Phát Triển Trồng Cây Ăn Quả Ở Xã Xuân Sơn, Huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa)
Xuân Sơn là địa phương có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp khó khăn nhất trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Nguyên nhân là ở đây địa hình đồi núi nhiều, chất đất và khí hậu không thật sự thuận lợi. Trong những năm qua, bà con nông dân chỉ có thể phát triển được cây mía, cây keo hoặc chuối.
Giá trị kinh tế mang lại từ những cây trồng này không lớn, giá cả bấp bênh. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, năm 2013, lớp dạy nghề trồng cây ăn quả cho bà con đã được tổ chức, từ đó, phong trào trồng cây ăn quả ở xã Xuân Sơn được đẩy mạnh, nhiều diện tích trồng bưởi, mít, dừa được phát triển rất tốt trên vùng đất này.
Cách đây 2 năm, khu đất rẫy rộng 6 ha của gia đình ông Phan Văn Cang, xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh chủ yếu được trồng cây keo và cây chuối. Nhưng sau một thời gian canh tác, ông Cang thấy hiệu quả của những cây trồng này mang lại không cao, vì vậy, ông đã vào tận miền Nam để đưa giống cây bưởi, mít về trồng. Bên cạnh đó, ông vẫn giữ lại cây chuối, trồng thêm đu đủ để lấy ngắn nuôi dài. Ông Cang cũng cho biết: việc phát triển cây ăn quả ở đây là hướng đi mới của bà con nông dân, vì lợi ích kinh tế mang lại ổn định hơn nhiều.
Ông Phan Văn Cang cho biết: “Gần đây tôi chuyển sang cây ăn quả, tôi trồng 300 cây mít, 700 cây đào, 100 cây bưởi, ý định năm sau trồng thêm 300 cây mít nữa. Cây mít tôi tham khảo nhiều rồi, giống mít ở đây múi dày ngọt và thơm hơn”.
Phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Xuân Sơn chỉ thực sự phát triển trong hơn 1 năm nay, nhất là sau khi Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa mở lớp dạy nghề trồng cây ăn trái. Nhiều bà con nông dân trong đó có ông Cang sau khi tham dự lớp đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.
Tính đến nay, cả xã đã có hơn 100 ha cây ăn quả được hình thành, tập trung nhiều nhất là cây mít, bưởi, dừa, xoài… Mặc dù điều kiện đất đai ở đây không tốt, thiếu nước tưới nhưng những kinh nghiệm mà bà con học được trong các lớp dạy nghề đã giúp việc trồng cây ăn quả gặp nhiều thuận lợi, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất. Hiện nay, các loại cây ăn quả đã phát triển tốt, chỉ trong 2 đến 3 năm nữa bắt đầu cho thu hoạch.
Có thể nói, hoạt động dạy nghề của Hội Nông dân đã mang nhiều hiệu quả thiết thực cho bà con trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Sau khi tham gia lớp, bà con đã thay đổi nhận thức trong hoạt động sản xuất, nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành, đồng thời, công tác chuyển đổi giống cây trồng ở các địa phương cũng thuận lợi hơn. Việc phát triển cây ăn quả tại vùng đất đồi ở Xuân Sơn là hướng đi phù hợp, nhằm tạo sự ổn định kinh tế để bà con thoát nghèo.
Định hướng trong những năm tới, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, Hội cũng thành lập tổ liên kết trồng cây ăn quả để bà con có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Sơn - huyện Vạn Ninh cho biết: “Để khuyến khích bà con trồng cây ăn quả, Hội đã lập nhiều đề án; trong đó có quỹ hỗ của Hội nông dân tỉnh, sắp đến cho vay, tiếp tục đầu tư cho bà con sản xuất. Với số vốn 100 triệu quá ít nên chúng tôi chỉ kết nạp được 10 hội viên”.
Bà con nông dân ở xã Xuân Sơn rất mong muốn tỉnh, huyện mở thêm nhiều lớp dạy nghề, cung cấp thêm các kiến thức khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả để bà con có thể phát triển tốt hơn. Đồng thời, cũng muốn vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, để đầu tư mở rộng diện tích trồng; đào giếng đưa nước tưới cho vườn cây, với quyết tâm xây dựng Xuân Sơn thành vùng chuyên canh cây ăn quả trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
Related news
Thủy lợi đã làm nên một kỳ tích trong 70 năm qua, đó là: làm thay đổi bộ mặt của đất nước và đem lại những lợi ích to lớn cho nhân dân.
Sau khi chương trình khí sinh học trong chăn nuôi được triển khai tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định), những hộ chăn nuôi đã thấy được hiệu quả thiết thực từ hầm biogas.
Không còn là “danh bất hư truyền” nữa, TBR225 không chỉ là “sao kim” của vụ xuân mà còn là “sao mộc” của vụ mùa...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng Hà Nội hiện nay có thách thức lớn khi có vùng nông nghiệp rộng lớn, tạo khoảng cách chênh lệch về nguồn thu giữa nội thành và ngoại thành.
Theo Chi cục Thú y Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện dịch heo tai xanh tại 8 hộ chăn nuôi gia đình, với tổng đàn heo 591 con, trong đó có 74 con chết và đã tiêu hủy 327 con.