Đưa Khoa Học Kỹ Thuật Vào Phát Triển Sản Xuất Nông Nghiệp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã xác định, trong 5 năm tới, ngành Nông nghiệp vẫn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn được quan tâm khuyến khích đầu tư.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đề ra mục tiêu phát triển tổng quát của ngành đến năm 2015 đó là: Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật (KHKT) tiên tiến vào sản xuất, để xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có năng suất và sức cạnh tranh cao.
Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, những năm qua, ngoài việc tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để triển khai tốt chương trình phát triển nông thôn mới cho các xã, Sở NN&PTNT còn lồng ghép triển khai, nhân rộng 130 mô hình ứng dụng KHKT mới vào sản xuất cho nông dân trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 47 mô hình với quy mô thực hiện 1.298 ha; chăn nuôi 40 mô hình; thủy sản 11 mô hình; cơ giới hóa 19 mô hình và lâm – diêm nghiệp 12 mô hình, nhờ đó đã góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành tăng lên đáng kể.
Đồng chí Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã chuyển biến khá nhanh. Tốc độ tăng giá trị của ngành nông – lâm nghiệp đạt 6,6%/năm, thủy sản đạt 9,76%/năm. Đặc biệt, diện tích cây trồng đã tăng thêm 7,1 ngàn ha so với năm 2010, năng suất cây lúa tăng 4,5 tạ/ha và sản lượng lương thực tăng thêm 38,8 ngàn tấn. Điều đó cho thấy, việc áp dụng KHKT vào sản xuất đã mang lại hiệu quả.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay phương thức chuyển giao KHKT đến với nông dân được áp dụng phổ biến theo hình thức xây dựng các mô hình trình diễn sau đó nhân rộng mô hình cho bà con học tập. Đây được xem là con đường ngắn nhất để đưa KHKT từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng. Cách làm này cũng đang được một số địa phương ở tỉnh ta thực hiện khá hiệu quả.
Cụ thể như ở huyện Ninh Phước, để giúp nông dân nâng cao hiệu quả cây trồng, từ năm 2011 đến nay cùng với việc quy hoạch các vùng chuyên canh lúa giống tại xã Phước Hậu với diện tích 300 ha, chuyên canh bắp lai giống tại xã Phước Sơn, mô hình sản xuất rau an toàn ở xã An Hải, địa phương còn triển khai nhiều mô hình sản xuất mới để chuyển giao KHKT vào sản xuất như: Mô hình "ba giảm, ba tăng", "1 phải, 5 giảm" trên cây lúa, mô hình VietGAP trên cây nho...
Qua kết cho thấy, các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, trong đó mô hình sản xuất lúa giống ở xã Phước Hậu luôn đạt năng suất bình quân từ 70 - 75 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt 80 - 90 ta/ha, tăng gấp 1,8 lần so với lúa thương phẩm.
Điều đáng ghi nhận là ngoài những cách làm trên, những năm gần đây, ngành nông nghiệp còn khá linh hoạt trong việc vận dụng các cơ chế, chính sách để gắn kết với các địa phương, đơn vị khuyến khích các thành phần kinh tế chủ động liên doanh, liên kết thành các hợp tác xã và tổ hợp tác để xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo hướng "thị trường hóa" đạt hiệu quả.
Cùng với đó, được sự hỗ trợ của các dự án khoa học- công nghệ, cạnh tranh nông nghiệp, việc sản xuất các loại giống trong nông nghiệp ở tỉnh ta không chỉ mở rộng thêm diện tích, xây dựng được thương hiệu bài bản mà năng suất, chất lượng các loại cây trồng từ đó cũng tăng lên.
Kỹ sư Phạm Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cho biết: Việc tiếp nhận và chuyển giao KHKT vào sản xuất không chỉ mang lại năng suất, chất lượng cây trồng mà còn giúp người dân có nhiều thay đổi trong nhận thức, kỹ năng sản xuất, tập quán canh tác. Hơn thế nữa họ còn biết cách làm ăn tập thể để cùng nhau giải quyết những vấn đề tồn tại, khó khăn trong sản xuất và mạnh dạn hơn trong việc vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn với điều kiện gia đình.
Từ những kết quả trên cho thấy, công tác đưa KHKT vào phục vụ sản xuất là việc làm hết sức cần thiết. Ngoài việc góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng cao cao thu nhập cho người dân, đây còn là kênh thông tin để chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn đến với người dân một cách hiệu quả.
Để đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT vào thực tiễn phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo tinh thần của Nghị quyết đã đề ra, thời gian tới cùng với việc tiếp tục hướng dẫn và tổ chức nông dân sản xuất các loại cây trồng có thế mạnh cạnh tranh của tỉnh như: Nho, táo, hành, tỏi... theo các quy trình sản xuất tốt (GAP), Sở NN&PTNT sẽ triển khai các đề án, dự án ưu tiên trong phát triển giống lúa, giống thủy sản.
Tiếp tục xây dựng các mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, gắn với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, với những ứng dụng KHKT tiên tiến làm chủ nền sản xuất.
Related news
Hơn nửa tháng nay, hàng trăm hộ nông dân ở xã Nam Dong, huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông mất ăn, mất ngủ vì hàng chục ha đậu lạc (đậu phộng) đã hơn hai tháng tuổi xanh tốt nhưng không có củ. Đây là lần đầu tiên người nông dân trên địa bàn xã Nam Dong trồng lạc không có củ, nhưng chưa rõ nguyên nhân do đâu.
Nhằm hỗ trợ nông dân (ND) tăng thu nhập, Hội ND Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà, lợn theo hình thức liên kết bán công nghiệp. Các mô hình đã bước đầu cho hiệu quả tốt.
Có nhiều biện pháp diệt trừ ốc sên, tuỳ vào điều kiện thích hợp của địa phương bà con có thể lựa chọn một số cách sau
Diện tích nuôi thủy sản toàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) năm 2011 là 1540 ha, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 40 ha so với năm 2010 dẫn đến sản lượng thủy sản cả năm tăng ước đạt 48.950 tấn, đạt 100,51% kế hoạch, tăng gần 2.000 tấn. Để tạo điều kiện cho ngành thủy sản đạt được những kết quả phấn khởi, huyện Cao Lãnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nhiều giống thủy sản để đảm bảo nuôi trồng thuận lợi.
Một lần tình cờ xem ti vi nói về một chủ trang trại, tỷ phú cá sấu ở huyện Chiêm Hóa (Quảng Bình), anh Đinh Văn Bức ở thôn Yên Lạc, xã Đồng Hóa (Kim Bảng, Hà Nam) đã nảy sinh ý định nuôi con đặc sản này.