Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dự Án Nhỏ, Hiệu Quả Lớn

Dự Án Nhỏ, Hiệu Quả Lớn
Publish date: Tuesday. May 8th, 2012

Chỉ sau vụ lúa đông xuân 2011 – 2012, dự án “Hỗ trợ nông dân mua máy GĐLH thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa” đã phát huy tốt hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân tỉnh Sóc Trăng.

Chỉ qua vụ lúa đông xuân 2011 - 2012 nhưng 146 máy gặt đập liên hợp thuộc Dự án “Hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH) thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa” của UBND tỉnh Sóc Trăng đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Triển khai từ tháng 9-2011, đến vụ đông xuân vừa qua, Dự án “Hỗ trợ nông dân mua máy GĐLH thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa” giải ngân cho nông dân mua 146/150 máy GĐLH nhãn hiệu Kubota. Mặc dù chỉ hoạt động trung bình 8 giờ/ngày, trong thời gian 30 ngày, nhưng số máy này hỗ trợ thu hoạch được 17.520 ha lúa đông xuân, chiếm 16,79% diện tích toàn vụ. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ diện tích thu hoạch khá khiêm tốn nhưng đã mang lại cho nhà nông nguồn thu nhập tăng thêm khá lớn. Anh Dương Hoài Ngọc, nông dân thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, cho biết: “Nhờ thu hoạch bằng máy GĐLH nên chi phí thu hoạch giảm rất nhiều, mà lúa lại bán được giá cao hơn so với thu hoạch bằng thủ công từ 200 - 300 đồng/kg”. Đánh giá về hiệu quả Dự án, ông Dương Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hiệu quả là rất rõ rệt. Khi số máy của dự án được đưa vào hoạt động không chỉ giúp nông dân thu hoạch lúa kịp thời, giảm được hao hụt, giảm chi phí thu hoạch so với thủ công, mà còn giúp gia tăng chất lượng, từ đó bán được giá cao hơn”.

Theo ước tính của ngành nông nghiệp, với diện tích thu hoạch 17.520 ha và năng suất bình quân trên 6,5 tấn, Dự án đã góp phần giảm thất thoát cho nông dân gần 2.500 tấn lúa so với thu hoạch bằng thủ công. Khi thu hoạch bằng máy, nông dân còn tiết kiệm được chi phí thu hoạch 1,5 triệu đồng/ha. Chỉ tính riêng hai khoản trên, ngay trong vụ đông xuân 2011 - 2012, Dự án đã làm lợi cho nông dân số tiền trên 38 tỉ đồng. Đó là chưa kể lúa thu hoạch bằng máy luôn bán được giá cao hơn so với thu hoạch bằng thủ công từ 100 - 300 đồng/kg, góp phần tăng thêm gần 23 tỉ đồng. Đây là một nguồn lợi rất có ý nghĩa đối với nông dân, nhất là trong những thời điểm giá lúa xuống thấp như vừa qua.

Theo dự toán kinh phí của dự án, phần kinh phí thuộc ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất cho 150 máy trong 2 năm là 19,7 tỉ đồng. Nguồn kinh phí trên thật sự là không nhỏ đối với một tỉnh nghèo như Sóc Trăng. Tuy nhiên, chỉ mới qua một vụ sản xuất nhưng đã chứng minh quyết định hỗ trợ của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời, khi tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho nông dân trên 61 tỉ đồng. Đối tượng hưởng lợi không chỉ là những nông dân làm dịch vụ, hay sử dụng thu hoạch bằng máy GĐLH mà còn có cả những doanh nghiệp, các thương lái thu mua lúa. Lúa thu hoạch bằng máy có chất lượng cao hơn, cũng đồng nghĩa với việc chi phí phơi sấy sẽ ít hơn và hiệu suất thu hồi, chất lượng gạo khi xay xát cũng sẽ đạt cao hơn. Việc giảm hao hụt sau thu hoạch cũng làm cho đồng ruộng ít lẫn lúa tạp hơn trong những vụ sản xuất tiếp theo.

Nếu so với một số tỉnh trong khu vực, Sóc Trăng có tiến độ cơ giới hóa khâu thu hoạch chậm hơn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 478 máy GĐLH các loại; trong đó có 332 máy do dân tự mua và 146 máy do Dự án của tỉnh hỗ trợ. Tất cả số máy trên đã góp phần thu hoạch trên 104.000 ha lúa đông xuân 2011 - 2012, chiếm 75,16% diện tích gieo trồng của cả vụ. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt máy trong thời điểm thu hoạch rộ ở vụ xuân hè 2012. Vì vậy, giá thu hoạch bằng thủ công có nơi lên đến 500.000 đồng/công khiến nông dân hết sức khó khăn trong việc bảo đảm lợi nhuận. Vì thế, các địa phương đã đề xuất tỉnh nên tiếp tục hỗ trợ thêm 41 máy để đáp ứng nhu cầu thu hoạch trong thời gian tới.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch đang là xu thế chung của vùng lúa ĐBSCL trước thực trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp. Những thành công bước đầu của Dự án “Hỗ trợ nông dân mua máy GĐLH thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa” sẽ giúp Sóc Trăng thêm tự tin trên con đường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Dự án có tổng kinh phí 97,7 tỉ đồng, để hỗ trợ nông dân mua máy 150 máy GĐLH (không phân biệt máy nội hay máy ngoại). Trong đó, phần vốn vay ngân hàng 54,6 tỉ đồng (70% giá trị máy), vốn của nông dân 23,4 tỉ và phần ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi vay trong 2 năm đầu trên 19,7 tỉ đồng. Đối tượng được vay là nông dân, HTX có nhu cầu mua máy GĐLH, có vốn đối ứng và khả năng quản lý, sử dụng máy hiệu quả.

Related news

Chuối Tết Khan Hiếm, Lăm Le Tăng Giá Cả Chục Lần Chuối Tết Khan Hiếm, Lăm Le Tăng Giá Cả Chục Lần

Chị Quỳnh Liên, ngụ phường Tân Quy, quận 7, cho biết chị vừa đi chợ nghe tiểu thương nói Tết này giá chuối để chưng sẽ tăng mạnh. "Nhưng dù giá có tăng cao bao nhiêu thì cũng phải ráng mua ít nải chuối xanh về để thờ cúng ông bà. Tết nhất mà trên bàn thờ không có loại trái cây này thì kỳ lắm” - chị Liên chia sẻ.

Wednesday. January 21st, 2015
Dưa Hấu Dội Chợ, Nông Dân Thiệt Hại Lớn Dưa Hấu Dội Chợ, Nông Dân Thiệt Hại Lớn

Nguyên nhân rớt giá một phần do các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh (Tịnh Biên, Vĩnh Xương) ngưng làm thủ tục (đóng cửa) lúc 18 giờ hàng ngày, khiến dưa hấu bị hạn chế khi xuất khẩu sang Campuchia, trong khi đây là thời điểm làm ăn sôi động. Thương nhân hai nước đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho mở cửa biên giới đến 21 giờ đêm để thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa.

Wednesday. January 21st, 2015
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Bán Thâm Canh Cá Chép Trong Ao Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Bán Thâm Canh Cá Chép Trong Ao

Cá chép là đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ… nên được nuôi khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, qua theo dõi nuôi cá chép trên địa bàn tỉnh, người nuôi chủ yếu thả tận dụng, cơ cấu mật độ thả thấp, chỉ chiếm khoảng 10 - 20% so với tổng đàn cá thả, dẫn đến sản lượng thu hoạch cá chép không cao, lợi nhuận của người nuôi còn thấp. Chưa có nhiều mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh cá chép để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.

Wednesday. January 21st, 2015
Rất Cần Doanh Nghiệp Lớn Dẫn Dắt Thị Trường... Rất Cần Doanh Nghiệp Lớn Dẫn Dắt Thị Trường...

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Intimex đã chia sẻ riêng với NNVN về các kinh nghiệm tái cấu trúc ngành hàng và DN nông sản XK trong năm 2015...

Wednesday. January 21st, 2015
Lối Thoát Cho Ngành Cao Su Lối Thoát Cho Ngành Cao Su

Hiện nay, giá mủ cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đang ở mức thấp, đây chính là cơ hội tốt để ngành cao su VN tái cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị, thay vì chỉ tập trung SX và XK mủ cao su thô như lâu nay.

Wednesday. January 21st, 2015