Lập đã quyết định làm theo bởi ông thấy nghề này phù hợp với điều kiện gia đình.
Ông Giót cho biết: "Trồng nấm mỡ và mộc nhĩ kỹ thuật khá đơn giản, không tốn công sức, nguyên liệu chủ yếu là rơm rạ, mùn cưa vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường”. Gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư số vốn hơn 100 triệu đồng làm hơn 300m2 nhà xưởng để trồng 8.000 bịch mộc nhĩ, 2.000 bịch nấm sò và 3 tấn rơm trồng nấm mỡ. Đến nay, lứa mộc nhĩ đầu tiên phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
Gia đình ông Bế Văn Sáu và bà Lãnh Thị Hằng, thôn Cẩm Đàn, xã Cẩm Đàn là hộ nghèo, muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để có thu nhập khá hơn nhưng không có vốn. Quanh năm hai vợ chồng chỉ trông vào ba sào ruộng và vài con lợn, gà trong khi phải nuôi 4 người con ăn học.
Khi được cán bộ Trung tâm dạy nghề Anh Tuyết đến giúp đỡ, hướng dẫn tận tình cách trồng nấm vợ chồng bà Hằng đã mạnh dạn làm lán trại trồng nấm mỡ và nấm sò. Hiện nay nấm sò đã cho thu hoạch, thu nhập từ trồng nấm giúp gia đình bà vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
Thấy rõ lợi ích của nghề này, Hội Nông dân các xã: Quế Sơn, Chiên Sơn, An Lập, Vĩnh Khương, Long Sơn đã vào cuộc vận động đông đảo hội viên tham gia lớp học nghề trồng nấm; tham quan điển hình ở Lạng Giang, TP Bắc Giang. Những hộ bắt tay vào sản xuất nấm được hỗ trợ chi phí xây dựng lán trại theo quyết định của UBND tỉnh.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên hơn 40 hộ đã trồng thành công nhiều loại nấm. Một số hộ có nguồn thu khá từ trồng nấm như ông Vi Đức Vượng, thôn Hắng, xã Vĩnh Khương, ông Đào Lý Chí, thôn Khuôn Cầu 1, xã Quế Sơn, ông Chu Văn Hồi, thôn Đồng Cảy, xã Quế Sơn, anh Vi Văn Công ở thôn Han 2 xã An Lập …
Qua đánh giá ban đầu cho thấy, trồng nấm phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Sơn Động, đó là diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, tận dụng được nguồn phụ liệu sẵn có như rơm rạ, mùn cưa tại địa phương, đồng thời tạo ra một lượng phân bón hữu cơ từ phế thải sau khi sản xuất nấm cung cấp cho cây trồng.
Sản phẩm sau thu hoạch được Trung tâm dạy nghề Anh Tuyết cam kết bao tiêu toàn bộ. Tuy nhiên, số lượng hộ trồng nấm còn ít nên nấm thu hoạch được hiện không đủ cung ứng cho người dân ngay tại địa phương.
Nghề trồng nấm trên địa bàn huyện Sơn Động đang có điều kiện thuận lợi để mở rộng. Do vậy cần sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của chính quyền, cơ quan chuyên môn và sự tham gia tích cực của người dân hơn nữa để nâng cao hiệu quả nghề trồng nấm.
Related news

Hiện tại, giá heo hơi dao động từ 4,7 - 4,8 triệu đồng/1 tạ; heo con cũng đang ở mức giá thấp, dao động từ 90 - 100 ngàn đồng/kg, với mức giá này thì người nuôi có lãi từ 500 ngàn - 600 ngàn đồng/tạ. Cận Tết Nguyên đán vừa qua, giá heo hơi có lúc lên đến 4,9 triệu đồng/tạ, tuy không bằng cùng kỳ năm 2014 nhưng nhờ giá thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trị bệnh ổn định nên người chăn nuôi hết sức phấn khởi.

Cụ thể, rau dền lấy hạt năng suất đạt 4 tấn/ha, giá thị trường dao động từ 30.000 - 34.000 đồng/kg tùy theo chủng loại và chất lượng, trừ các khoản chi phí đầu tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chi phí khác, nông dân còn lãi 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các loại rau màu khác cũng đạt khá như rau muống lấy hạt đạt 3 tấn/ha, giá từ 27.000 - 28.000 đồng/kg; ớt có giá từ 14.000 đồng - 15.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lợi nhuận.

Trồng sắn mì nhiều năm làm đất bạc màu và củ ít, nên đầu tháng 9/2014, anh Ma Blý (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) đã quyết định chuyển 1,9ha đất rẫy trồng sắn của mình sang trồng cây đậu đỏ. Niềm vui đã đến với gia đình Ma Blý, khi đậu đỏ vừa được mùa, được giá.

Trước đây, mặc dù gia đình ông Tâm có 5.000 m2 diện tích đất vườn nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thường thiếu trước hụt sau. Đến năm 2000, phong trào nuôi cá tra ở một số nơi rầm rộ đã thôi thúc ông Tâm phải chuyển cách làm ăn. “Tôi đã đào và thả nuôi được 3ha diện tích mặt nước. Lúc ấy không đủ vốn, tôi phải mượn của dòng họ và vay ngân hàng. Hai năm đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên không lời nhiều…” - ông Tâm nhớ lại.

Số lượng hạt bán ra thị trường chưa nhiều, trong khi thông tin về loại cây mới này đang nóng lên từng ngày khiến giá thu mua mỗi nơi một kiểu.