Đồng Nai Mù Mờ Chất Lượng Giống Cây Trồng
Giống cây trồng quyết định không nhỏ đến năng suất, chất lượng nông sản. Điều đáng lo ngại hiện nay là thị trường giống cây trồng còn quá nhiều kẽ hở.
Theo một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống cây có uy tín, hiện đơn vị sản xuất có đăng ký đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các cơ sở sản xuất - kinh doanh tự phát.
* Thử mới biết
Ông Phạm Trí Việt, nông dân trồng bưởi tại huyện Định Quán (Đồng Nai), từng đoạt nhiều giải cao tại hội thi trái ngon - an toàn Nam bộ, kể: “Thời đó, tôi trồng thử đủ loại giống bưởi, như: năm roi, đường lá cam của Tân Triều, da xanh ruột hồng… Khi cây cho thu hoạch, tôi mới có cơ sở để chọn lọc, loại bỏ những cây, những giống không phù hợp. Vì nhìn vào cây giống, không thể biết được chất lượng của nó. Mặt khác, chỉ có thử nghiệm mới chọn được những giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu xứ này”.
Việc quản lý hoạt động kinh doanh giống cây trồng chủ yếu trên giấy tờ.
Anh Vòng Soay Dậu, một nông dân có vườn cam xoàn cho thu hoạch tiền tỷ tại xã Sông Thao (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Bản thân tôi và không ít nông dân khác từng rơi vào cảnh chặt bỏ vườn cây vì mua phải giống dỏm. Tuy có hơn 20 năm kinh nghiệm làm nông, nhưng để biết rõ về chất lượng cây giống tôi cũng chỉ có cách trồng thử mới biết. Chính vì vậy, tôi đã bỏ công tự chiết cành, nhân giống khi quyết định mở rộng diện tích vườn cam”.
Thử đi mua cây giống tại những điểm kinh doanh, đa số người bán chỉ giới thiệu chung chung về xuất xứ cây giống. Nhiều cơ sở không cung cấp được giấy tờ để chứng minh nguồn gốc, chất lượng giống ngoài những lời cam kết suông rằng đây là giống được làm từ những cơ sở uy tín, đảm bảo về chất lượng.
Ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai, thừa nhận: “Việc quản lý chất lượng của hoạt động sản xuất - kinh doanh giống cây trồng chủ yếu vẫn trên giấy tờ. Vì mặt hàng này không có căn cứ nào để kiểm tra trực tiếp về chất lượng như các loại hàng hóa khác”.
* Nhiều lo ngại
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2013 toàn tỉnh có trên 400 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh giống cây trồng. Trong đó, 56 cơ sở hoạt động không phép và đều rơi vào các hộ sản xuất tư nhân. Có nơi hình thành cả khu vực tập trung sản xuất cây giống tự phát, như huyện Trảng Bom với 33 cơ sở sản xuất giống không phép, chủ yếu là sản xuất giống cây lâm nghiệp.
Năm 2013, kết quả kiểm tra của huyện Trảng Bom về đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp cho thấy, trong 17 cơ sở sản xuất được cấp phép chỉ có 2 cơ sở đạt loại A, còn lại 14 cơ sở không đạt bị đánh giá loại C, chiếm tỷ lệ trên 82%.
Bà Phạm Thị Phấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên giống cây trồng số 1 (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Nhiều nông dân có vài sào đất cũng có thể mở cơ sở sản xuất giống lâm nghiệp. Có giai đoạn giá giống cây keo lai ngoài thị trường rớt xuống chỉ còn 200 đồng/cây vì nhà nhà đua nhau sản xuất. Lúc đó, chúng tôi chỉ bán được sản phẩm này cho khách “mối” chứ không ra được các vựa vì bị cạnh tranh về giá”.
Theo ông Nguyễn Công Tú, tuy hàng năm địa phương và các cơ quan chức năng đều có tổ chức kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất - kinh doanh giống cây trồng nhưng khó kiểm soát hết thị trường. Nhiều điểm kinh doanh, sản xuất chỉ hoạt động theo mùa vụ trong một thời gian ngắn hoặc chỉ trưng bày vài mẫu giống cây, chỉ khi khách đặt mới nhập về nên rất khó xử lý.
Related news
Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có 275ha lúa Hè thu bị bệnh bạc lá tấn công, tăng 104ha so với thời điểm cuối tháng 6, với tỷ lệ ảnh hưởng từ 10-20%. Nguyên nhân là do đợt mưa dầm vừa qua làm cho ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh và có khả năng gia tăng thêm diện tích trong thời gian tới, bởi hiện nay đang bước vào đầu mùa mưa.
Chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây, giá chuối giảm liên tục đã gây khó khăn cho bà con nông dân.
Lao động cật lực để kiếm được ít đất bưng nhưng lại không thuận lợi cho việc trồng hoa màu. Ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã tìm đến cây măng cụt, kết quả là cây măng cụt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2014 do UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, BCĐ Tây Bắc tổ chức giữa tháng 5 vừa qua; Dự án trồng 10 nghìn ha cao su của Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang đã được trao Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn trên 1,560 tỷ đồng.
Đậu tương là một loại cây trồng quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của người dân và một phần làm hàng hóa. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn chưa quen với việc chuyển đổi trồng đậu tương trên đất ngô kém hiệu quả trong vụ Xuân - hè bởi lẽ loại cây này chỉ được trồng vào vụ Hè - thu.