Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dốc Sức Bảo Vệ Lúa Hè Thu

Dốc Sức Bảo Vệ Lúa Hè Thu
Publish date: Wednesday. August 13th, 2014

Diễn biến bất lợi của thời tiết đã khiến nhiều diện tích lúa hè thu chính vụ ở huyện Duy Xuyên bị một số loại sâu bệnh nguy hiểm tấn công. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện đang tập trung hướng dẫn nông dân cách phòng trừ hiệu quả nhằm hạn chế  thiệt hại.

Sâu bệnh bùng phát mạnh

Vụ sản xuất hè thu 2014 này, ông Nguyễn Trường Tư ở thôn Trà Châu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) gieo sạ tổng cộng 8 sào lúa trên các cánh đồng Đạt Nhì, So Đũa, Đồng Miếu, Rộc Tư.

Cách đây vài ngày, ông Tư ra thăm đồng thì phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại nhiều diện tích lúa đang trong thời kỳ phơi màu với mật độ bình quân 1.500 con/m2. Theo ông Tư, nguyên nhân khiến 2 loại rầy nguy hiểm ấy bùng phát là vì những ngày qua trời âm u, chiều có mưa rải rác, nhiệt độ dao động từ 30 - 340C.

Cầm mấy bụi lúa bị nhiễm rầy trên tay, ông Tư nói: “Khi vừa phát hiện, tôi liền chạy ra cửa hàng vật tư nông nghiệp ở chợ Trà Kiệu mua thuốc đặc trị rầy nâu, rầy lưng trắng là Chess 50WG, Alika 247SC về phun. Hiện giờ, tuy mức độ rầy gây hại đã giảm nhưng tôi vẫn không chủ quan, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện rầy ở đâu là tiến hành phun thuốc diệt trừ đến đó”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dụy - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên cho biết, thời điểm này hầu hết cánh đồng lúa hè thu ở địa phương đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông rộ. Tuy nhiên, hiện nay toàn huyện đã có ít nhất 60ha lúa bị nhiễm rầu nâu, rầy lưng trắng với mật độ phổ biến 750 - 1.500 con/m2, nơi cao nhất lên đến 3.000 con/m2, tập trung chủ yếu tại các khu vực như Đồng Nam (Duy Hòa), Thanh Châu, Thọ Xuyên (Duy Châu), Vạn Buồng (Duy Trinh), Đạt Nhì, Đồng Cả (Duy Sơn), Đồng Làng, Đồng Thổ (Duy Trung), Hà Quảng, Nhà Kho (Duy Thành)…

Toàn tỉnh có 2.636ha lúa bị rầy và bệnh khô vằn gây hại

Không chỉ huyện Duy Xuyên, những ngày gần đây rầy nâu và rầy lưng trắng cũng đã bùng phát mạnh trên nhiều cánh đồng lúa ở hầu hết địa phương của Quảng Nam. Thống kê mới nhất cho thấy, hiện nay toàn tỉnh đã có hơn 118ha lúa hè thu chính vụ bị nhiễm 2 loại rầy này với mật độ bình quân 300 - 500 con/m2, thậm chí một số vùng thuộc huyện Phú Ninh lên đến 4.000 con/m2. Được biết, số diện tích lúa bị rầy tấn công vừa nêu chủ yếu gieo sạ bằng các loại giống OM4900, Xi23, HT1, X21.

Ngoài ra, theo ngành nông nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh cũng có 2.518ha lúa khác bị bệnh khô vằn gây hại với tỷ lệ bình quân 5 - 10%, nơi cao 40%, tập trung chủ yếu ở Núi Thành, Tiên Phước, Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ, Phú Ninh.

Theo bà Dụy, ngoài rầy nâu, rầy lưng trắng thì những ngày qua bệnh khô vằn đã bùng phát tại nhiều nơi trên địa bàn huyện và đang có nguy cơ lây lan diện rộng.

Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện toàn huyện có không dưới 412ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ hại bình quân 5 - 10%, thậm chí một số vùng lên đến 30%, tập trung nhiều nhất trên những chân ruộng sạ dày, bón thừa đạm, xử lý thuốc không triệt để. Không chỉ vậy, chuột, bọ xít đen, sâu cuốn lá cũng đang xuất hiện, gây hại rải rác ở nhiều địa phương của Duy Xuyên…

Nỗ lực bảo vệ ruộng đồng

Trước tình hình trên, các cơ quan có trách nhiệm ở Duy Xuyên đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm nhanh chóng dập tắt sự lây lan của các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm.

Bà Nguyễn Thị Dụy cho hay, những ngày qua ngành bảo vệ thực vật huyện đã tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở, khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, vạch lúa kiểm tra kỹ để sớm phát hiện sâu bệnh và chủ động phòng trừ.

Bà Dụy nói: “Đối với những chân ruộng có rầy nâu và rầy lưng trắng tập trung cao thì đội ngũ cán bộ kỹ thuật và lực lượng khuyến nông viên cần hướng dẫn nông dân phun thuốc đặc hiệu theo cách bao vây từ ngoài vào để gom rầy lại, không cho chúng phát tán diện rộng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhằm bảo vệ an toàn hơn 3.800ha lúa trong vụ hè thu 2014 này, ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cũng vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung mọi nỗ lực để phòng trừ sâu bệnh một cách hiệu quả nhất.

Theo đó, lãnh đạo huyện yêu cầu chính quyền địa phương trên địa bàn thường xuyên cắt cử lực lượng chuyên trách lĩnh vực nông nghiệp kiểm tra đồng ruộng, khoanh vùng những nơi sâu bệnh xuất hiện với mật độ cao và khẩn trương phân công cán bộ đứng điểm hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ tối ưu.

Huyện Duy Xuyên cũng đã yêu cầu ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra những đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các trường hợp bán sản phẩm kém chất lượng. Qua đó, giúp nhà nông tránh vớ phải những loại thuốc dỏm nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả hơn…


Related news

Thị Trường Cá Tra Khởi Sắc Ở An Giang Thị Trường Cá Tra Khởi Sắc Ở An Giang

Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, thị trường tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu cá tra trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu khởi sắc.

Wednesday. September 12th, 2012
Được Mùa Đậu Nành Được Mùa Đậu Nành

Những ngày này, trên cánh đồng đậu nành (ĐN) 51 ha của xã Trường An (TP Vĩnh Long), nông dân đang dồn sức thu hoạch. Tất bật nhưng ai cũng vui bởi vụ ĐN năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá.

Sunday. May 13th, 2012
Mở Rộng Diện Tích Mía Nguyên Liệu 60.000 Ha Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Mở Rộng Diện Tích Mía Nguyên Liệu 60.000 Ha Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Theo định hướng phát triển ngành mía đường ĐBSCL đến năm 2020, các tỉnh này sẽ mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu rộng khoảng 60.000 ha, tập trung tại Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, tăng 8.000 ha so thời điểm hiện tại.

Wednesday. September 12th, 2012
Nỗ Lực Phát Triển Bền Vững Cây Sơ Ri Gò Công Ở Tiền Giang Nỗ Lực Phát Triển Bền Vững Cây Sơ Ri Gò Công Ở Tiền Giang

Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.

Tuesday. May 29th, 2012
Cách Ném Mạ Khi Gieo Mạ Ném Cách Ném Mạ Khi Gieo Mạ Ném

Khi cấy, gốc và rễ mạ bị dúi sâu 3-5 cm trong bùn đất do vậy cây lúa lâu hồi xanh, đẻ nhánh muộn và hay bị bệnh nghẹt rễ làm giảm năng suất, tăng chi phí phân bón, kéo dài thời gian sinh trưởng. Ném mạ trong phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa khắc phục được những nhược điểm này.

Thursday. July 12th, 2012