Đối Diện Với Cá Tầm Trung Quốc Nhập Lậu
Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam, mỗi ngày hiện có 2-3 tấn cá tầm từ Trung Quốc nhập lậu vào TP.HCM qua đường hàng không, sau đó tiêu thụ đến các tỉnh, thành lân cận với giá trên dưới 100 ngàn đồng/kg.
Trong khi đó, với giá cá tầm bán ra trên dưới 200 ngàn đồng/kg tại ao hồ nuôi theo quy trình an toàn của mình, Lâm Đồng đang phải đối diện với những thách thức trong việc ổn định và phát triển thị phần.
Gần 3 năm trở lại đây, hộ gia đình ông Phạm Văn Đa, một trong những hộ nuôi cá tầm đầu tiên ở Đà Lạt phải giảm dần sản lượng và giá thành trước sự cạnh tranh giá rẻ của cá tầm Trung Quốc nhập lậu.
Cụ thể, trong năm 2011 và năm 2012, mỗi năm sản lượng cá tầm của ông Đa đã xuất bán sỉ và bán lẻ từ 2-3 tấn cho bạn hàng trong, ngoài tỉnh Lâm Đồng, giá bán trên dưới 300 ngàn đồng/kg. Nhưng trong gần 7 tháng đầu năm 2013, chỉ còn bán được từ 5-6 tạ với giá liên tục giảm xuống còn 250 ngàn đồng/kg và hiện nay đang dao động ở mức trên dưới 200 ngàn đồng/kg.
Ông Đa kể rằng, ông và một “đồng nghiệp” nuôi cá tầm ở Lạc Dương đã đóng vai người nội trợ đến một cơ sở bán cá tại Đà Lạt, mua được 1 con cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc nặng gần 3 kg, giá mỗi ký 90 ngàn đồng, đưa về chế biến món ăn.
Khi đặt cạnh bên với con cá tầm nuôi trong ao nhà của mình, ông Đa thấy con cá tầm Trung Quốc nhập lậu với bề ngoài mập tròn như muốn nứt da ra, chiếc miệng ngắn và nhọn hơn; từng miếng thịt nấu chín vừa đưa vào miệng ăn đã tan rã ra như nước lã, rất nhạt nhẽo…
Chủ quầy bán cá tầm của Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên tại chợ Đà Lạt, ông Ứng Văn Đạo cũng đã nhập vai vào người mua cá tầm Trung Quốc nhập lậu về Đà Lạt, nhưng người bán thản nhiên lừa gạt rằng đây là giống cá tầm nuôi ở Lâm Đồng, nay phải bán xuống giá vì sản lượng thu hoạch đang tăng nhanh đột biến (?!).
Theo ông Đạo, do người tiêu dùng có tâm lý ham giá rẻ nên khi mua cá tầm Trung Quốc nhập lậu vẫn cứ nhầm tưởng được mua cá tầm nuôi ở Lâm Đồng. Hệ quả trong vòng 2 tháng vừa qua, quầy bán cá tầm Lâm Đồng của ông Đạo - do vẫn bán giá cao gần gấp 2 lần so với giá bán cá tầm Trung Quốc nhập lậu, nên đã giảm lượng bán ra trung bình 50 - 60 kg/ngày xuống còn 15 - 20kg/ngày.
Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam cho biết: Nghề nuôi cá tầm Nga ở Lâm Đồng đã phát triển gần 10 năm qua, đến nay đã có 17 đơn vị, cá nhân thả nuôi trên 46 ha diện tích mặt nước và 148 lồng bè, đạt sản lượng 400 tấn trong năm 2012 và phấn đấu tăng lên 410 tấn trong năm 2013.
Cá tầm Lâm Đồng (chiếm từ 60-70% nguồn giống cá tầm Nga được ấp nở tại Lâm Đồng) được nuôi theo quy trình sạch từ môi trường ao hồ đến nguồn thức ăn, thời gian từ khi thả cá bột giống nuôi đến khi thu hoạch từ 12 tháng trở lên, đạt cân nặng từ 2-3kg/con. Trong khi cá tầm Trung Quốc nhập lậu chỉ nuôi từ 4 tháng trở lên với các chất thức ăn tăng trọng nhanh, nên cũng đạt cân nặng từ 2-3 kg/con, từ đó đã cấu thành giá bán rẻ hơn một nửa giá thành cá tầm nuôi ở Lâm Đồng.
Bên cạnh việc kiến nghị các cơ quan chức năng trong nước cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các nguồn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam qua những tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam đã đề xuất những giải pháp trọng tâm, trọng điểm để chủ động tự bảo vệ sản xuất cá tầm trong nước nói chung, trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Đó là không ngừng hoàn chỉnh quy trình nuôi sạch, xây dựng cơ cấu giá thành bán ra hợp lý, tổ chức liên kết chặt chẽ với các hệ thống phân phối trên thị trường.
Tính riêng ở Lâm Đồng, thông qua “chiếc cầu nối” của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam, từ tháng 6/2013, một doanh nghiệp đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện hợp đồng tiêu thụ 200 tấn cá tầm Lâm Đồng mỗi năm, giá tiêu thụ ổn định theo từng thời điểm thị trường cạnh tranh. Đây được xem một trong những tín hiệu mới khả quan để góp phần bảo vệ, giữ vững giá trị thương hiệu của cá tầm Lâm Đồng trong năm tới.
Related news
Ông Phạm Hồng Sơn, chủ cơ sở sản xuất cây giống Mười Sơn, ấp Sơn Lân, xã Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre) cho biết: Từ đầu năm đến nay, cây giống liên tục tăng giá với mức bình quân khoảng 40 – 60% tùy từng loại giống cây. Sầu riêng loại I từ mức giá 22.000 đ/cây nhảy vọt lên 30.000 – 35.000 đ/cây; xoài loại I từ mức giá 14.000 đ/cây tăng lên 26.000 đ/cây; dừa từ mức 20.000 đ/cây tăng lên 30.000 đ/cây, cam sành từ mức 8.000 đ/cây tăng lên 13.000 đ/cây…
Ông Trần Đình Thất, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn cho NNVN biết, trong cơn mưa đá kèm giông lốc xảy ra tại địa bàn xã Vân Tùng, Trung Hòa, Thượng Quan và thị trấn Nà Phặc lúc rạng sáng ngày 27/4, đã làm dập nát, đổ rạp hơn 84 ha ngô và hơn 30 ha thuốc lá (riêng cây thuốc lá bị thiệt hại khoảng 70%).
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đồng ý với đề xuất thành lập Ban điều phối ngành chè, và yêu cầu Cục Trồng trọt trong tháng 5 phải trình bộ.
“Tất cả chỉ diễn ra trong vòng có một tiếng đồng hồ. Nước sông tự nhiên bốc mùi rồi cá, tôm chết trắng sông. Hầu như chẳng có gia đình nào kịp trở tay, vớt vát được gì." - Một chủ bè nuôi cá ở Lục Đầu Giang cay đắng kể lại.
Việc dùng từ “Hoa hậu bò sữa” đầu tiên có thể nghe chưa quen, lạ tai, nhưng nó sẽ dần quen với giao tiếp Tiếng Việt và hình thành nên một nghĩa định danh mới.