Doanh Nghiệp Muốn Giúp Người Trồng Dưa Nhưng Bất Lực

Thời gian qua, trong khi dưa hấu rớt giá nhưng không có người mua khiến nông dân trong tỉnh Quảng Ngãi khốn đốn, thì có doanh nghiệp dù muốn thu mua giúp người dân, nhưng đành phải vào tận Phú Yên để vận chuyển dưa hấu về…
Vào Phú Yên mua dưa
Trước tình cảnh dưa hấu chín hàng loạt nhưng không có người thu mua, hệ thống Siêu thị Co.opMart khu vực miền Trung đã liên kết với một doanh nghiệp ở Phú Yên để tiêu thụ dưa hấu giúp nông dân tỉnh này.
Việc làm này vừa giúp người tiêu dùng tiếp cận được với sản phẩm địa phương vừa hỗ trợ cho bà con nông dân khi dưa đang “bí” đầu ra. Nhưng đó là câu chuyện của người trồng dưa ở Phú Yên. Còn tại Quảng Ngãi, dù dưa hấu chín đầy đồng và đã “đại hạ giá” nhưng Co.opMart Quảng Ngãi vẫn không thể thu mua.
Lý giải điều này, ông Lê Hồng Ca - Giám đốc Siêu thị Co.opMart Quảng Ngãi cho biết: “Mặc dù rất muốn mua dưa giúp bà con, nhưng chúng tôi đành phải tiêu thụ dưa Phú Yên bởi lẽ, ở Quảng Ngãi không hề có một đơn vị đầu mối nào đứng ra thu gom dưa cũng như kiểm tra và đảm bảo cho chúng tôi về các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy dù rất muốn, nhưng chúng tôi đâu thể xuống từng ruộng dưa để mua mỗi ruộng vài trăm ký theo kiểu nhỏ lẻ”.
Không chỉ riêng vụ dưa năm nay, mà điệp khúc được mùa - mất giá cứ lặp đi lặp lại khiến người nông dân phải liên tục “ngậm” lỗ dù bội thu. Thiếu sự liên kết với doanh nghiệp để ổn định được đầu ra cho sản phẩm, bà con nông dân như đánh bạc với giá cả vào mỗi vụ mùa.
“Trồng dưa đã 4 năm, là 4 năm tôi mang nợ. Như vụ dưa năm ngoái, mới hôm qua người ta còn thu mua ruộng bên cạnh 5.000 đồng/kg, thì hôm nay sang đến ruộng tôi, giá chỉ còn 1.500 đ/kg. Nhưng nếu không bán, thì dưa cũng hỏng. Rồi thêm năm nay, đừng nói 1.500đ dù 500 đồng mà họ chịu mua thì tôi cũng bán hết”, anh Nguyễn Minh Tuấn một nông dân ở Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
Bài toán liên kết
Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Duy Sung- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Hiện nay, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Mà nguyên nhân chính là do người dân chủ yếu chỉ sản xuất theo kiểu manh mún, chứ chưa quy hoạch tập trung, nên doanh nghiệp dù muốn vào cuộc cũng khó”. Ông Sung cho biết thêm: “Nếu có thể quy hoạch được các vùng sản xuất như làng trồng nấm ở Đức Nhuận (Mộ Đức)… thì doanh nghiệp mới có thể dễ dàng liên kết, đồng hành cùng nông dân”.
Thực trạng người dân chủ yếu chỉ sản xuất theo hướng nhỏ lẻ vì thiếu những vùng chuyên canh tập trung là một thiệt thòi lớn đối với bà con nông dân. Nếu có thể quy hoạch được nhiều vùng chuyên canh như làng nghề trồng nấm ở Đức Nhuận, có Hợp tác xã đứng ra xâu chuỗi, hướng dẫn người nông dân về quy trình sản xuất và chịu trách nhiệm về đầu ra, thì người nông dân sẽ tránh được tình cảnh được mùa nhưng vẫn khóc ròng.
Related news

Vài ngày gần đây, trên địa bàn xã Tượng Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh), hàng vạn con tôm sú bỗng dưng bị chết, gây lo lắng cho các hộ nuôi trên địa bàn.

Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.

Từ TP Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), chúng tôi vượt qua 52 km đường nhựa, chạy về hướng đi Nha Trang quanh co đồi núi uốn lượn. Được chỉ dẫn tận tình của bà con, chúng tôi đến ngôi nhà ba tầng của hộ trồng vải đầu tiên ở xã Ea Kaly, huyện Krông Păk.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang vừa triển khai dự án nuôi cá và tôm càng xanh trên ruộng lúa cho 5 hộ dân ở xã Trường Long Tây, Trường Long A và thị trấn Bảy Ngàn. Trong đó, có 2 hộ nuôi tôm càng xanh và 3 hộ nuôi cá ruộng với tổng kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng.

Ông Phan Chánh Thi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, do nắng nóng và độ mặn tăng cao, tại 8 HTX thủy sản trong tỉnh đã xảy ra tình trạng nghêu chết. Tính đến nay, tổng lượng nghêu thiệt hại gần 350 tấn. Nghêu chết tập trung nhiều tại hai HTX Đồng Tâm (xã Thừa Đức, Bình Đại) và HTX An Thủy (xã An Thủy, Ba Tri).