Đòn Bẩy Đa Dạng Hóa Ngành, Nghề Nông Thôn

Với gần 482 tổ, hợp tác xã hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên, kích thích nền kinh tế tập thể phát triển mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa ngành, nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Đây là yếu tố quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 165 hợp tác xã (HTX) và 317 tổ hợp tác, với tổng số trên 25.000 thành viên, xã viên hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực: nông – lâm nghiệp, công thương, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải. Tổng vốn kinh doanh của các tổ, hợp tác xã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Với sự năng động của Ban quản trị, nhiều HTX và tổ hợp tác kịp thời thích nghi xu thế thị trường, tích cực đầu tư, tìm hiểu thị trường mở rộng kinh doanh thêm nhiều ngành nghề mới. Nhờ đó, tạo việc làm thường xuyên và nâng thu nhập cho xã viên.
Các HTX mới chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã khắc phục được những hạn chế, yếu kém theo phương thức làm kinh tế cũ và dần năng động, nắm bắt cơ chế thị trường tổ chức nhiều hoạt động phục vụ kinh tế hộ xã viên. Hiệu quả kinh tế dịch vụ ngày càng tăng, một số HTX trở thành mô hình điển hình tiên tiến, thu nhập và đời sống, kinh tế của hộ xã viên ngày càng cải thiện rõ rệt.
HTX Thủ công Mỹ nghệ Anh Minh, TP. Điện Biên Phủ chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, giải quyết việc làm cho xã viên và hàng chục lao động địa phương.
Chiếm tỷ phần cao nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, với trên 30% tổng vốn kinh doanh. Đây cũng là loại hình có số lượng xã viên đông nhất với 19.465 xã viên, tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Điện Biên và T.P Điện Biên Phủ.
Các HTX nông – lâm nghiệp không chỉ giúp người dân tiếp cận với mô hình, phương thức liên kết làm ăn mới trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Những năm gần đây trên một số HTX nuôi trồng thủy sản mới thành lập, tương đối phát triển tập trung ở huyện Điện Biên và T.X Mường Lay với ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi cá thịt. Như HTX Thủy sản Pe Luông chú trọng đầu tư tìm hiểu thị trường và đưa nhiều giống mới từ các tỉnh, thành miền xuôi vào nuôi trồng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Thị trường tiêu thụ của HTX ngày càng mở rộng, không chỉ trên địa bàn tỉnh, các tỉnh lân cận mà còn vươn sang nước bạn Lào.
Nhiều HTX nông lâm nghiệp đã phát huy vai trò tập hợp, thay đổi suy nghĩ, cách làm kinh tế cho bà con nông dân. Từ đó, giúp người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh; đưa giống cây, con mới có năng suất, chất lượng vào chăn nuôi, trồng trọt. Các HTX dịch vụ nông nghiệp tập trung làm tốt khâu dịch vụ phục vụ hộ xã viên, như: làm đất, tưới tiêu, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Thông qua các khâu dịch vụ, HTX đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, trở thành đầu mối trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, một số HTX đã tổ chức các ngành nghề kinh doanh dịch vụ mới theo hình thức tín dụng nội bộ, chế biến kinh doanh cà phê kết hợp bảo tồn gen thú rừng, dịch vụ cung ứng giống gà xương đen Tủa Chùa...
Quá trình hoạt động, các tổ, HTX được sự hỗ trợ rất lớn của Liên minh HTX tỉnh. Ngoài thông tin tuyên truyền trên báo, đài và thông qua Bản tin kinh tế HTX Việt Nam để ban giám đốc và xã viên các tổ, HTX nắm rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về kinh tế tập thể. Đồng thời, giúp các tổ, hợp tác xã nắm bắt thông tin, hoạt động trong hệ thống liên minh HTX tại địa phương, tham khảo, học tập kinh nghiệm những mô hình, tổ, hợp tác xã làm ăn hiệu quả. Đặc biệt, thời gian qua nhiều tổ, hợp tác xã đã được tư vấn, hỗ trợ vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc duy trì, mở rộng kinh doanh.
Ông Phí Văn Dương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Từ nguồn vốn thu hồi và quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX vay gần 2,4 tỷ đồng.
Trong đó, có HTX Xuân Chính, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) được hỗ trợ vay 2 tỷ đồng đầu tư máy móc trang thiết bị nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên đôn đốc, thu hồi vốn của những dự án đã đến hạn trả nợ, kết hợp hỗ trợ tư vấn về trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký, công tác tài chính, kế toán...
Hiện nay, số HTX khá, giỏi chiếm 43,7% (52 HTX). Lợi nhuận bình quân trong năm ước đạt 113 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động từ 1,3 – 1,5 triệu đồng/tháng. Số HTX kinh doanh có hiệu quả ngày càng tăng, trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho hộ xã viên.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/%E2%80%9C%C4%91%C3%B2n-b%E1%BA%A9y%E2%80%9D-%C4%91-d%E1%BA%A1ng-h%C3%B3a-ng%C3%A0nh-ngh%E1%BB%81-n%C3%B4ng-th%C3%B4n
Related news

Việc xen canh dứa gai với cao su không những đem lại thu nhập cao cho nông dân mà còn có tác dụng giúp đất tơi xốp, tăng cường dưỡng chất cho sự phát triển của cây cao su. Với hiệu quả đem lại, xã Ngọc Trung đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng dứa gai xen cao su.

Hơn mười năm qua, Tổ hợp tác (THT) Đầm Chông thuộc làng biển Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) luôn bám biển, phát huy nghề truyền thống đánh bắt thuỷ sản bằng lưới đăng hiệu quả, tạo công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.

Ngoài việc phải bảo đảm điều kiện cách xa khu dân cư, quy trình chăn nuôi khép kín, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn được chính quyền địa phương ủng hộ nhờ hiệu quả ổn định nên bà con nông dân xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) rất an tâm đầu tư thực hiện mô hình này.

Để chủ động phòng bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thuỷ sản tiếp tục tăng cường công tác triển khai phòng chống dịch trên toàn tỉnh, song song đó thực hiện tiêm phòng, quản lý tốt các hoạt động giết mổ, bày bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.

Sau những năm tháng trồng rau thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Chiêu, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở về quê hương và áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn để phát triển kinh tế gia đình và bước đầu anh đã thành công.